Làng tôi có một ngôi đền, nghe ông nội kể là đã có từ đời cụ của ông. Cứ mỗi dịp lễ, Tết, đặc biệt là ba ngày Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng, khách từ thành phố và cả các tỉnh khác kéo đến nườm nượp.
Mẹ tôi là người lo cỗ bàn cho khách thập phương làm lễ. Lễ nhỏ thì mâm thức ăn mặn kèm với hoa quả, lễ lớn thì mỗi bệ thờ đều có mâm riêng, chưa kể ngoài sân la liệt voi giấy, ngựa giấy, cờ quạt bay phấp phới. Những bàn lễ hoành tráng ấy đều do một tay mẹ tôi chuẩn bị.
![]() |
Những ngày đầu năm, nhiều người đi đền, chùa để cầu bình an, tài lộc. Bên cạnh đó, không ít chàng trai, cô gái đến lễ bái với mong muốn chuyện tình cảm gặp thuận lợi hơn. Ảnh: TL |
Trong lúc mấy đứa sàn sàn tuổi tụi tôi háo hức so nhau tiền mừng tuổi, anh em tôi đã quen với việc giúp mẹ bưng đồ lễ hoặc chỉ đường cho khách qua những con ngõ lắt léo đi tắt đến nghè. Quen cả với việc ngồi nép vào một góc khuất, im lặng chờ khách hạ lễ để được chia quà bánh. Thú thực đó là một chuyện rất vui vì vừa được đi chơi, vừa được ăn ngon.
Rồi đến một ngày tôi nhận ra dường như chỉ có mình tôi nghĩ đó là chuyện thú vị.
Chiều tối mùng ba Tết, mẹ đơm một đĩa xôi đầy, gói thêm thịt gà bảo anh em tôi mang về nhà ông bà nội. Tôi vẫn nhớ chúng tôi đứng chôn chân sau cánh cửa gỗ, nghe tiếng thím út nói từng chữ rõ mồn một. Ngày ấy tôi không quá hiểu những lời thím nói nhưng đủ biết thím đang trách móc mẹ. Thím nói mẹ không đáng mặt dâu trưởng, mấy ngày Tết cần đi chúc Tết họ hàng nhưng mẹ luôn vắng mặt. Còn rất nhiều điều khác nữa.
Ông bà nội nói lại thế nào tôi chẳng kịp nghe. Anh túm cổ tay tôi xông một mạch ra cổng rồi cắm đầu chạy trên con đường đất dẫn về phía nghè mặc cho bà nội gọi lại. Hôm ấy trời mưa phùn, chiếc áo mới của tôi đã bị lấm bẩn. Nếu bình thường hẳn tôi đã giãy nảy lên ăn vạ, nhưng lúc ấy tôi không quan tâm đến cái áo đó nữa. Không biết vì sao tôi chỉ muốn chạy đến chỗ mẹ ngay, có lẽ anh tôi cũng cảm thấy vậy.
Trời đã nhá nhem tối nên ánh sáng từ mấy gian nhà gỗ hắt ra càng thôi thúc chúng tôi bước nhanh hơn. Lúc ấy vẫn có khách đang làm lễ, anh em tôi ngồi nép vào góc cột cái dưới hiên, lặng lẽ nhìn mẹ bưng mâm hoa quả nặng trịch đứng phía sau. Những lá cờ ngũ sắc không còn tung bay khí thế như buổi trưa mà ỉu xìu dưới làn mưa phùn. Lớp giấy màu bao quanh thân voi và ngựa thấm nước mưa bắt đầu bục ra. Lẫn vào trong hơi lạnh và mùi nhang cháy là mùi giấy nhuộm phẩm màu đẫm nước vừa nồng vừa khét. Tôi chọc tay vào hông con ngựa để sát hiên khiến bụng nó toạc ra. Phẩm màu dính vào tay tôi, dính vào chiếc áo khoác trắng làm bộ cánh mới càng thêm thảm hại.
Tôi lầm bầm kêu đói. Anh tôi nhét vào tay tôi một củ khoai lang mót cỡ nửa lòng bàn tay. Tôi chùi nó vào áo mấy cái rồi cắn một miếng hết nửa củ. Vừa nhai rau ráu, tôi vừa cố rúc sâu hơn vào lòng anh tôi để tránh cái rét tháng Giêng. Bên tai vẫn là tiếng lầm rầm khấn lễ, bài lễ ấy dễ chừng còn dài hơn cả bài giảng của cô giáo trên lớp nữa. Tôi gật gù một lúc rồi thiếp đi. Củ khoai lang mót đã dằn cơn đói xuống nhưng càng làm tôi thèm được chui vào chăn ấm, ôm lấy mẹ và đánh một giấc ngon lành tới sáng.
![]() |
Những mâm lễ được chuẩn bị khá chu đáo tỏ lòng thành kính, gồm bánh kẹo, vàng mã, hoa và tiền lẻ. Ảnh: Hoàng Dương |
Khi tôi tỉnh dậy, không có mâm bánh chưng thịt đông, không có mứt quả và hoa đào rực rỡ trong mơ. Nhưng tôi nằm trong lòng mẹ, gối đầu lên đùi mẹ, nghe mẹ nhỏ giọng hỏi anh trai xem hai anh em đã ăn gì trưa nay, đã đi chơi những đâu?
Tôi cựa người, vùi đầu vào lòng mẹ làm nũng trong gian nhà nhỏ tù mù ánh đèn dầu của người coi nghè. Sau khi khách làm lễ về hết, người coi nghè cũng đã trở về nhà, nơi này chỉ còn ba chúng tôi. Căn phòng vốn chật giờ lại càng chật hơn vì những nan tre làm voi và ngựa giấy đã choán gần nửa không gian. Ba mẹ con chen chúc trên tấm phản hẹp, chia nhau một đĩa xôi cúng đã nguội.
Trời lạnh như thế mà tôi vẫn ngửi được mùi mồ hôi quen thuộc đọng trên áo mẹ quện với mùi phẩm nhuộm và hồ dán, mùi bếp núc và khói nhang. Đấy là thứ mùi khiến tôi của những ngày thơ bé cảm thấy an tâm và tôi của bây giờ thấy xót xa mỗi khi nhớ lại.
Trong mắt nhiều người, nhất là họ hàng nội ngoại, anh em tôi chưa từng có một cái Tết đúng nghĩa. Nhưng với chúng tôi thì dù không được đi chơi chợ Tết, dù không thể ăn bữa cơm tất niên với cả gia đình hay không được nhận thật nhiều lì xì cũng chẳng sao. Chỉ cần mẹ vẫn ngồi đó, mùa xuân vẫn sẽ về, những ký ức về ngày Tết của chúng tôi vẫn luôn tròn vẹn.
ĐÀO THU HẰNG
(Hải Thượng Lãn Ông, TP.Thanh Hóa)
![]() |
Gửi bình luận