Nắng ấm, nông dân Ninh Bình ra đồng cào đất cấy lại

Vũ Thượng Thứ sáu, ngày 04/03/2022 06:19 AM (GMT+7)
Đợt rét đậm, rét hại vừa qua khiến nhiều diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân ở các xã Đồng Phong, Trì Chính, Ấn Hòa…huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), phải gieo cấy lại để kịp lịch thời vụ.
Bình luận 0

Ngày 3/3, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Vũ Văn Tấn-Trưởng phòng NNPTNT huyện Kim Sơn cho biết: "Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn huyện Kim Sơn gieo cấy được 7.611,83 ha, nhưng trong ngày từ 19-23/2, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C khiến cho gần 90% diện tích bị thiệt hại".

Ninh Bình: Sau rét đậm, nhiều xã ở huyện Kim Sơn phải gieo cấy lại - Ảnh 1.

Huyện Kim Sơn có gần 90% diện tích bị thiệt hại do rét đậm, rét hại từ ngày 19-23/2. Ảnh: N L

Cũng theo ông Tấn, đối với diện tích bị thiệt hại dưới 70% thì cấy dặm bằng mạ dự phòng cho đủ mật độ. Còn những diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên thì tiến hành gieo thẳng lại bằng những giống ngắn ngày để đảm bảo thời vụ.

"Thời vụ gieo cấy có thể kéo dài đến ngày 5/3, thậm chí kéo dài đến ngày 10/3 nếu làm tốt việc chăm sóc và sử dụng các giống ngắn ngày. Do vậy bà con không nên quá lo lắng", ông Vũ Văn Tấn nói.

Ninh Bình: Sau rét đậm, nhiều xã ở huyện Kim Sơn phải gieo cấy lại - Ảnh 2.

Người dân huyện Kim Sơn khẩn trương làm đất để gieo cấy lại cho kịp thời vụ. Ảnh: H Q

Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Định Hóa, huyện Kim Sơn) cho biết: "Gia đình gieo cấy 5 sào ruộng, trong đợt rét đậm, rét hại tôi nhổ gốc mạ lên kiểm tra thì thấy rễ đã bị thối đen, lá bị táp đầu, khó có khả năng phục hồi. Vì thế, gia đình đã phải nhanh chóng ngâm lại lúa giống, thuê máy bừa lại một lượt, đợi 1-2 ngày nữa gieo thẳng lại chứ giờ gieo mạ để cấy thì không kịp".

Để khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, ngày 27/2, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo về việc tập trung chăm sóc lúa và cây màu vụ đông xuân.

Đối với trà xuân muộn, trên các diện tích lúa đã cấy, hiện tại đang hồi xanh, cần duy trì mực nước từ 3-5cm trên ruộng, khi thời tiết ấm mới được bón phân thúc, kết hợp tỉa dặm đảm bảo mật độ.

Riêng diện tích lúa gieo thẳng, kiểm tra lại ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại. Đối với diện tích không hoặc ít bị ảnh hưởng cần duy trì đủ nước trên ruộng, khi thời tiết ấm trở lại sử dụng các loại phân lân, phân kích thích ra rễ để bón nhử (không bón phân đạm). Bên canh đó, khi cây lúa đạt từ 3,5-4 lá tiến hành dặm tỉa đảm bảo mật độ, kết hợp với bón thúc để lúa đẻ nhánh tập trung.

Những diện tích bị ảnh hưởng nhiều, kiểm tra mật độ, nếu dặm tỉa đảm bảo mật độ thì tiến hành dặm tỉa ngay, nếu không đảm bảo mật độ cần sử dụng giống lúa ngắn ngày tiến hành gieo bổ sung ngay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem