Nghệ nhân làng nghề khảm trai chia sẻ quá trình tạo ra những tác phẩm tinh xảo nức tiếng Hà thành

Nguyễn Vân Thứ hai, ngày 07/08/2023 15:41 PM (GMT+7)
Làng Chuôn Ngọ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống. Cũng vì vậy, các nghệ nhân ở nơi đây đã tạo ra những sản phẩm đẹp, nổi tiếng khắp cả nước.
Bình luận 0

Clip các tác phẩm được làm từ khảm trai ở làng nghề truyền thống. Thực hiện: Nguyễn Vân.

Ngôi làng có lịch sử gần 1000 năm với nghề truyền thống

Làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội là một trong những làng nghề nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống. Theo các nghệ nhân trong làng Chuôn Ngọ, nghề này xuất hiện từ khoảng thế kỷ XI- XIII, cụ tổ làng nghề là Trương Công Thành, một vị tướng văn võ song toàn thời nhà Lý.

Nghệ nhân làng khảm trai chia sẻ quá trình tạo ra những tác phẩm tinh xảo nức tiếng Hà thành - Ảnh 1.

Làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Vân.

Sau khi dẹp giặc xong cụ Thành từ quan đi ngao du sơn thủy và khi đi du ngoạn cụ phát hiện những mảnh vỏ trai, ốc, xò trôi dạt vào bờ với màu sắc tự nhiên nên đã nảy sinh ra ý tưởng ghép những vật liệu đó tạo ra các hoạ tiết hoa văn sinh động và dần dần phát triển thành nghề khảm trai truyền thống hiện  nay.

Anh Nguyễn Đình Sự (34 tuổi, thôn Ngọ, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) bén duyên với nghề truyền thống từ khi còn 6 tuổi. Anh chia sẻ: "Để có được một sản phẩm khảm trai hoàn chỉnh người thợ phải trai qua nhiều công đoạn, đồng thời yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo như: Vẽ bản thảo, chọn nguyên liệu, cắt nguyên liệu theo mẫu, ghép mảnh cắt theo mẫu, đục lỗ trên gỗ, mài nhẵn đánh bóng, tỉa đường nét, làm nổi bật đường nét. Công đoạn nào cũng quan trọng và yêu cầu tính cẩn thận cao, không thể thiếu bước nào được".

Ngoài ra, theo anh Sự, mỗi một sản phẩm đều có một nét đẹp, giá trị riêng biệt, để có được một bức tranh đẹp vừa lòng khách hàng yêu cầu người thợ khi phác thảo bản mẫu cần phải có hồn, am hiểu về các chi tiết ở trong bức tranh. 

Nghệ nhân làng khảm trai chia sẻ quá trình tạo ra những tác phẩm tinh xảo nức tiếng Hà thành - Ảnh 2.

Người thợ phải tỉ mỉ, có sự sáng tạo mới có thể làm ra các tác phẩm khảm trai đẹp. Ảnh: Nguyễn Vân.

Mỗi một sản phẩm khảm trai hoàn thành người dân bán giá giao động từ 2 triệu cho đến 200 triệu đồng tùy vào nhu cầu và độ tinh xảo của bức tranh. 

"Trước đây người dân làng Chuôn Ngọ chủ yếu làm về các sản phẩm như: câu đối trong đình làng, thiết kế trang trí các họa tiết trên bàn ghế, tủ sập hay phục dựng lại những chi tiết trong các đồ cổ ngày xưa...

Tuy nhiên, hiện nay, người dân làm những bức tranh ở trình độ cao hơn và được người dân, du khách ưa chuộng như ảnh phong cảnh non nước, chân dung... Cũng chính vì thế mà sản phẩm của làng Chuôn Ngọ xuất hiện ở khắp mọi nơi cả trong nước và ngoài nước như Anh, Mỹ, Nhật...", anh Sự nói.

Theo các nghệ nhân ở làng Chuôn Ngọ, nghề khảm trai không chỉ đơn giản là nghề đục đẽo mà nó còn đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo và tài năng của người thợ làm khảm. 

Trong quá trình khảm trai, các nghệ nhân sẽ sử dụng các miếng nhỏ của vật liệu như vỏ sò, trai, ngọc, thủy tinh màu, hoặc các loại vật liệu khác, và lắp ghép chúng thành các hình mẫu và họa tiết trên bề mặt. Vỏ trai có nhiều loại như: trai cánh mảnh nhỏ, sẫm màu; trai thịt trắng, vỏ mình dầy...

Nghệ nhân trẻ tiếp nối nghề khảm trai truyền thống

Tại làng Chuôn Ngọ, nhiều nghệ nhân đã và đang tiếp tục gìn giữ và phát huy những tinh hoa nghề khảm trai truyền thống cha ông để lại. Một trong những nghệ nhân trẻ ở trong làng chính là anh Nguyễn Thanh Tuấn. Đến nay, anh Tuấn đã có hơn 20 năm làm nghề khảm trai truyền thống.

Nghệ nhân làng khảm trai chia sẻ quá trình tạo ra những tác phẩm tinh xảo nức tiếng Hà thành - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề thảm trai. Ảnh: Nguyễn Vân.

Anh Tuấn cho hay, để theo được nghề, những người làm nghề khảm trai phải có niềm đam mê, yêu thích. Đặc biệt, khâu chọn trai cũng khá quan trọng, phải là người có kinh nghiệm. 

Vỏ trai được ưa chuộng nhất phải kể đến trai ngọc môi vàng, đây là một loài trai ngọc sinh sống ở biển, có hai biến thế màu sắc trai môi trắng và trai môi vàng. Vỏ trai gần như tròn, dẹp hai bên, kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày và óng ánh. 

"Nguyên liệu để làm ra một sản phẩm không khó để tìm kiếm, đối với các nguyên liệu quý hiếm có tiền là ta có thể mua được tuy nhiên kinh nghiệm là phải đúc kết từ nhiều năm mới có, mỗi một người thợ để làm ra một sản phẩm đẹp, ưng ý đều có các kỹ năng, niềm đam mê sáng tạo", anh Tuấn bộc bạch.

Anh Tuấn kể rằng, thời gian đầu mới học nghề, anh thường chọn làm những bức tranh khảm trai mang bản sắc dân gian, hay các bức tranh phong cảnh, sau này nhờ tính kiên trì, tỉ mỉ, khả năng học hỏi sáng tạo anh mới dần đi vào làm những sản phẩm tinh xảo và chất lượng cao hơn như khảm truyền thân hình người, đây được xem là điều khó nhất trong nghệ thuật khảm trai. 

Nghệ nhân làng khảm trai chia sẻ quá trình tạo ra những tác phẩm tinh xảo nức tiếng Hà thành - Ảnh 5.

Các sản phẩm được nghệ nhân làng Chuôn Ngọ trưng bày tại nhà cho khách tham quan. Ảnh Nguyễn Vân.

Đến nay nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn đã tạo ra được nhiều tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng như bức tranh khảm trai chân dung về Bác Hồ, về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp....

Trải qua hàng nghìn năm, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử tưởng chừng nghề thảm trai sẽ dần bị mai một, tuy nhiên chính những người thợ, người nghệ nhân yêu nghề nơi đây đã và đang lưu truyền nghề truyền thông này ngày càng phát triển hơn tới mọi người dân trong nước nói riêng và bạn bè ngoài nước nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem