Ngập lụt, nông nghiệp ở bán đảo Cà Mau thiệt hại nặng vụ lúa hè thu, nông dân cố vớt vát

Hoàng Hạnh Thứ năm, ngày 03/08/2023 14:17 PM (GMT+7)
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều diện tích lúa hè thu ở các vùng bán đảo Cà Mau (gồm tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau) ngập nặng khi đang đến kỳ thu hoạch. Nông dân phải ngâm mình trong nước vớt từng bông lúa; còn ở những nơi lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ bông thì bị thiệt hại nặng.
Bình luận 0

Bán ruộng lúa cho vịt chạy đồng

Huyện Trần Văn Thời là địa phương có diện tích sản xuất lúa nhiều nhất của tỉnh Cà Mau. Hiện tại, những cánh đồng lúa hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch, song mưa lớn nhiều ngày qua khiến hàng trăm hecta bị ngập sâu trong nước.

Nông dân vùng bán đảo Cà Mau thiệt hại năng vụ lúa hè thu do mưa bão gây ngập úng - Ảnh 1.

Nông dân Cà Mau dầm mình trong nước cắt lúa bằng tay, với hy vọng gỡ gạc được chút ít vốn đầu tư. Ảnh: An An

Ông Nguyễn Văn Kiên, ngụ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời cho biết, nước ngập sâu trên các cánh đồng ở địa phương này khoảng 1m, trong khi bà con nông dân không thể chủ động trong việc bơm nước cứu lúa, khiến người sản xuất bị thiệt hại nặng.

"Với mực nước ngập sâu như hiện nay, máy gặt không thể vào ruộng thu hoạch lúa được, nên nếu thuê nhân công cắt bằng tay thì giá mỗi công trên dưới 700.000 đồng, chưa tính đến tiền thuê máy tuốt với giá 20.000 đồng/bao", ông Kiên nói và cho biết, ruộng nhà mình bị thiệt hại khoảng 80 – 90%, sót của nên gia đình tự cắt, riêng số hộ không cắt nổi thì đành bỏ luôn.

Người trồng lúa ở xã Khánh Bình Đông cho biết, do khu vực này là vùng trũng, dễ bị ngập. Để đối phó với thực trạng nước dâng kết hợp với mưa lớn vào khoảng tháng 7 và 8 âm lịch, ở mùa vụ năm nay, bà con đã chủ động gieo sạ vụ lúa hè thu sớm hơn những năm trước khoảng 2 tháng, nhưng vẫn không lường trước được diễn biến quá xấu thời tiết đã qua.

Nông dân vùng bán đảo Cà Mau thiệt hại năng vụ lúa hè thu do mưa bão gây ngập úng - Ảnh 2.

Cây lúa đang kỳ thu hoạch bị ngập sâu trong nước hư hại gần như hoàn toàn. Ảnh: An An

Ông Mai Văn Một - Trưởng ấp 5, xã Khánh Bình Đông cho biết, hiện tại đã có khoảng 40 hecta lúa của người dân bị thiệt hại. " Nếu mưa lớn tiếp tục như 10 ngày qua thì toàn bộ diện tích sản xuất lúa của bà con trong ấp sẽ bị thiệt hại, dù chính quyền có cho xả cống thoát nhưng cũng không ăn thua", ông Một nói.

Chính quyền địa phương cho biết, đối với những hộ huy động được nguồn nhân công lớn thì còn dùng tay cắt lúa, theo kiểu "được đồng nào hay đồng đó". Cá biệt, có những hộ bị thiệt hại nặng, xác định thu hoạch sẽ thua lỗ nên đã bán lúa ruộng với giá 250.000 đồng/công cho những người nuôi vịt chạy đồng.

"Vụ lúa hè thu gia đình tôi cũng như người dân trong vùng đầu tư chi phí khoảng 1,2 triệu đồng/công, nhưng với tình hình hiện tại thì các nông hộ đều chịu thua lỗ", lão nông Nguyễn Văn Việt nói với giọng trầm buồn.

Tập trung bơm nước cứu lúa

Nếu so với bà con nông dân của tỉnh Cà Mau phải bấm bụng bán tháo, bán chạy ruộng lúa nhà mình cho những đàn vịt chạy đồng với giá rẻ bèo, thì người dân làm nông nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu cũng đang "rồng mình" bơm nước cứu cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ chín.

Những ngày qua, nông dân ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đang tập trung xử lý, bơm tháo nước trên đồng để giảm ngập, với hy vọng nước mau rút và mưa ít lại để có thể thu hoạch được diện tích lúa sắp trổ chín.

Nông dân vùng bán đảo Cà Mau thiệt hại năng vụ lúa hè thu do mưa bão gây ngập úng - Ảnh 3.

Nông dân Bạc Liêu đang khẩn trương bơm nước cứu cây lúa gia đoàn làm đòng, đẻ nhánh. Ảnh: An An

Nông dân Trần Văn Lịch, ngụ xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi cho biết, trong hơn 30 năm làm ruộng, ông chưa từng chứng kiến cảnh ruộng lúa của gia đình bị ngập nặng như năm nay. "Nhà tôi có hơn 3 hecta sản xuất lúa hè thu vụ này, nhưng chưa chắc đã thu hoạch được 30% sản lượng, vụ này tôi khẳng định lỗ chắc rồi", ông Lịch nói.

Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Lợi Tô Thanh Hải cho biết, mưa gây ngập và đổ ngã lúa đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, đặc biệt ở một số vùng trong huyện, người dân không thể thu hoạch bằng máy gặt.

"Ngoài việc vận động bà con bơm nước bằng máy bơm tự có, chính quyền địa phương còn đang vận hành hệ thống thủy lợi để tháo nước, cố gắng hỗ trợ nông dân ở các vùng trũng giảm thiệt hại", ông Hải nói và cho biết, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân có ruộng lúa đang đến ngày thu hoạch thì tranh thủ đưa máy gặt vào để đẩy nhanh tốc độ thu hoạch.

Nông dân vùng bán đảo Cà Mau thiệt hại năng vụ lúa hè thu do mưa bão gây ngập úng - Ảnh 4.

Những ruộng lúa đang giai đoạn sắp chín cũng đứng trước nguy cơ bị thiệt hại nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra. Ảnh: An An

Trong khi đó, bà con nông dân ở huyện Hồng Dân cũng đang đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích lúa đang vào thu hoạch rộ, nhưng gặp cảnh mưa giông, thu hoạch gặp khó khăn, năng suất giảm, giá bán thấp, gây thiệt hại nhiều.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ xã Ninh Hoà, huyện Hồng Dân cho biết, gia đình ông có diện tích lúa hơn 1 hecta, nhưng hiện tại có khoảng 40% diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ sập. "Vụ này nếu may mắn thì huề vốn là mừng lắm rồi", ông Hoàng chia sẽ.

Ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bạc Liêu cho biết, mưa giông những ngày qua khiến hơn 1.000 hecta lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch của bà con nông dân huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi đổ ngã, ngập úng, ảnh hưởng năng suất và khó thu hoạch (trong đó huyện Hồng Dân hơn 500 ha, còn lại là ở huyện Vĩnh Lợi).

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, mưa lớn nhiều ngày qua còn khiến hơn 31.000 hecta lúa hè thu muộn đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đồng của bà con bị nước chìm trong nước. Diện tích lúa thiệt hại nặng chủ yếu tập trung ở những trà lúa chín; riêng lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, làm đồng chưa ghi nhận thiệt hại nhiều.

Hiện ngành nông nghiệp của tỉnh đang tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau của cây lúa.  Theo đó, khẩn trương phối hợp với các địa phương mở các cống ngăn mặn dọc theo tuyến Quốc lộ 1A xả nước mưa ra các tuyến kênh, rạch cứu lúa; đồng thời vận động bà con chủ động bơm tát, khơi thông bờ bao, xả nước để chống ngập úng, giảm thiệt hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem