Ngôi nhà nhỏ của cụ Nguyễn Bá Đạm nằm khuất trong con ngõ nhỏ ở làng Mọc, giữa khu vườn rợp bóng cây xanh. Trong làng, ai cũng biết những đóng góp thầm lặng của cụ. Thời chiến tranh, cụ Đạm là người tiên phong vận động từ chính quyền đến người dân xây dựng lại làng Mọc. Bắt đầu từ đường sá, nhà cửa cho người dân, đến việc dựng lại đình, chùa, phục dựng các lễ hội, các nghi thức văn hóa truyền thống của làng...
Những cống hiến thầm lặng
![]() |
Với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội, cuối năm 2018, cụ Nguyễn Bá Đạm được nhận giải thưởng lớn - giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 11 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức. Ảnh: IT |
Cụ từng cắt hàng trăm mét đất của gia đình để trường Tiểu học Nhân Chính xây thêm trường, lớp. Vốn là giáo viên dạy lịch sử nên thời gian đó, cụ Đạm đã truyền tình yêu văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội cho các em học sinh qua việc liên tục mở lớp dạy học ngoại khóa, với mong muốn giản dị: “Dù học tập, làm việc hay ứng xử hằng ngày, các cháu cũng là những người rất văn hóa và sau này lớn lên trở thành nguồn lực văn hóa cho thủ đô”.
Chúng tôi đến thăm đúng lúc cụ đang trò chuyện với người bạn tri kỉ, cũng là nhà giáo từng dạy tại nhiều trường học ở Hà Nội. Chỉ vào ông bạn già, cụ Đạm cười: “Ngẫm lại quãng đời đã qua, tôi có cơ hội được làm bạn tri kỉ với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà sưu tập Đức Minh... Những người bạn tâm giao một thời đều đã rời xa cõi tạm. Giờ chỉ còn lại người bạn tri kỉ này, yêu quí, trân trọng như anh em ruột thịt, từ thời còn trai tráng, vui, buồn, sướng, khổ đều có nhau. Chuyện gì cũng tìm đến nhau để chia sẻ, bàn bạc”.
Đến nay, mặc dù đã 98 tuổi, sức khỏe yếu thêm sau trận ốm mới đây, nhưng cụ Đạm vẫn mẫn tiệp, sáng 5g thức dậy tập thể dục, đọc báo rồi viết. Trước đây, mỗi tháng cụ viết 8-10 bài, giờ sức khỏe yếu cũng 3-5 bài, tiền nhuận bút đủ để cụ trà thuốc, không phiền đến cháu, con.
Suốt từ thời thanh niên tới giờ, cụ Đạm sống giữa lòng Hà Nội, nên “chất” người Tràng An ngấm sâu vào từng mạch máu, thể hiện ở lối sống giản dị, thanh lịch. Những kỉ niệm về Hà Nội một thời thăng trầm được cụ chắt lọc thành nhiều bài báo. Cụ cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi lại hơn 120 bài báo viết về Hà Nội, hay thú chơi đồ cổ. Những câu chuyện về Hà Nội còn được cụ ghi chép, viết thành các cuốn sách Thuở ấy Hà Nội, Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỉ XIX-XX.
Sách của cụ được bạn đọc và giới khảo cứu về Hà Nội trân trọng, yêu thích vì lối viết giản dị, ngắn gọn, nhưng có rất nhiều chuyện về thủ đô ít người biết. Trong đó, có nhiều câu chuyện về những người một thời là nhân vật nổi tiếng của Hà Nội như: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Bạch Thái Bưởi, cô Tư Hồng... Rồi một loạt thứ “nhà” của Hà Nội một thời như: Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn, nhà tù Hỏa Lò, nhà Đấu Xảo, nhà Bác Cổ...
Bên cạnh những bộ sách như Phố phường Hà Nội xưa của Hoàng Đạo Thúy, Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài, thì Thuở ấy Hà Nội của cụ Nguyễn Bá Đạm được giới nghiên cứu đánh giá cao ở khía cạnh đóng góp cho việc nghiên cứu về Hà Nội.
Tháng 5 vừa qua, cuốn Hà Nội ngày ấy của cụ ra mắt bạn đọc. Cụ dự định sẽ in tiếp một cuốn kể về các danh họa Hà Nội, trong đó tập trung bút lực cho bộ tứ huyền thoại của hội họa Việt Nam: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái...
“Ông trùm” tiền cổ
![]() |
Sách của cụ Nguyễn Bá Đạm chứa nhiều tư liệu quí về Hà Nội. Ảnh: LH |
Ngoài dạy học, nghiên cứu, cụ Đạm còn đam mê sưu tầm cổ vật, nhất là tiền cổ. Cụ được giới sưu tầm đồ cổ tôn vinh là “kì nhân tiền cổ Hà thành”. Bộ sưu tập tiền cổ của cụ Đạm nhiều không đếm nổi, nhưng cụ vẫn miệt mài đi tìm những đồng còn thiếu và gắng mua bằng mọi cách. Trong những bộ tiền cụ có, bộ tiền nhà Đinh là cổ nhất, từ năm 980. Mặt trước đồng tiền có 4 chữ “Thái Bình Hưng Bảo” và mặt sau có chữ “Đinh”.
Cụ kể: “Thế kỉ trước, ở nước mình không nhiều người chơi tiền cổ. Số người chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi muốn giao lưu với nhiều người chơi trên khắp thế giới, thế là nghĩ ra cách viết thư gửi đến tòa báo nước ngoài, đăng thông tin”. Chẳng mấy lâu sau, bộ sưu tập của cụ Đạm đầy ắp những đồng tiền xu, tiền giấy của nước ngoài. Mỗi lần có người gửi tiền sang, cụ trao đổi những đồng mình có. Bộ sưu tập của cụ dần dần đủ các loại tiền ở nhiều thời kì khác nhau của gần 200 nước trên thế giới.
Cụ Đạm chia sẻ: “Tôi sưu tầm tiền cổ để hiểu thêm về những thăng trầm lịch sử, về nghệ thuật của người xưa. Ý nghĩa của đồng tiền rất quan trọng. Đồng tiền không chỉ có giá trị mua bán, trao đổi trên thương trường, mà còn phản ánh lịch sử, công nghệ, quyền lực, dấu ấn của một thời đại, một vương triều. Vì vậy, người sưu tầm phải có kiến thức rộng, am hiểu nguồn gốc lịch sử, cộng đồng với lòng đam mê sâu sắc. Biết cảm nhận, so sánh và phân loại thực hư, nhìn nhận một cách tinh tế, nhận ra giá trị của nó thì mới thấy hết được cái hay, cái đẹp của đồng tiền cổ”. Với bộ sưu tập tiền cổ nổi tiếng, cụ Đạm từng cho Ngân hàng Nhà nước mượn trong 2 tháng để triển lãm về tiền tệ.
Cụ Đạm còn nổi danh là người sở hữu rất nhiều đồ cổ bằng gỗ quí giá. Trong số những đồ cổ bằng gỗ sưu tầm được, cụ Đạm đặc biệt thích bức bình phong của gia đình Hoàng Cao Khải, được bày trang trọng ở tầng 1. Cụ Đạm kể: “Để có được bức bình phong này, tôi mất 5 năm theo đuổi, sau nhiều lần thuyết phục, săn đón, mới mua được với giá 280.000 đồng. Lương công nhân ngày đó chỉ 50.000-60.000 đồng/tháng, để mua được chiếc bình phong này phải mất gần 5 tháng lương, nhưng mua được là may mắn lắm rồi”.
Hiện, riêng bộ sưu tập đồ gỗ của cụ Đạm có 7 hiện vật quí giá, quí nhất trong số đó là bộ hương án thờ của Nghiêm Xuân Quảng, từng giữ chức quan Tuần phủ Lạng Sơn. Tuy nhiên, khách đến thăm chỉ được chiêm ngưỡng bức bình phong, còn hương án thờ, bàn cổ thì rất ít người được “mục sở thị”.
Gửi bình luận