Mỹ, Trung Quốc tăng tốc thu mua, loạt nông sản của Việt Nam đồng loạt tăng giá

P.V Thứ năm, ngày 01/02/2024 14:21 PM (GMT+7)
Ngay tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có sự khởi sắc khi giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đều tăng nhờ sức mua từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc,... Sự khởi đầu tương đối thuận lợi này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho năm 2024 xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục lập những kỷ lục mới.
Bình luận 0

Mỹ, Trung Quốc tăng tốc thu gom, tất cả các nhóm hàng nông sản đều tăng giá

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong tháng 01/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 3,72 tỷ USD; xuất siêu 1,43 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao là nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng: Lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang khu vực Châu Mỹ đạt 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); Châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); Châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%) và Châu Đại Dương 78 triệu USD (tăng 100,9%). Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.

Dự báo về thị trường xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản chủ lực, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ tăng, có thể lập đỉnh do lo thiếu hụt nguồn cung. 

Theo Bộ NNPTNT, dự báo sản lượng cà phê trong niên vụ 2023/2024 có thể giảm 10% xuống 1.656 triệu tấn, vụ mùa thấp nhất trong 4 năm, do thời tiết không thuận lợi. Dù vụ mùa Việt Nam thu hoạch rộ, nhưng sức cung ứng không đủ mạnh như những năm trước. Người dân đang có xu hướng hạn chế bán để chờ giá lên, đẩy giá cà phê nội địa tăng liên tục.

Mỹ, Trung Quốc tăng tốc thu mua, loạt nông sản của Việt Nam đồng loạt tăng giá- Ảnh 1.

Giá cà phê đang tăng cao kỷ lục. Ảnh: Báo Đắk Lắk.

Đối với ngành điều, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, năm 2024, ngành điều Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu. Hiện giá hạt điều đang ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy hoạt động tiêu thụ mặt hàng có lợi cho sức khỏe này, trong khi năng suất và sản lượng thu hoạch khá ổn định.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 dự báo tiếp tục khởi sắc. Dư địa tại các thị trường lớn còn nhiều, cùng với đó chất lượng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. 

Sự hiện diện ở hầu hết thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội phía trước. Tuy nhiên, ngành hàng rau quả cũng cần duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc mới có thể tận dụng được cơ hội thị trường.

Sức bật của ngành gỗ, thủy sản

Theo Cục Xuất nhập khẩu, những tín hiệu cuối năm 2023 cho thấy xuất khẩu thủy sản năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, mức độ phục hồi trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức thấp do nhu cầu thị trường chưa phục hồi chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. 

Trong khi đó, việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này khó phục hồi mạnh. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng, nhưng thủy sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của các nguồn cung cấp khác.

Bên cạnh đó, những bất ổn của thị trường logistics cũng là thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.

 Hiện cước tàu biển ở một số tuyến đã tăng mạnh do căng thẳng tại Biển Đỏ. Hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí từ tháng 1/2024 do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Ngành gỗ mặc dù có tín hiệu phục hồi trong những tháng cuối năm 2023, tuy nhiên trước những khó khăn của thị trường như xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm; Xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển phải ra thông báo dừng vận chuyển hàng hóa, hoặc thay đổi lịch trình; kéo theo hệ luỵ là cước vận tải biển gia tăng với nhiều khoản phụ phí phát sinh… 

“Những yếu tố này tác động lớn tới doanh nghiệp ngành gỗ, do đó triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem