Nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho gần 700 giáo viên tại TP.HCM

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 22/08/2023 09:41 AM (GMT+7)
Trường ĐH Sài Gòn phối hợp với Sở GDĐT TP.HCM tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS khóa 1 với gần 700 người.
Bình luận 0

Ngày 22/8, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS khóa 1 (từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026).

Thực trạng trình độ chuẩn giáo viên

Theo UBND TP, tính đến cuối năm học 2022 - 2023, tỉ lệ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập đạt trình độ chuẩn được đào tạo (theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019), bậc mầm non có 80% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. Trong đó, 94,25% giáo viên mầm non công lập tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 67,9% giáo viên mầm non ngoài công lập tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

Nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho gần 700 giáo viên tại TP.HCM - Ảnh 1.

Gần 700 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được đào tạo nâng chuẩn. Ảnh: M.Q

Ở bậc tiểu học, có 78,5 % giáo viên tiểu học có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Bậc THCS có 93,2% giáo viên trung học cơ sở có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Trong khi đó, mục tiêu của giai đoạn 1 (từ 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025) theo quy định Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 71 là bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân và bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Đào tạo nâng chuẩn gần 700 giáo viên

UBND TP cho biết, để bảo đảm tỉ lệ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trong độ tuổi nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 71 đạt trình độ chuẩn được đào tạo; thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phân bổ khoảng 30-40% viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo được cử đi học nâng chuẩn.

Nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho gần 700 giáo viên tại TP.HCM - Ảnh 3.

Cả 3 bậc mầm non, tiểu học, THCS có số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn khá cao. Ảnh: M.Q

Số lượng giáo viên giao nhiệm vụ đào tạo nâng trình độ chuẩn khóa 1 là 641 người. Trong đó, giáo viên mầm non là 157 người; giáo viên tiểu học 305 người và giáo viên trung học cơ sở là 179 người.

Thời gian thực hiện từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 (khóa 1). Với đào tạo từ trình độ trung cấp lên đại học là 3 năm và đào tạo từ trình độ cao đẳng lên đại học là 2 năm.

UBND TP cũng nêu rõ, việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở khóa 1 được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ giữa địa phương (UBND TP) với cơ sở đào tạo giáo viên (Trường Đại học Sài Gòn) theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 71.

Về kinh phí thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở khóa 1 được lấy từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 71.

Ngân sách địa phương hỗ trợ học phí nâng trình độ được đào tạo cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục và được bố trí trong dự toán ngân sách theo phân cấp hiện hành.

Đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 71 cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem