Năm 2023, Nhà nước chỉ thoái vốn tại 5 doanh nghiệp, thu 24 tỷ đồng

Gia Bình Thứ hai, ngày 20/05/2024 16:00 PM (GMT+7)
Báo cáo thẩm tra của Quốc hội thể hiện, công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm. Trong năm 2023, chỉ tiến hành thoái vốn Nhà nước tại 5 doanh nghiệp, thu 24 tỷ đồng.
Bình luận 0

Chiều 20/5, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Theo báo cáo, trong năm 2023, kết quả tiết kiệm là 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022 (đạt 53.887 tỷ đồng). Công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm từ khâu đầu tư, mua sắm đến khai thác, sử dụng.

Năm 2023, Nhà nước chỉ thoái vốn tại 5 doanh nghiệp, thu 24 tỷ đồng- Ảnh 1.

Việc xử lý cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều hạn chế, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục cập nhật, bước đầu vận hành có hiệu quả. Nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, bố trí lại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đầu tiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ; còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm.

Vẫn diễn ra tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí. Việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.

Trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, báo cáo của Quốc hội thể hiện kết quả xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155ha chưa được xử lý.

Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.

Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc; cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục đại học còn nhiều bất cập do thiếu quy định pháp luật; cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm. Trong năm 2023, chỉ tiến hành thoái vốn Nhà nước tại 5 doanh nghiệp, thu về 24 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thoái vốn tại 7 doanh nghiệp thu về 206,3 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem