Con tàu HQ 996 đưa lực lượng Vùng 4 Hải quân và đoàn nhà báo chúng tôi đến Trường Sa. Sau khi đến thăm các đảo Đá Thị, Song Tử Tây, Sơn Ca, đoàn chúng tôi đến đảo Nam Yết. Với tôi, điểm khác biệt giữa đảo Nam Yết với các đảo khác ấy là dừa, một vườn dừa đầy công lao gian khổ, chứa chan nhiều kỷ niệm. Về sau này, tôi đặt riêng cho mình gọi đây là “Đảo Ân Tình”.
![]() |
Hái dừa trên đảo Nam Yết. Ảnh: Đức Quang |
Ở ngoài khơi nhìn vào, đảo Nam Yết rất đẹp, một dải đất nổi lên, một màu xanh lá cây nằm giữa biển bao la hùng vĩ. Ở đây có nhiều cây tra cổ thụ, thân hình xù xì, cả mấy trăm năm. Các chiến sĩ hải quân trồng thêm rau, đu đủ, bầu, bí và đặc biệt là dừa.
Dừa ở đây rất nhiều và lạ. Cây không tươi tốt cao vút như ở đất liền, chỉ cao chừng 2 - 3m, tàu lá xác xơ vì nắng gió khắc nghiệt ở biển đảo, song quả rất sai. Đảo Nam Yết cách đất liền 320 hải lý, bao sóng gió, trắc trở. Vậy mà có được một vườn dừa sai quả như thế này, thật đáng trân trọng công lao các chiến sĩ nơi đây!
Hồi đó anh Cấn Văn Hưởng, nguyên trợ lý chính trị đảo Nam Yết, sau này về công tác ở Vùng 4 đi cùng đoàn chúng tôi đến đảo Nam Yết, tự hào khoe rằng: “Trong các đảo ở huyện Trường Sa, đảo Nam Yết là đảo nhiều dừa nhất. Có thể gọi đây là vương quốc dừa. Ban đầu các chiến sĩ hải quân vất vả, ôm khư khư trái dừa khô trong đất liền đem ra trồng, chăm sóc, tưới nước, nâng niu từng chút giống như người chơi hoa, cá cảnh trong đất liền. Trồng được một cây, rồi hai cây, ba cây… Nhìn cây dừa tận tay chăm sóc lớn lên từng ngày, vui mừng lắm.
Các chiến sĩ hải quân, lần đầu tiên đến đây làm nhiệm vụ, lúc ra về thường trồng một cây xanh trên đảo để làm kỷ niệm. Một người đến, một người ra đi để lại một cây. Dần dần, trở thành vườn dừa.
Có nhiều người lúc đến đây chỉ là chiến sĩ, sau khi trải qua bao nhiêu năm tháng, trở thành sĩ quan cao cấp. Giờ về lại thăm đảo xưa, đến chỗ cây dừa trồng thấy nay đã to lớn, hiên ngang giữa đảo, sai quả, lòng bùi ngùi xúc động, nhớ đến kỷ niệm năm nào... Hiện nay, ở đảo Nam Yết có hơn 250 cây dừa, ấy là hơn 250 kỷ niệm, 250 ân tình của người lính đảo ra quân, gởi gắm lại tình cảm nơi này”.
![]() |
Chiến sĩ hải quân trồng cây kỷ niệm. Ảnh: Đức Quang |
Anh Cấn Văn Hưởng kể xong, hỏi: “Ông có thích uống nước dừa trên đảo do chính tay tôi trồng không. Tôi hái mời ông uống, dừa ở đây rất ngọt!”. Tôi thích thú, gật đầu. Cây dừa thấp. Nhanh như chớp, anh đã hái mấy quả mời tôi uống thử. Quả thật nước dừa ở đây rất ngọt.
Ở trong đất liền, tôi cũng thường hay đi uống nước dừa ở nhiều nơi. Các quán nước dừa ở khu vực miền Trung, chủ quán hay đưa lọ muối để cho du khách nêm vào uống, cho nước dừa ngọt hơn. Chợt nghĩ, phải chăng nước dừa ở đây ngọt là do trồng ở giữa biển cả, lượng muối ở đây nhiều hơn chỗ khác, nhờ vậy nước dừa ở đây ngọt hơn chăng? Tôi không biết, song đây là lần đầu tiên trong đời, tôi uống quả dừa ngọt lịm như thế này.
Tôi tò mò hỏi: “Chắc buổi trưa nắng nóng, các anh ở đây thường xuyên hái dừa uống phải không?”. Anh Cấn Văn Hưởng thành thật kể: “Thật ra, thỉnh thoảng chỉ huy đảo mới tổ chức cho chiến sĩ hái uống một vài trái thôi. Ở đây, cây trái không nhiều như trong đất liền. Dừa được trồng để dành đãi khách! Ban đầu chỉ huy đảo ra quy định đối với các chiến sĩ mới đến làm nhiệm vụ: Bẻ một cành lá xanh trên đảo, phạt năm mươi nghìn. Hái một quả dừa, phạt hai trăm nghìn! Chính vì quy định ngặt nghèo này nên đảo Nam Yết mới có một vườn dừa sai quả, một màu xanh lá ngút ngàn như thế! Thèm, nhưng có dám uống đâu!...”.
Nghe anh kể, tôi không tránh được xúc động, muốn rơi nước mắt. Tôi xúc động ở tấm lòng chân tình, hiếu khách của người lính vất vả canh giữ đảo xa, đối với khách trong đất liền mỗi lần ghé thăm.
![]() |
Các chiến sĩ gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: Đức Quang |
Thời gian trôi đi năm nào cũng vậy, mùa xuân, những ngày giáp tết lại đến, tôi lại nhớ đến những kỷ niệm ngày nào. Ở đất liền, những ngày giáp tết lo dọn dẹp nhà cửa, mồ mả tổ tiên, mua sắm, gia đình sum vầy, vui vẻ bên nhau đón năm mới. Ngược lại, ở ngoài đảo thì… Mặc dù anh em cũng có gói bánh chưng bánh tét, cũng có cành mai, cành đào từ đất liền mang ra, nhưng những cơn gió bấc lạnh lẽo, những ngọn sóng gào thét!
Nghĩ đến đây, tôi lại ngậm ngùi, nhớ tới những cây dừa hiên ngang trong nắng gió. Mà chắc bây giờ ngoài ấy, vườn dừa đang mùa sai quả!
LÊ ĐỨC QUANG
(Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận