Nhắm đến M&A, nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để "tiến công"

Tường Thụy Thứ ba, ngày 28/11/2023 16:37 PM (GMT+7)
"Khẩu vị" M&A (mua bán doanh nghiệp) của giới đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam đã mở rộng hơn so với trước đây vì họ sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Khẩu vị mới này tạo ra nhiều cơ hội hơn và động lực hơn cho thị trường.
Bình luận 0

Khác biệt này cũng được nhận định là nổi bật so với các giai đoạn trước, theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam.

Là chuyên gia lâu năm về lĩnh vực này tại KPMG, ông Ái - khách mời quan trọng tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) lần thứ 15 do báo Đầu tư tổ chức tại TP.HCM chiều 28/11. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò đơn vị chỉ đạo.

Nhắm đến M&A, nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để "tiến công" - Ảnh 1.

Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 tại TP.HCM ngày 28/11/2023. Ảnh: Tường Thụy

Theo ông Ái, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước đây, họ thường đòi hỏi pháp lý phải hoàn hảo. Nhưng gần đây, cùng với việc bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mức giá phù hợp và nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nên có những thương vụ trong đó nhà đầu tư nước ngoài đã chấp nhận mức rủi ro nhất định, tức là khẩu vị rủi ro tăng cao hơn một chút.

Ông Ái cho rằng xu hướng trên sẽ tiếp tục trong cuối năm nay và trong năm 2024. Về các lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ông cho biết sẽ bao gồm bất động sản công nghiệp vì các công ty đa quốc gia đang trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, với Việt Nam tiếp tục là 1 điểm đến của họ.

"Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và môi trường chính trị ổn định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất", ông Ái nói và cho biết quỹ đất phục vụ bất động sản công nghiệp và hạ tầng logistics tại các tỉnh lân cận Hà Nội và TP.HCM còn tương đối lớn.

Nhận định về chiều hướng này, ông Marco Forster, trưởng bộ phận tư vấn ASEAN, hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates, cho biết thời gian gần đây chứng kiến sự gia tăng đáng kể về hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp gắn chặt với dòng vốn FDI.

Như ông Ái, ông Forster cho rằng FDI vào Việt Nam qua kênh M&A mang lại một số lợi thế như khả năng tiếp cận ngay lập tức với các tài sản có sẵn, có được hiểu biết sâu sắc về thị trường địa phương cùng các khuôn khổ hoạt động hiện có.

Tuy nhiên, ông Forster cũng lưu ý: dù có cơ hội đầu tư nhưng không dễ để "thợ săn" từ nước ngoài chịu thỏa hiệp về thẩm định dự án hoặc về chiến lược. Bởi vì họ thường chú trọng tạo ra giá trị lâu dài hơn là tiết kiệm chi phí ban đầu (là giá thấp của bên bán). Ngay cả khi phía doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mức giá hấp dẫn, quyết định cho thương vụ vẫn có thể phụ thuộc vào sự phù hợp chiến lược rộng hơn và tiềm năng tăng trưởng bền vững.

Ngoài ra, giới đầu tư nước ngoài cũng xem xét kỹ môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường pháp lý và các yếu tố địa chính trị có thể ảnh hưởng.

Nhắm đến M&A, nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để "tiến công" - Ảnh 2.

Một dự án xưởng và kho xây sẵn của BW tại Hải Phòng. BW là liên doanh phat triển bất động sản công nghiệp giữa Becamex IDC (Việt Nam) và Warburg Pincus (Mỹ). Ảnh: Đức Thanh.2024 sẽ nóng hơn 2023

Diễn đàn M&A năm 2023 được tổ chức trong bối cảnh thị trường M&A đang có phần hạ nhiệt. Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2023, thị trường M&A Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54,5 triệu USD cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn.

Riêng thị trường huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á cũng cho thấy sự ổn định, nhưng tổng số vốn IPO huy động đã xuống đến mức thấp nhất trong 8 năm qua.

Theo số liệu từ tập đoàn Deloitte (trong nhóm 4 công ty dịch vụ doanh nghiệp toàn cầu "Big 4" như KPMG), tính đến ngày 15/11/2023, các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD thông qua các thương vụ IPO từ đầu năm đến nay, giảm so với mức 7,6 tỷ USD huy động được từ 163 thương vụ IPO trong cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam chỉ có 3 thương vụ niêm yết IPO huy động được khoảng 7 triệu USD.

Những điều kiện bất lợi này, cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022, đã làm những công ty có muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp hơn mới niêm yết.

Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam liên tục đưa ra các biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế và nhiều chủ trương nhằm nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào năm 2024.

Tại diễn đàn chiều 28/11, các diễn giả chia sẻ nhận định chung rằng năm 2023 được xem là "phòng thủ" nhưng năm tới có thể chứng kiến sự "tiến công" từ nguồn FDI với nhiều thương vụ quy mô lớn vì Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi về môi trường đầu tư, về dịch chuyển hoạt động sản xuất theo xu hướng "Trung Quốc + 1".

Theo diễn đàn, đà tăng trưởng đã được ghi nhận gần đây. Cụ thể, công ty JC&C từ Singapore mới rót thêm 350 triệu USD vào tập đoàn công nghiệp đa ngành THACO thông qua mua trái phiếu chuyển đổi.

Đồng thời, tập đoàn Sojitz của Nhật Bản vừa mua lại 100% cồ phần của Đại Tân Việt ở TP.HCM, đơn vị phân phối nguyên liệu sữa và thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Hai bên không công bố giá chuyển nhượng doanh nghiệp.

Nhắm đến M&A, nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để "tiến công" - Ảnh 3.

Phô-mai là một trong những mặt hàng được Đại Tân Việt phân phối. Ảnh tư liệu.

Trước thương vụ này, tập đoàn Masan ký thỏa thuận với Bain Capital (Mỹ) chấp nhận khoản đầu tư tối thiểu 200 triệu USD, có thể nâng lên 500 triệu USD trong giai đoạn sắp tới.

Trong tháng 7 năm nay, Thomson Medical Group của Singapore công bố đầu tư chiến lược vào bệnh viện quốc tế FV ở TP.HCM với số tiền 381,4 triệu USD (hơn 9.000 tỷ đồng). Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia, nói tại diễn đàn rằng đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam từ trước đến nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem