Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Lo giá khu tái định cư cao hơn tiền đền bù (Bài 3)

Tố Loan - Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 21/04/2024 06:30 AM (GMT+7)
Sau khi thu hồi đất ở thực hiện dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, TP. Hà Nội đầu tư xây dựng 14 khu tái định cư. Theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều người dân vẫn còn băn khoăn do mức đền bù đất nơi ở cũ và giá đất khu tái định cư chênh lệch quá lớn, chưa kể cuộc sống sẽ bị thay đổi.
Bình luận 0

Dở khóc, dở cười: Chậm lấy vợ, nên trượt... suất tái định cư

Dự án đường Vành đai 4 qua huyện Đan Phượng có chiều dài 6,3km, qua 5 xã, thị trấn là: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội, Phùng. Tổng số diện tích đất thu hồi thực hiện dự án là 72,4ha.

Tại xã Hồng Hà, dự án đường Vành đai 4 chạy qua hơn 1km. Tổng diện tích đất bị thu hồi trên 310.000m2. Trong đó, đất ở trên 1.700m2 của 89 hộ.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Lo giá khu tái định cư cao hơn tiền đền bù (Bài 3)- Ảnh 1.

Dự án đường Vành đai 4 chạy qua huyện Đan Phượng có chiều dài 6,3km, tại 4 xã: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội và thị trấn Phùng.

Là một trong những hộ có diện tích đất ở bị thu hồi lớn nhất xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), gần cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất của mình, bà Nguyễn Thị Thịnh, cụm 1, xóm Đông bảo rằng, biết là về chủ trương cần phải ủng hộ nhà nước để thi công đường giao thông, nhưng càng sát đến ngày phải rời đi, tôi cứ thấy sao sao ý, nhớ nhà quá. "Tôi đã sống ở mảnh đất này hàng chục năm trời, hai đứa con cũng sinh ra, lớn lên tại đây, nay bảo đi là đi luôn sao được!", bà Thịnh nghẹn lời nói với Dân Việt.

Nhà bà Thịnh có hơn 700m2 đất thổ cư,  nằm trọn trong vùng quy hoạch dự án, nên bắt buộc phải thu hồi. "Chủ trương của Nhà nước, chúng tôi luôn sẵn sàng chấp thuận, chia sẻ, nhưng cả nhà đang sống trong khuôn viên 7002 đất rộng rãi quen rồi, giờ chuyển đến khu tái định cư mới, chỉ có vỏn vẹn 80m2, cả gia đình mấy thế hệ biết sống thế nào"- bà Thịnh băn khoăn, lo lắng tâm sự với phóng viên Dân Việt.

Bà Thịnh giãi bày tiếp, do con trai tôi chưa cưới vợ, nên nếu tính suất tái định cư thì nhà tôi vẫn chỉ được tính là một hộ thôi. Trước đây cháu nó cứ chần chừ chưa lấy vợ vì muốn sửa sang lại nhà cửa cho khang trang, nhưng giờ thì dự định ấy cũng đã không thành. Đã thế, đến nơi ở mới thì lại thiệt thòi quá, mất một suất tái định cư. Đấy, chỉ vì chậm lấy vợ mà mất một suất tái định cư, sau này biết tính sao.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Lo giá khu tái định cư cao hơn tiền đền bù (Bài 3)- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, cụm 1, xóm Đông, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) lo lắng vì sắp phải di dời khỏi mảnh đất do ông cha để lại. Ảnh: Minh Ngọc

Xóm Đông  cũng thuộc xã Hồng Hà có 7 hộ gia đình bắt buộc phải di dời, trong số ấy gia đình anh Đỗ Văn Điều có diện tích bị thu hồi hơn 200m2. Anh Điều tâm sự: "Làm đường để phục vụ cho người dân đi lại thì mình không có gì băn khoăn cả. Thậm chí, để đảm bảo tiến độ thi công, ngày mai đi luôn cũng được. Tuy nhiên, do chưa ban hành cụ thể giá đất tái định cư nên tôi mong muốn giá nơi đi và nơi đến không chênh nhau quá nhiều thì người nông dân như chúng tôi cũng đỡ gánh nặng về kinh tế".

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết: Để bảo đảm cho người dân sau thu hồi đất có cuộc sống ổn định, xã đã bố trí khu tái định cư khoảng 3,7ha (gồm 3,3 ha đất nông nghiệp và hơn 0,2ha đất do UBND xã quản lý). Hiện, đơn vị thi công cơ bản đã hoàn thành xong phần hạ tầng trước khi bàn giao cho nhà thầu xây dựng.

"Chúng tôi xác định khu tái định cư phải ở vị trí đẹp nhất, thuận tiện cho giao thông và phải nằm trên địa bàn xã, tránh để người dân phải di dời sang xã khác", ông Hà nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) chia sẻ về công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư phục vụ Dự án Đường Vành đai 4 tại địa phương. Clip: Minh Ngọc

Theo ông Hà, vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cơ bản nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của đa số người dân. "Chưa bao giờ chúng tôi giải phóng mặt bằng mà có 7 hộ gia đình tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng trước khi nhà nước thông báo thu hồi đất" - ông Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Hà, đâu đó cũng không tránh được sự lo lắng, băn khoăn của những hộ phải di dời. Nhiều gia đình sống cả mấy thế hệ trong mảnh đất ấy, gắn bó hàng chục năm trời, rồi hàng xóm láng giềng, vườn cây, áo cá, bỗng chốc bị di dời đến một nơi ở mới nên tâm lý lo âu là khó tránh khỏi.

Để người dân có thể nhanh chóng hòa nhập, ổn định ở nơi ở mới, ông Hà cho hay, khu tái định cư đều được đầu tư hệ thống hạ tầng ngầm gồm: Điện, viễn thông, nước và hệ thống phòng cháy chữa cháy với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng (hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 72 hộ, diện tích hơn 3,3ha, tổng số tiền là 35,45 tỷ đồng và đầu tư hạ tầng).

"Hạ tầng khu tái định cư được đầu tư đồng bộ, từ mặt đường, cây xanh, vỉa hè, vườn hoa, đèn chiếu sáng…đều tuân thủ theo các quy chuẩn. Giá trị không khác gì một đô thị cao cấp", ông Hà vừa dẫn chúng tôi đi tham quan hạ tầng khu tái định cư mới, vừa trình bày thêm.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Lo giá khu tái định cư cao hơn tiền đền bù (Bài 3)- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà đưa PV Báo điện tử Dân Việt đến khu tái định cư trên địa bàn xã. Ông Hà cho biết, khu tái định cư đều được đầu tư hệ thống hạ tầng ngầm gồm: điện, viễn thông, nước và phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Minh Ngọc

Đề xuất cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng

"Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị thu hồi đối với 01 thửa đất và có 3 thế hệ cùng chung sống trên thửa đất mà không còn thửa đất nào khác, UBND xã đề nghị UBND huyện Đan Phượng kiến nghị Thành phố có cơ chế đặc thù bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, sớm thông báo giá đền bù thu hồi đất ở đối với các hộ không đủ điều kiện tái định cư và vượt mức cấp suất tái định cư".

(Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, hhuyện Đan Phượng)

Đẩy nhanh tiến độ, nhanh chóng bàn giao

Mặc dù đang vào thời điểm giữa trưa ,nhưng công nhân của các nhà thầu vẫn đan hối hả thi công, làm việc trên dự án khu tái định cư thôn Thượng, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Được biết, đây là một trong hai khu tái định cư cho người dân huyện Thanh Oai có diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Ông Nguyễn Tuấn Khải – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai cho biết, dự án tái định cư tại xã Cự Khê có diện tích 7.315m2, trong đó đất ở 3.828m2, đất cây xanh 820m2, đất giao thông 2.667m2.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Lo giá khu tái định cư cao hơn tiền đền bù (Bài 3)- Ảnh 5.

Các hộ dân thuộc diện di dời để phụ vụ cho dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô chạy qua địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai sẽ di dời đến khu tái định cư sau khi bàn giao bằng cho Nhà nước. Trong ảnh là dự án khu tái định cư tại thôn Thượng, xã Cự Khê. Ảnh: Minh Ngọc

Dự án là công trình nhà ở liền kề mặt phố, hình thức phù hợp cảnh quan kiến trúc, cảnh quan khu vực, có tầng cao, mái và màu sắc thống nhất trong một dãy nhà. Đặc biệt, bố trí các ô có ít nhất một mặt tiếp giáp đường giao thông, mật độ xây dựng tuân thủ quy chuẩn xây dựng. Khu tái định cư Cự Khê sẽ được xây dựng đồng bộ, bảo đảm điều kiện sống cho người dân và phát triển kinh tế. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 19,4 tỉ đồng. Hiện nhà thầu thi công đã cơ bản hoàn thành khối lượng theo hợp đồng.

Đối với dự án khu tái định cư người dân Hà Đông được đầu tư xây dựng tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng sau khi khởi công ngày 1/12/2023 thì ngày 1/4 vừa qua, UBND huyện Thanh Oai đã tổ chức làm việc UBND quận Hà Đông để bàn giao khu tái định cư cho các hộ gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng.

Theo đó, dự án có quy mô hơn 13.000m2, trong đó đất ở 4.800m2; đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật 254,7m2; đất giao thông hơn 4.500m2; đất giao thông nội bộ hơn 3.400m2. Dự án phục vụ nhu cầu tái định cư cho khoảng 50 hộ dân phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Tổng mức đầu tư dự án là 36,4 tỷ đồng.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Lo giá khu tái định cư cao hơn tiền đền bù (Bài 3)- Ảnh 7.

Gần như toàn bộ các hộ dân ở con ngõ số 12, thôn Hạ, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) sẽ phải di dời để nhường đất cho Dự án đường Vành đai 4 đi qua. Ảnh: Minh Ngọc

Các tuyến giao thông nội bộ trong khu phục vụ đi lại, kết nối với tuyến đường hiện trạng khu vực có mặt cắt ngang nền đường từ 12-20m. Hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải sinh hoạt từ các hộ dân trong khu vực dự án bảo đảm tiêu chuẩn. Dự án cũng được xây mới 1 trạm biến áp tại khu vực đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật công suất 250KVA; thiết kế tuyến cáp ngầm trung thế, tuyến cáp ngầm hạ thế, hệ thống chiếu sáng.

Hệ thống đường ống cấp nước sạch của dự án chờ đầu nối với hệ thống cấp nước sạch của khu vực kết hợp bố trí họng cứu hỏa. Đặc biệt, công trình nhà ở liền kề có hình thức kiến trúc cảnh quan, tầng cao, màu sắc hài hòa, thống nhất phù hợp cảnh quan khu vực, theo quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng. Đến nay, khu tái định cư đã hoàn thành cơ bản phần hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để giao đất cho các hộ dân có đất bị thu hồi của quận Hà Đông.

Thu hồi đất ở Hà Đông nhưng phải tái định cư ở huyện Thanh Oai

Theo Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn quận Hà Đông phải thực hiện công tác GPMB trên địa bàn 4 phường: Yên Nghĩa, Đồng Mai, Phú Lương, Phú Lãm.

Người nông dân phía sau “siêu” dự án đường Vành đai 4: Lo giá khu tái định cư cao hơn tiền đền bù (Bài 3)- Ảnh 8.

Cử tri các phường nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề. Ảnh: hanoi.gov.vn

Tổng diện tích đất thu hồi theo biên bản bàn giao mặt bằng các ngày 27/2/2022, 12/12/2022, 07/12/2022, 12/1/2024 và phần diện tích điều chỉnh mốc 64 từ huyện Thanh Oai về theo địa giới 513 là 685.425m2.

Đến nay, UBND quận đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với diện tích 633.979m2 của 1.823 hộ với tổng số tiền là 778,05 tỷ đồng.

Tại hội nghị, cử tri các phường: Yên Nghĩa, Phú Lương, Phú Lãm và Đồng Mai đều nhất trí và ủng hộ chủ trương thực hiện dự án đường Vành đai 4 và đã bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Tuy nhiên, các cử tri tiếp tục có 13 ý kiến kiến nghị liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án.

Cụ thể, cử tri phường Yên Nghĩa vẫn còn thắc mắc liên quan đến giá đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi của nhân dân và Hợp tác xã Yên Lộ; đề nghị cho nhân dân tái định cư trên đất tại phường thay vì về huyện Thanh Oai theo quyết định.

Cử tri phường Đồng Mai đề nghị sớm điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nhân dân sau khi thu hồi thực hiện dự án. Trên địa bàn hai phường Phú Lương, Phú Lãm vẫn còn một số hộ chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, đề nghị sớm triển khai đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

Giải trình ý kiến cử tri, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Hà Đông Phạm Phương Thảo cho biết: Đối với công tác bồi thường hỗ trợ, GPMB thực hiện dự án đường Vành đai 4, Trung tâm phát triển quỹ đất, Phòng TN&MT quận và UBND các phường đã gửi toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án cho từng hộ gia đình, cá nhân và đã tổ chức hướng dẫn, phổ biến các chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tới nhân dân trên địa bàn các phường.

Liên quan đến các ý kiến của cử tri phường Yên Nghĩa về đất nông nghiệp bị thu hồi, đề nghị nhân dân kiểm tra lại phương án bồi thường, hỗ trợ, trong phương án quận Hà Đông đã bồi thường, hỗ trợ theo đúng, đủ giá thu hồi đất nông nghiệp theo các quy định của Nhà nước.

Riêng phần hỗ trợ chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm theo Điều 22, Quyết định 10/2017 của TP Hà Nội chỉ hỗ trợ đối với phần diện tích đang sản xuất nông nghiệp (phần diện tích không sản xuất nông nghiệp sẽ không được hỗ trợ chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm).

Về vấn đề tái định cư bằng đất, cũng theo quyết định của TP Hà Nội, nếu các hộ đủ điều kiện sẽ tái định cư bằng chung cư, tuy nhiên để đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện dự án đường Vành đai 4, thành phố đã có chính sách đặc thù cho người dân quận Hà Đông được tái định cư bằng đất tại huyện Thanh Oai.

Riêng 4 hộ cá thể tại phường Phú Lương, do đất không thuộc hợp tác xã quản lý, đất do cha ông để lại, nên cần có biên bản cử người đại diện theo hàng thừa kế, Ban QLDA quận đã có văn bản yêu cầu phường Phú Lương sớm triển khai vấn đề này để sớm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

Đối với 8 hộ của phường Phú Lãm chưa nhận tiền hỗ trợ, bồi thường GPMB do có điều chỉnh, sau khi được các phòng ban hướng dẫn, tháng 3/2024 phường Phú Lãm đã gửi văn bản điều chỉnh, đính chính và đã gửi hồ sơ sang Phòng TN&MT quận, trên cơ sở hồ sơ của phường, các phòng, ban của quận sẽ sớm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ.

Đối với ý kiến của đại diện Hợp tác xã Yên Lộ về thu hồi đất thực hiện dự án, Ban bồi thường đã làm việc trực tiếp với hợp tác xã, tuy nhiên tại thời điểm đó hợp tác xã không cung cấp được các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc xây dựng các công trình trên đất, không cung cấp được hồ sơ quyết toán.

Do vậy, đề nghị hợp tác xã tiếp tục bổ sung, trong trường hợp đã xây dựng phương án hỗ trợ nếu hợp tác xã cung cấp đủ hồ sơ sẽ điều chỉnh lại theo đúng quy định.

Kết luận buổi tiếp xúc, ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch HĐND quận Hà Đông đã tiếp thu, tổng hợp và chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri, giao UBND quận, các cơ quan liên quan trực tiếp đến việc thực hiện dự án đường Vành đai 4 giải quyết.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem