"Mách nước" cho nông dân Bến Tre làm du lịch sinh thái từ ruộng, vườn, xóm ấp, dân khá giả lên

Huỳnh Lê Thứ hai, ngày 06/11/2023 18:22 PM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội thảo "Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái bền vững". Tại đây, đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp giúp phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Bến Tre trước yêu cầu mới.
Bình luận 0

Ngoài các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, tham dự hội thảo có đại diện Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở NNPTNT cùng 50 doanh nghiệp du lịch sinh thái, hộ nông dân có tiềm năng làm du lịch và các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham dự.

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre hỗ trợ nông dân làm du lịch sinh thái theo hướng bền vững - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bàn - Chủ tịch HND tỉnh phát biểu tại hội thảo "Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái bền vững". Ảnh: Huỳnh Lê.

Theo các đại biểu, thời gian qua, du lịch tỉnh Bến Tre đã có bước phát triển khởi sắc, nhiều điểm du lịch mới được hình thành, nhiều cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống đưa vào hoạt động, nhiều điểm đến, điểm dừng chân đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được giấy phép. Trong đó, có 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 22 doanh nghiệp lữ hành nội địa; gần 100 cơ sở lưu trú với trên 1.500 phòng có sức chứa khoảng trên 3.000 khách; khoảng trên 50 khu, điểm du lịch, điểm đến tham quan du lịch.

Đặc biệt, địa phương có 1 khu du lịch cấp tỉnh thuộc huyện Thạnh Phú (Khu du lịch cấp tỉnh Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre), 2 điểm du lịch thuộc huyện Ba Tri (Sân chim Vàm Hồ, Cồn Ngoài). Ngoài ra, có 9 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL trên địa bàn các huyện Châu Thành, Ba Tri và TP.Bến Tre.

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre hỗ trợ nông dân làm du lịch sinh thái theo hướng bền vững - Ảnh 2.

Khu du lịch sinh thái Vàm Hồ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Lê

Từ các số liệu thống kê cho thấy, loại hình dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 40% so với tổng số các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có thể thấy rằng, ngày càng nhiều nông dân làm du lịch đã nắm bắt đúng xu thế và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng năng động, tích cực và hiệu quả.

Bên cạnh những thuận lợi, nông dân làm du lịch ở Bến Tre còn đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu của khách du lịch; cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu;...

Bên cạnh đó, các hộ dân làm du lịch trong tỉnh chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn; sản phẩm du lịch nông thôn chưa đặc sắc; nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang loại hình khác...

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn ghi nhận các ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận của các đại biểu, các chuyên gia, doanh nghiệp. Qua các ý kiến đã nêu rõ tiềm năng, thực trạng, hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Bến Tre trước yêu cầu mới.

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre hỗ trợ nông dân làm du lịch sinh thái theo hướng bền vững - Ảnh 3.

Từ các số liệu thống kê cho thấy, loại hình dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 40% so với tổng số các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Lê

Để phát triển loại hình sinh thái tại Bến Tre một cách bền vững, lâu dài, khai thác hết tiềm năng của địa phương một cách hiệu quả và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông Bàn, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền về phát triển du lịch sinh thái trong sự phát triển bền vững của địa phương. Đồng thời, phải tạo ra các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có tính khác biệt để thu hút khách du lịch.

"Riêng các ngành chức năng địa phương, cần có cơ chế chính sách đặc thù, các chính sách hỗ trợ về vốn, thị trường… để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư quy mô lớn tham gia đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao. Song song đó là kết nối các doanh nghiệp lữ hành tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách du lịch" - ông Bàn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem