Một nghiên cứu nói rằng, cuộc phẫu thuật thẩm mỹ được ghi chép đầu tiên trên thế giới diễn ra vào thế kỷ 16 ở Anh. Khởi điểm ban đầu của nó không phải là để làm đẹp mà là để chỉnh sửa những khiếm khuyết nhằm tránh kỳ thị và thiên vị xã hội. Có thể nói xuất phát ban đầu của phẫu thuật thẩm mỹ là chữa bệnh lý và tâm lý.
Ngày nay phẫu thuật thẩm mỹ cũng vẫn nhằm hai tiêu chí trên nhưng nó nghiêng về thỏa mãn tâm lý nhiều hơn. Do đó, không chỉ người xấu, ngay cả người không xấu cũng tìm đến thẩm mỹ.
![]() |
Phẫu thuật thẩm mỹ mang đến sự tự tin hơn, giúp có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn và cơ hội thành công cũng cải thiện rõ rệt. Ảnh: IT |
Theo đó, người Hàn Quốc vốn có khuôn mặt to nhưng mắt lại nhỏ, mũi tẹt, cằm ngắn… cho nên không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc được xem là quốc gia tiêu biểu cho công nghệ thẩm mỹ. Nhưng vốn được đánh giá là có vẻ ngoài vô cùng bốc lửa và khuôn mặt thanh tú, phụ nữ các nước như Hy Lạp, Italya, Brazil, Colombia... cũng đua nhau đi phẫu thuật thẩm mỹ thì thật là đáng ngạc nhiên.
Ở nước ta, trong thực tế cũng có nhiều người nhờ phẫu thuật thẩm mỹ mà tự tin hơn khi đối diện với người khác, tiếp cận với nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn và cơ hội thành công trong công việc cũng cải thiện rõ rệt. Nhưng ngược lại, phẫu thuật thẩm mỹ cũng từng là cơn ác mộng của nhiều người. Nó làm méo lệch, biến dạng khuôn mặt, cơ thể, khiến nạn nhân phải sửa đi sửa lại nhiều lần rất tốn kém và đau đớn, thậm chí có khi phải mất cả mạng sống.
Chính vì hai mặt của một vấn đề đó mà cho tới hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ vẫn còn là một đề tài tranh cãi chưa có hồi kết. Ai cũng cố chứng minh rằng mình có lý và đưa ra rất nhiều lý lẽ buộc phải suy ngẫm.
Mới đây, khi mà nền công nghệ thẩm mỹ đang tỏ rõ sức mạnh và sự ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới thì ở bên kia bán cầu, “người đàn bà đẹp” - nữ minh tinh Julia Roberts - đã chia sẻ quan điểm của cô về sự trở lại với vẻ đẹp của tâm hồn. “Người đàn bà đẹp” này cho rằng phụ nữ đẹp không chỉ ở gương mặt, ở dáng hình mà quan trọng hơn là ở tâm hồn và thần thái. “Chúng ta đều đặn bắt mình nhịn đói để được thân hình lý tưởng. Chúng ta luôn luôn muốn sửa chữa những cái không cần thiết. Còn cái chúng ta cần phải quan tâm hàng đầu thì lại không chú ý. Các bạn biết đó là gì không? Đó là tâm hồn chúng ta. Chính nó cần phải được bảo dưỡng và chăm sóc kỹ càng hơn. Đã đến lúc phải quan tâm đến nó.
… Các bạn cần phải hiểu rằng vẻ ngoài chẳng có nghĩa lý gì nếu như bên trong bạn trống rỗng. …Các bạn có thực sự cho rằng cần phải nhờ đến những thủ thuật dao kéo đau đớn độc hại để dường như làm cho các bạn trẻ hơn ra, đẹp hơn lên?
…Khi nào thì các bạn hiểu được rằng tất cả những quy tắc nhân tạo đó đang điều khiển thế giới và cầm tù chúng ta trong ảo tưởng về những đặc điểm bên ngoài của mình? Chúng ta không thể được vui hưởng vẻ đẹp tự nhiên của mình, chúng ta buộc phải chạy theo những quy chuẩn cái đẹp mà xã hội hiện đại ràng buộc cho mình.
Không ai có thể phù hợp 100% với những tiêu chí của cái đẹp. Cái vỏ bên ngoài là cái sau cùng khiến chúng ta để ý đến những người khác. Chỉ tâm hồn chúng ta mới có giá trị - hãy luôn nhớ điều đó”. (Ngân Xuyên dịch từ bản tiếng Nga –lược trích).
Còn Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An thì chia sẻ, thay vì cứ mãi tủi hổ về ngoại hình thì chúng ta hãy tập trung vào việc chăm sóc vẻ đẹp tâm hồn. Ngoại hình chỉ để lại dấu ấn nơi nhãn quan một lúc, còn một việc làm nhỏ có ý nghĩa nhân văn mới khắc sâu nơi trái tim người khác. Cũng theo ông, điều quyết định thành công của một người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng lực, giao tiếp, thái độ, tác phong làm việc… Ngoại hình là yếu tố cần có nhưng không đóng vai trò quyết định.
Liêu Hà Trinh – MC trẻ, tác giả của nhiều ấn phẩm có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng, trong một cuộc phỏng vấn trên báo cũng nêu quan điểm: “Phẫu thuật thẩm mỹ giúp bạn đẹp hơn nhưng không thể tái tạo được tâm hồn”. Chị cho rằng để trở thành một người đẹp đúng nghĩa, không chỉ có vẻ ngoài hoàn thiện mà chúng ta cần phải vun đắp chính tâm hồn của mình để bên trong cũng tốt đẹp như bên ngoài.
![]() |
… Các bạn cần phải hiểu rằng vẻ ngoài chẳng có nghĩa lý gì nếu như bên trong bạn trống rỗng. Ảnh IT |
Bạn đồng ý trải qua đau đớn, tốn kém trên bàn mổ, tỉnh dậy với khuôn mặt khác, cuộc đời khác với biết bao lo lắng căng thẳng để đổi lại một công cụ đó là sắc đẹp. Nhưng nếu tâm hồn bạn không đẹp tương xứng với nhan sắc thì thật là uổng phí. Dân gian có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
Cuối cùng, có thể bạn cũng biết, cuộc thi hoa hậu thế giới mới đây, ban giám khảo đã bỏ phần thi áo tắm, thay vào đó, họ tăng cường các phần thi thể hiện sự thông minh, khả năng giao tiếp và những hoạt động nhân văn hướng đến cộng đồng.
Gửi bình luận