Nâng cao kỹ năng số cho người dân nông thôn để 3 trụ cột Chuyển đổi số thành công

Khải Phạm Thứ bảy, ngày 14/10/2023 16:24 PM (GMT+7)
Khi 3 trụ cột Chính phủ số phát triển, người dân sẽ đơn giản hoá thủ tục hành chính, Xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn và Kinh tế số giúp người dân có thu nhập tốt hơn.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do báo NTNN/Dân Việt tổ chức, nhiều vấn đề đã được mang ra thảo luận, trong đó chuyển đổi số muốn toàn diện sẽ phải quan tâm đến người dân khu vực nông thôn.

Nâng cao kỹ năng số cho người dân Nông thôn để 3 trụ cột Chuyển đổi số thành công - Ảnh 1.

Bà Mai Thị Thanh Bình - Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin Truyền thông) chia sẻ.

Chia sẻ tại Hội thảo, Bà Mai Thị Thanh Bình - Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin Truyền thông), muốn phát triển toàn diện chuyển đổi số ở khu vực nông thôn, sẽ cần phải giải quyết 2 bài toán gồm: "Quy mô sản xuất ở Nông thôn hiện nay còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết chưa trở thành chuỗi sản xuất. Đặc biệt, lao động ở khu vực nông thôn còn thủ công, chưa được đầu tư máy móc hiện đại như một số khu vực khác".

Khó khăn đối với khu vực này là người nông dân sản xuất vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh và đặc biệt kết nối với thị trường tiêu thụ còn yếu nên đầu ra vẫn là trở ngại lớn với người dân ở khu vực nông thôn.

Năm 2022, Chính phủ đã lần đầu tiên ban hành chính sách phát triển Kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 hướng đến năm 20230 nằm trong chiến lực chung của cả nước về Chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, 3 trụ cột chính là phát triển Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số.

Theo bà Bình, muốn phát triển toàn diện và thành công Chuyển đổi số, cả 3 trụ cột đều đặt người dân vào trung tâm, đặc biệt ở khu vực nông thôn. "Khi Chính phủ số phát triển, người dân sẽ đơn giản hoá thủ tục hành chính, Xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn và Kinh tế số giúp người dân có thu nhập tốt hơn", đại diện Bộ TT&TT chia sẻ.

Tuy nhiên, để thực hiện những mục tiêu đó, Việt Nam hiện sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi khu vực nông thôn sẽ phải nâng cấp hạ tầng internet và băng thông rộng đến tận thôn, bản đảm bảo phổ cập gói cước truy cập internet phù hợp với thu nhập của người dân.

Xen kẽ với khó khăn đó, lợi thế của Việt Nam đến từ việc là quốc gia có tốc độ internet nằm trong Top 50 trên thế giới. Đồng thời 87% thôn, bản hiện nay đã được phủ sóng di động và internet tốc độ cao. Hiện nay, doanh nghiệp và Chính phủ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng internet.

Giải pháp được đại diện Bộ TT&TT đưa ra là đưa cáp quang băng rộng đến từng hộ gia đình. Khi đã có hạ tầng kết nối, Chính phủ sẽ phổ cập thiết bị di động thông minh để đảm bảo ít nhất mỗi gia đình sẽ có 1 thiết bị thông minh và tiến tới mỗi người dân sẽ có 1 thiết bị thông minh trong thời gian tới. Đã có 78% số lượng thuê bao đang sử dụng thiết bị điện thoại thông minh và để phổ cập 22% còn lại sẽ phải phổ cập bằng sự tổng hợp của nhiều người lực từ địa phương, nhà mạng và từ xã hội hoá.

Nâng cao kỹ năng số cho người dân Nông thôn để 3 trụ cột Chuyển đổi số thành công - Ảnh 2.

Phổ cập thiết bị thông minh đến từng người dân.

Khi đã dần phổ cập thiết bị thông minh đến từng thôn bản, gia đình, cá nhân, bước tiếp theo sẽ phải nâng cao kỹ năng số cho người dân. Từ đó, các Tổ công nghệ số cộng đồng và nền tảng học trực tuyến đại trà để cung cấp các bài giảng miễn phí để người dân chủ động bồi dưỡng kỹ năng số.

Bình Phước là tỉnh đi đầu trong việc này khi đã triển khai chiến dịch 92 ngày đêm của Tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh chuyển đổi số và đến nay đã có gần 1.000 Tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 5.500 thành viên tham gia ở khu vực nông thôn.

Sau thời gian triển khai Chiến dịch 92 ngày đêm đã thu về nhiều kết quả gồm: thiết lập tài khoản và khai thác các cổng dịch vụ công; tập huấn chữ ký số, các ứng dụng cho 163.410 thành viên. Toàn tỉnh đã có hơn 220 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa 466 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử Ngành thuế đã chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Nâng cao kỹ năng số cho người dân Nông thôn để 3 trụ cột Chuyển đổi số thành công - Ảnh 3.

Tài khoản mobile money gắn với tài khoản SIM điện thoại sử dụng thanh toán ngay cả khi sử dụng điện thoại đời cũ.

Việt Nam đạt mục tiêu dân số ở khu vực nông thôn tiến tới mỗi người dân đều có tài khoản VNeID để xác định quyền và trách nhiệm của mỗi người dân. Mục tiêu tiếp theo là mỗi người dân trưởng thành một tài khoản thanh toán số. Đa dạng hoá hình thức thanh toán, các vùng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, phối hợp với nhà mạng triển khai Mobile Money. Tài khoản mobile money gắn với tài khoản SIM điện thoại sử dụng thanh toán ngay cả khi sử dụng điện thoại đời cũ (feature phone). Đồng thời, triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số như: làng số, xã số, khu phố không dùng tiền mặt từ đó nhân rộng, lan tỏa. VNPost phát triển mạng lưới VNPost thành các điểm đại lý Mobile Money.

Song song với phát triển Kinh tế số, đại diện Bộ TT&TT cho biết phải đảm bảo an toàn an ninh mạng cho khu vực nông thôn. Để làm được điều đó, Việt Nam sẽ chỉ đưa vào vận hành những nền tảng đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng. Các tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng an toàn, an ninh mạng miễn phí trên thiết bị thông minh.

Chuyển dịch vai trò bảo đảm an toàn thông tin mạng về các doanh nghiệp nền tảng số lớn, các doanh nghiệp viễn thông, đảm bảo 100% người dân được bảo vệ an toàn thông tin ở mức cơ bản. Với các công tác đảm bảo an ninh như trên đáp ứng 100% người dân được bảo đảm an toàn, an ninh mạng ở mức cơ bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem