![]() |
Nông sản Việt vẫn khó đi theo đường chính ngạch vào Trung Quốc. Ảnh: I.T |
Tại tọa đàm Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 14/11, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, có thực tế nông sản Việt khó đi theo đường chính ngạch và không vào sâu được thị trường Trung Quốc.
Theo ông Thủy, nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam dù rất nhiều nhưng lại đứng ngoài sự phát triển, không hình thành được chuỗi sản xuất.
“Ở đây có độ chênh về niềm tin, trong khi doanh nghiệp trông chờ vào chính sách của Nhà nước, cần có cơ chế cởi mở hơn. Nhưng Nhà nước lại cho rằng doanh nghiệp của ta còn yếu, chưa nhận dạng được thị trường Trung Quốc nên không có hành động cụ thể” – ông Thủy thẳng thắn bày tỏ.
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch đều nhìn ra vấn đề, nhưng họ không vượt lên được vì cơ chế chính sách còn níu kéo. Điều này làm họ chùn lại, không tham gia chuỗi liên kết và không muốn đầu tư. Vì vậy, câu chuyện xuất khẩu nông sản Việt bằng con đường chính ngạch vẫn gặp khó khăn.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, trước đây chúng ta cứ nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính, nhưng qua việc Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc thì đây là cảnh báo, không chỉ thị trường Trung Quốc mà các thị trường khác đều đặt ra đối với hàng hóa của Việt Nam.
“An Giang hiện nay xuất khẩu chính là lúa gạo và cá tra. Chỉ có 2 doanh nghiệp được Trung Quốc đến khảo sát vùng nguyên liệu và nhà máy, trong đó chỉ 1 doanh nghiệp có giấy báo đạt. Như vậy, tiêu chuẩn doanh nghiệp của Trung Quốc rất khắt khe” - bà Tuyết nói.
![]() |
Nông sản Việt sẽ tiếp tục phải “giải cứu” nếu không liên kết chặt chẽ. Ảnh: I.T |
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ: “Việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là điều tất yếu, do chúng ta không có sự chủ động nghiên cứu từ trước, đến khi họ áp dụng thì mới hốt hoảng kêu rằng họ gây khó khăn. Thực tế, đây là xu thế tất yếu của việc phát triển của một nền kinh tế”.
Theo ông Kiên, chỉ có những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng phân tích thị trường thì mới tiếp cận và tiếp cận thành công với thị trường Trung Quốc. Còn nếu các doanh nghiệp vẫn tự hào với phương thức sản xuất của hộ nông dân, hộ bán lẻ thì việc vào thị trường Trung Quốc rất khó khăn.
Hoàng Trọng Thủy nêu giải pháp, trước hết phải xây dựng được chuỗi liên kết. Chỉ khi đứng được vào chuỗi giá trị, chuỗi liên kết thì mới bước chân vào chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu ra thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt.
“Một vấn đề đặt ra hiện nay là ở các tỉnh chưa có dòng nông sản chủ lực. Ngoài ra, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng theo tôi, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó và không đủ sức vào thị trường Trung Quốc. Bởi nghiên cứu thị trường rất tốn kém, thêm nữa phải đàm phán với đối tác. Nên nhớ, ở Thái Lan, mặc dù họ ký kết để đưa được 14 loại rau, hoa quả vào Trung Quốc, nhưng sau đó mỗi năm họ chỉ phát triển được 1 mặt hàng và phải mất tới 17 năm họ mới đưa được 40 loại trái cây vào thị trường này” – ông Thủy nêu dẫn chứng.
Giải pháp thứ hai theo ông Thủy, phải xây dựng tổ chức kinh tế của nông dân vững mạnh, thật sự chất lượng chứ không phải hình thức.
Ngoài ra, chính sách của Nhà nước phải có sự khẩn trương cao nhất về vấn đề đất đai. Và cuối cùng, người nông dân phải làm thị trường, còn dẫn dắt và khai phá thị trường phải là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Gửi bình luận