Nguyễn Công Cơ là ai mà được vua Lê ban cho cả kho muối của triều đình làm nơi hương khói?

Mộc Cầm Thứ năm, ngày 07/12/2023 14:51 PM (GMT+7)
Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ người làng Xuân Tảo nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài giỏi… từng được vua Lê ban cho kho muối của triều đình làm nơi hương khói, phụng thờ.
Bình luận 0

Ngoại giao khôn khéo, buộc triều đình nhà Thanh hủy bỏ nhiều quy định phiền hà

Nguyễn Công Cơ tự là Nghĩa Trai là một trong những danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất Hà Thành xưa. Ông sinh năm 1676 tại làng Xuân Tảo (nay thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Năm 22 tuổi, Nguyễn Công Cơ thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa 18 (1697) đời vua Lê Hy Tông. Hiện nay tên tuổi, quê quán của ông còn được khắc trên bia Tiến sĩ đặt tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Nguyễn Công Cơ là ai mà được vua Lê ban cho cả kho muối của triều đình làm nơi hương khói? - Ảnh 1.

Nhà thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ ở Xuân Tảo - Hà Nội. Ảnh: BNT

Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, Nguyễn Công Cơ được triều đình bổ nhiệm giữ chức Hiệu thảo trong Hàn lâm viện. Tháng 3, năm Giáp Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 25 (1704), Trịnh Luân, Trịnh Phất, Đào Quang Nhai mưu làm phản, đều bị giết lúc này Hiệu thảo Nguyễn Công Cơ dò xét được tình trạng, bèn tâu lên. Chúa giao xuống cho quan lại trừng trị, bọn chúng đều bị khép vào pháp luật. Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ được cất nhắc làm Hữu Thị lang Bộ Công.

Tháng Giêng, mùa xuân năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), Tả Thị lang Bộ Hộ Nguyễn Công Cơ được cử làm Chánh sứ, đứng đầu đoàn ngoại giao của nước Đại Việt đi tuế cống nhà Thanh. Với tài ngoại giao khôn khéo, Nguyễn Công Cơ đã buộc triều đình nhà Thanh phải hủy bỏ nhiều quy định phiền hà, các lệ như cống nạp sừng tê, vàng giảm về số lượng. Lệ cống “người bằng vàng thế mạng Liễu Thăng” có từ thời Lê Sơ mà một số sử sách ghi chép, đến cuộc đi sứ này của Nguyễn Công Cơ, cũng bị hủy bỏ. Thành công này đã góp phần đưa quan hệ đối ngoại của nước ta và triều Thanh được cải thiện một cách đáng kể. 

Không chỉ vậy, chuyến đi sứ này, ông đã đi đến việc cắm mốc giới, xác định rõ chủ quyền bất di bất dịch giữa hai bên cho đến ngày nay. Quận công Nguyễn Công Cơ còn đấu tranh đòi lại mỏ đồng Tụ Long và vùng đất biên cương nhiều năm bị vua quan Trung Quốc lấn chiếm và giành thắng lợi. Chính vì thành công của đợt đi sứ này mà ông được triều đình thăng làm Thượng thư Bộ Binh. Đến năm Canh Tý niên hiệu Bảo Thái thứ nhất (1720), tháng 4, mùa hạ, triều đình tổ chức khảo xét công trạng 10 năm của tất cả quan lại, lúc bấy giờ, Nguyễn Công Cơ đang là quan văn được dự hạng thượng khảo, kết quả ông đứng bậc nhất, được ban tước Cảo Quận công. Cũng trong năm này, khi 46 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tham tụng trong phủ Chúa.

Quận công Nguyễn Công Cơ cũng là người đã góp phần đưa ra các chính sách cải cách kinh tế, xóa bỏ trang trại nhà giàu, phân định mốc giới ruộng đất tiến tới phân chia đất đai công bằng, hợp lý cho mọi người đều có ruộng cấy cày sinh sống; đổi mới giáo dục, thay đổi cách ra đề thi. Việc điều tra xem xét và chống tiêu cực trong trường ốc cũng nhờ ông mà có những thay đổi đáng kể. Việc xây dựng quân đội hùng mạnh có bài bản, có học vấn, giữ vững hòa khí với láng giềng để tạo thế trong ấm ngoài êm cũng một phần nhờ công lao của ông.

Nguyễn Công Cơ là ai mà được vua Lê ban cho cả kho muối của triều đình làm nơi hương khói? - Ảnh 2.

Cứ đến ngày 23 tháng 10 âm lịch hàng năm, dòng họ Nguyễn Công lại tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ Cảo Quận công. Ảnh: BNT

Là một vị quan cương trực, khi phát hiện những sai lầm trong việc tổ chức thi Hương tại lầu Ngũ Long, Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ đã tâu lên chúa Trịnh. Chúa Trịnh bèn ra lệnh thi lại. Xét công trạng của ông, chúa Trịnh đã gia thăng Nguyễn Công Cơ làm Thiếu bảo. Tháng 5 năm 1727, Thiếu bảo Nguyễn Công Cơ chuyển sang võ giai, giữ chức Thự phủ sự. Tháng 11 năm 1733, Thiếu bảo Nguyễn Công Cơ mất, triều đình gia tặng Thái phó.

Bên cạnh sự nghiệp chính trị, Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ còn để lại cho đời một số trước tác như Vũ học tùng ký, Hoàng Hoa thuật thực ký; Sứ trình nhật lục (chép trong Xuân Tảo thượng th­ư Nguyễn tiến sĩ gia phả) và Tương sơn hành quân thảo lục. Ngoài ra còn có một số bài thơ chép trong sách Toàn Việt thi lục.

Nguyễn Công Cơ được vua Lê ban kho muối làm nơi thờ cúng

Nhà thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ (hay còn gọi là Nhà thờ cụ Thượng Cáo) toạ lạc tại làng Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Đất nhà thờ trước kia vốn là kho muối của triều đình, sau khi Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ mất, triều đình vua Lê ban cho dòng họ khu đất này làm nơi hương khói, phụng thờ tưởng nhớ đến vị quan thanh liêm Nguyễn Công Cơ. Vua Lê tặng còn tặng Quận công Nguyễn Công Cơ bài thơ với hai câu đầu là: Một khoa hai cháu đỗ ông Nghè/Tiếng cáo vang lên bốn biển nghe. Con cháu sau này đã khắc bài thơ trên gỗ để lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Công Cơ.

Nguyễn Công Cơ là ai mà được vua Lê ban cho cả kho muối của triều đình làm nơi hương khói? - Ảnh 3.

Con cháu Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ thành kính dâng lễ trong ngày giỗ tổ. Ảnh: BNT

Nhà thờ có niên đại cách đây khoảng 300 năm. Đến năm 2008, nhà thờ được chính quyền và dòng họ tiến hành trùng tu lớn. Hiện tại, Nhà thờ Quận công Nguyễn Công Cơ gồm các hạng mục công trình kiến trúc: cổng, nhà thờ. Cổng được xây dựng giản đơn, gồm 2 tầng tám mái, lợp ngói mũi hài. Từ cổng qua sân được lát gạch Bát Tràng, bước lên bậc tam cấp là đến nhà thờ.

Nhà thờ là nếp nhà ba gian, xây dựng theo kiểu đầu hồi bít đốc, tay ngai, kiến trúc chữ Đinh, lợp ngói ri. Bên trong nhà thờ được chia làm 3 không gian thờ tự, trong đó, quan trọng nhất là gian giữa được dòng họ đặt hương án thờ Quận công Nguyễn Công Cơ và song loan vua ban. 

Một số hoành phi như Phụ quốc hộ dân, Quốc thế thần được treo ở nhà thờ nhằm ca ngợi công lao, đóng góp của Quận công Nguyễn Công Cơ đối với dân chúng, triều đình. Hai gian còn lại trong nhà thờ là nơi treo bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1993 và tấm bảng ghi chép về thân thế, sự nghiệp của Quận công Nguyễn Công Cơ.

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp quan trường của Quận công Nguyễn Công Cơ đã được ghi chép qua một số tư liệu chính sử như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, Đăng khoa lục… Tựu chung lại, ông là vị quan được chúa Trịnh nhận xét là người thẳng thắn, sáng suốt, nói năng quả cảm. 

Chính sự thẳng thắn đó mà không ít lần Nguyễn Công Cơ bị các quan lại khác ghen ghét. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến sự tận tâm phục vụ triều đình của Nguyễn Công Cơ. Bởi thế, khi mất, "tuy là quan sang nhưng ông không lập cơ nghiệp, nên được tiếng là thanh bần", được triều đình ban tước phong và ban cho kho muối để con cháu làm nơi hương khói tưởng nhớ đến vị quan thanh liêm này. Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ cũng là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn ở làng Cáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem