Hầu như suốt năm 2020, Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định phải đau đầu về vấn đề đơn hàng do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, trong những ngày đầu năm 2021, nhiều tín hiệu tích cực về đơn hàng đã bắt đầu trở lại với công ty này. “Đơn hàng đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi, trong những tháng cuối năm các đối tác của chúng tôi đẵ bắt đầu đặt hàng. Tuy vẫn chưa có nhiều những đơn hàng lớn nhưng cũng giúp chúng tôi duy trì các hoạt động sản xuất trong thời gian tới”, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định cho biết.
Tương tự, Công ty giày Việt Phúc đang tất bật sản xuất các đơn hàng vừa mới ký kết. Theo chia sẻ của ông Trần Việt Cường, giám đốc chiến lược công ty, tính đến hiện tại số đơn hàng đã ký kết đủ cho công ty sản xuất đến quý II/2021. Và trong thời điểm này, nếu dịch bệnh Covid-19 không tạo ra những tác động lớn thì đơn hàng của công ty nói riêng và ngành da giày nói chúng sẽ dần phục hồi. “Hiện tại, đơn hàng của công ty đã phục hồi khoảng 60% so với thời điểm trước dịch Coivd-19. Với tình hình hiện tại, rất có thể bắt đầu từ quý II tình hình sẽ khôi phục trở lại như thời điểm trước dịch, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát trên toàn cầu. Đây rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành da giày”, ông Cường nhận định.
![]() |
Đơn hàng bắt đầu phục hồi với các doanh nghiệp trong ngành da giày. Ảnh: Trần Hùng |
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, mức độ sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu trong năm vừa qua của ngành da giày là điều tất yếu. Trong bối cảnh hầu hết các ngành hàng đều bị tác động tiêu cực do dịch bệnh mang lại thì vấn đề quan trọng nhất là làm sao hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Các chuyên gia dự báo năm 2021 thị trường xuất khẩu của ngành này sẽ có những chuyển biến tích cực hơn cũng như có cơ hội bứt phá nhờ việc khống chế dịch bệnh tốt hơn từ các nước. Cùng với sự hồi phục sức mua của thị trường, việc Việt Nam tham gia hội nhập sâu hơn vào các khối, nền kinh tế thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do cũng được cho là động lực lớn giúp tạo nhiều lợi thế cho hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, theo Hiệp hội Da giày TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ngành da giày sẽ có thêm động lực để tăng trưởng trở lại. Các hiệp định thương mại tự do này sẽ tạo ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Và hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh để đáp ứng các đơn hàng cho năm 2021.
Ngoài cơ hội về thị trường, các hiệp định thương mại tự do còn mang đến một lợi thế khác cho ngành da giày Việt Nam trong thời gian tới. “Hiện ngành da giày đang có những tín hiệu tốt khi các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường đang đã có đơn hàng cho năm 2021. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu nhận thấy những rủi ro từ thị trường này và bắt đầu dịch chuyển sản xuất, trong đó, Việt Nam với năng lực cung ứng từ 20-25 tỷ USD/năm được nhiều đối tác đưa vào tầm ngắm là địa điểm dịch chuyển sản xuất", ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) nói.
Cũng theo ông Thuấn, hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng tới hết quý I/2021 và đã bắt tay vào chuẩn bị nguồn nguyên liệu cũng như nhân công để sẵn sàng trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, ngoài tác động tích cực từ việc có lợi thế trong xuất khẩu thì các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều thách thức khi phải cạnh tranh mạnh mẽ với thị trường Trung Quốc, trong khi đó, các sản phẩm nguyên phụ liệu cho sản xuất phần lớn là từ Trung Quốc.
Gửi bình luận