Nhà hàng, quán ăn đóng cửa, doanh nghiệp 'tháo chạy' khỏi trung tâm thương mại

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 18/12/2021 14:40 PM (GMT+7)
Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang phải 'tháo chạy' khỏi trung tâm thương mại vì sức mua quá yếu. Nhiều nơi đóng cửa nghỉ dịch và chưa biết ngày trở lại.
Bình luận 0

Trung tâm thương mại phục hồi chậm 

Cuối năm là thời điểm ngành thương mại nhộn nhịp. Thế nhưng năm nay, tình hình lại hoàn toàn khác.

Tại một loạt trung tâm thương mại như Vincom, Saigon Centre, Takashimaya, các quầy hàng, thương hiệu, nhà hàng trở lại hoạt động gần như đã đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, sức mua rất yếu ớt.

Nhà hàng, quán ăn tháo chạy khỏi trung tâm thương mại - Ảnh 1.

Các cửa hàng trong trung tâm thương mại đang giảm giá đến cuối năm nhưng vẫn vắng khách. Ảnh: Hồng Phúc.

Ghi nhận cho thấy, dù chuẩn bị đến lễ Giáng sinh nhưng các trung tâm mua sắm buồn hiu, bất chấp các biển giảm giá hấp dẫn treo trước cửa hàng. Nhiều thời điểm trong ngày chỉ có nhân viên ngồi chơi với nhau.

TP.HCM đang tổ chức chương trình siêu giảm giá ưu đãi mùa lễ hội cuối năm, thời gian giảm giá kéo dài đến 31/12. Tuy vậy, chương trình vẫn không đủ sức kéo người dân trở lại các trung tâm thương mại mua sắm do lo ngại dịch Covid-19.

Đại diện một cửa hàng trong Vincom cho hay, Black Friday là sự kiện kéo khách đến trung tâm thương mại nhiều nhất. Nhưng năm nay vắng hơn rất nhiều, giá trị sản phẩm mua cũng giảm hơn các năm. Vừa qua Black Friday, sức mua ngay lập tức ì trở lại và chưa có dấu hiệu tăng nhiệt.

Nếu như các thương hiệu thời trang ảm đạm, thì các siêu thị, thương hiệu hàng gia dụng, đồ dùng gia đình có phần đắt khách hơn.

Đại diện Saigon Co.op đánh giá, giai đoạn bình thường mới vừa qua tại TP.HCM cho thấy tâm lý người tiêu dùng đang có sự chuyển dịch rất lớn. Người dân đang có xu hướng chuyển nhu cầu từ hàng không thiết yếu sang thiết yếu.

"Người dân không còn tiêu dùng sang, dùng tiền vào kế sinh nhai do thu nhập đã bị sụt giảm. Họ cũng chuyển từ dùng sản phẩm cao cấp sang ít cao cấp hơn", vị này nói.

Đang có những cuộc tháo chạy

Các trung tâm thương mại thuộc các quận ngoài trung tâm như quận 7, TP.Thủ Đức lại càng hẩm hiu hơn.

Thậm chí, thời điểm này, dù đã hơn 2 tháng TP.HCM mở cửa kinh tế, các hoạt động kinh doanh gần như trở lại bình thường nhưng khu vực nhà hàng, ẩm thực tại một trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức) vẫn đang "nghỉ dịch".

Nhà hàng, quán ăn tháo chạy khỏi trung tâm thương mại - Ảnh 3.

Khu ẩm thực trong trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức) còn đang nghỉ dịch. Ảnh: Hồng Phúc.

Vào trung tâm thương mại này ở sảnh chính, đi xuống tầng hầm, nhiều người ngỡ ngàng vì khu vực ẩm thực trước đây sầm uất nhưng hiện như án binh bất động, càng đi vào sâu càng thiếu ánh đèn chiếu sáng.

Cả một tầng ẩm thực rộng lớn chỉ có 1-2 thương hiệu thức ăn nhanh có tiếng mở cửa và đang cầm cự với số lượng khách ít ỏi. Còn lại, gần như vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động lại. Bàn ghế chỏng chơ, đóng bụi.

Nhân viên một số quầy hàng đang hoạt động cho hay các quầy thức ăn này đóng cửa từ hồi tháng 6-7, theo quy định chống dịch của thành phố. Đến khi hàng quán được mở lại, họ vẫn nghỉ và chưa trở lại.

"Mở lại cũng không biết có khách không, nhìn cửa hàng của chúng tôi là biết", nữ nhân viên cho hay.

Hay ngay giữa trung tâm thành phố, khu trung tâm thương mại dưới lòng đất (quận 1) càng ảm đạm hơn. Số lượng người đứng ở các quầy thời trang, nhà hàng, quán ăn là nhân viên còn đông hơn khách tham quan. Hàng loạt quầy kệ, quầy ăn chưa mở lại.

Nhà hàng, quán ăn tháo chạy khỏi trung tâm thương mại - Ảnh 4.

Ngay cả các nhà hàng lớn trong các trung tâm thương mại vẫn chưa sáng đèn, dù TP.HCM đã mở cửa kinh tế hơn 2 tháng nay. Ảnh: Hồng Phúc.

Trên các quầy hàng, thông tin cho thuê mặt bằng, cho thuê vị trí kinh doanh dán khắp nơi. Lý do được các doanh nghiệp đưa ra là kinh doanh ế ẩm, đang tìm người sang lại hoặc cho thuê vì không thể cầm cự nổi.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam - ước tính, đợt dịch Covid-19 vừa qua đã khiến khoảng 700.000 cơ sở văn hóa, ẩm thực bị gãy đổ, đóng cửa. Ngoài sức mua yếu, ông cũng cho rằng các chính sách chống dịch thời gian qua đã khiến các điểm kinh doanh này không còn sức gắng gượng.

Ông cho rằng các địa phương cần có chính sách đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại. Đây cũng là cách để vực dậy ngành du lịch, bởi phải có đầy đủ các hệ thống dịch vụ, vui chơi giải trí thì mới có thể hút khách, có nơi để khách tiêu tiền khi đi du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem