Theo truyền thông địa phương, tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Kanagawa, Saitama và Chiba, có khả năng kéo dài trong một tháng, từ ngày 8/1 đến ngày 7/2/2021.
Lệnh này có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu mức độ lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trên toàn nước này có dấu hiệu sụt giảm.
![]() |
Tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo, Kanagawa, Saitama và Chiba dự kiến có hiệu lực vào nửa đêm nay. Ảnh: Reuters |
Ngày 6/1, Nhật Bản ghi nhận 6.004 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, đánh dấu mức kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào năm ngoái.
Số ca mắc mới tại thủ đô Tokyo đã lên mức báo động khi báo cáo thêm 1.591 trường hợp trong chiều ngày 6/1, vượt con số cao nhất trước đó là 1.337 ca hôm 31/12/2020. Đây cũng là lần đầu tiên Tokyo có trên 1.000 trường hợp nhiễm bệnh trong hai ngày liên tiếp và lần đầu tiên số ca mắc mới trung bình 7 ngày vượt 1.000 người. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Nhật Bản vẫn đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng.
Thủ tướng Yoshihide Suga tổ chức một cuộc họp báo lúc 6 giờ chiều (theo giờ địa phương) để thảo luận về vấn đề này. Đây sẽ là lần thứ hai Nhật Bản ban hành tình trạng khẩn cấp kể từ đầu mùa dịch, nhưng dự kiến sẽ không gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng như hồi tháng 4 năm ngoái, khi đại dịch giáng đòn mạnh vào nền kinh tế và khiến nó rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2020 của Nhật Bản đã lao dốc tới 28,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm, và chính phủ phải tung 3 gói cứu trợ với tổng giá trị lên đến 3.000 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế.
Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết khi ban bố tình trạng khẩn cấp, các biện pháp có giới hạn và trọng điểm sẽ được thực hiện, trái ngược với phạm vi mở rộng khắp cả nước như lần trước, mục đích kìm hãm nguy cơ lây nhiễm ở các quán bar và nhà hàng. Những địa điểm này được cho là nguồn lây nhiễm chính, do đó sẽ ngừng kinh doanh từ 8 giờ tối. Tuy nhiên, tất cả trường học trong 4 tỉnh, thành trên không phải đóng cửa và các kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn sẽ được tổ chức vào ngày 16/1 theo kế hoạch.
Yuki Masujima của Bloomberg nhận định, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp có thể khiến GDP của Nhật Bản giảm thêm 0,7% mỗi tháng. Tokyo và 3 tỉnh lân cận - Saitama, Kanagawa và Chiba - chiếm khoảng 1/3 GDP của nước này.
Gửi bình luận