Muốn mang vải thiều vào Nam, doanh nghiệp bán lẻ than chi phí logistics đi ngược thế giới

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 13/06/2021 10:13 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam có kế hoạch xây dựng cơ chế phối hợp để đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại.
Bình luận 0

Giữ vững "3 chân kiềng" đầu vào, đầu ra và nền tảng sản xuất, Việt Nam xuất khẩu cả tăm tre, chổi đót

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ NNPTNT bàn kế hoạch xây dựng cơ chế hợp tác, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, các thành viên trong Hiệp hội luôn có nhu cầu rất cao với các sản phẩm nông sản Việt.

Tuy nhiên, sản phẩm của các hợp tác xã, đơn vị phải đồng đều về chất lượng, đảm bảo đủ số lượng trong thời gian dài, không thể một mình một giá nếu sản phẩm đó không có gì khác biệt.

 Bà Hậu cũng cho rằng, việc truyền thông nông sản rất quan trọng. "Mận Sơn La chưa vào vụ đã xuất hiện tin bán ế trên mạng xã hội, người ta cho bò ăn thanh long đã bị hỏng chẳng hạn, chụp ngay cái ảnh lên bảo ế đến mức phải đổ cho bò ăn thì bán thế nào?" - bà Hậu đặt câu hỏi.

Cũng theo bà Hậu, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn ứ khi vào vụ, hết vụ lại khan hiếm, ngành nông nghiệp, các địa phương có thể tính đến sản xuất rải vụ.

"Ví dụ, cà rốt trái vụ giá rất tốt, nếu có thể thì tổ chức sản xuất cà rốt trái vụ ở những nơi có khí hậu phù hợp như Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng) thì không phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc" - bà Hậu lấy ví dụ. 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Phương - Phó Tổng giám đốc Vincommerce, cho rằng, để giải quyết căn cơ bài toán tiêu thụ nông sản thì việc đa dạng hóa các kênh phân phối là rất quan trọng.

"Hiện, thị trường tiêu thụ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại chỉ chiếm khoảng 15%, do vậy không phải tất cả đều đưa được vào siêu thị mà phải phát triển cả các kênh khác trên thị trường bán lẻ" - bà Phương nói. 

Là một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản, bà Hà Anh - Chủ tịch Công ty CP Lương thực Bình Minh cho rằng, muốn phát triển thị trường nông sản phải dựa vào thế kiềng 3 chân là: đầu vào, đầu ra và nền tảng sản xuất, nếu hoàn thiện được vững chắc thế chân kiềng này, Việt Nam có thể đưa cả tăm tre, chổi đót ra nước ngoài. 

Muốn mang vải thiều vào Nam, doanh nghiệp bán lẻ than chi phí logistics đi ngược thế giới - Ảnh 1.

Xe vận chuyển vải thiều của tỉnh Bắc Giang phân phối tại thị trường trong nước. (Ảnh: https://www.moit.gov.vn).

Bà Hà Anh cho rằng, nền tảng sản xuất là vô cùng quan trọng, đó là phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu sao cho hợp lý, bởi nếu không bố trí quy hoạch hợp lý không doanh nghiệp nào chịu được chi phí logistics.  

"Công ty Bình Minh đã từng xây dựng vùng nguyên liệu trên Lai Châu và thất bại vì địa bàn quá xa, chúng tôi phải tuyển thêm 50 lao động để quản lý. Do vậy, cần quy hoạch từ đầu đến cuối, chứ không phải trồng rồi không biết làm gì" - bà Hà Anh nhấn mạnh.

Theo bà Hà Anh, nếu quy hoạch cả vùng sản xuất, có chứng chỉ thì nhàn vô cùng, thị trường mở ra rộng lớn.

Đối với những sản phẩm có thời gian thu hoạch ngắn, áp lực sản lượng lớn như vải thiều của tỉnh Bắc Giang, bà Hà Anh cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh chế biến sâu như vải đóng hộp, sấy khô.

"Hàng Việt Nam được khen chất lượng tốt, nhưng chuỗi tạo ra sản phẩm đang còn một số vấn đề, do vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ NNPTNT làm việc với các địa phương có quy hoạch hợp lý các vùng nguyên liệu, thống nhất về chất lượng và giá cả" - bà Hà Anh kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Phương, Giám đốc điều hành miền Bắc chuỗi siêu thị Mega Market, thì mong muốn giá nông sản từ đầu vụ đến cuối vụ phải đảm bảo sự ổn định để thuận lợi cho đơn vị thu mua.

 "Logistics của Việt Nam đang đi ngược thế giới" 

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, để đưa được nhiều hơn nông sản Việt vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ, cần phải có giải pháp giảm chi phí logictics.

"Vải thiều từ Bắc Giang vận chuyển vào miền Nam hao hụt 40% vì không có xe chuyên dụng, chi phí rất cao. Do vậy, chúng tôi đề xuất Hiệp hội vận tải điều phối các doanh nghiệp để có mức chi phí phù hợp, phát triển các loại hình vận tải khác nhau" - ông Đức nói. 

Ông Đức cũng đề nghị cần có liên minh tốt hơn từ khâu sản xuất, vì vào siêu thị cần số lượng tương đồng, đảm bảo phân phối cho các địa bàn, các vùng khác nhau.

Muốn mang vải thiều vào Nam, doanh nghiệp bán lẻ than chi phí logistics đi ngược thế giới - Ảnh 2.

Đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ cho rằng, muốn vào siêu thị, nông sản phải đồng đều về chất lượng. Trong ảnh: Trưng bày vải thiều Lục Ngạn tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: https://www.moit.gov.vn).

Cũng đề cập đến vấn đề quy hoạch, bà Vân Hoa, đại diện Nam Quốc Vinh Global cho rằng, Bộ NNPTNT cần phối hợp với các địa phương triển khai quy hoạch theo vùng, theo nhu cầu, tạo ra những sản phẩm mà khi nhắc đến là họ nghĩ ngay của Việt Nam.

"Có một câu chuyện đã nói rất nhiều, tại Trung Quốc khi một doanh nghiệp muốn mua sản phẩm nào đó, họ chỉ cần làm việc với một công ty là có thể mua được 1.000 tấn sản phẩm, nhưng ở Việt Nam có khi phải làm việc với 10 - 20 người. Không có doanh nghiệp nào đủ nhân lực để xé lẻ ra như vậy, vừa tăng chi phí giá thành vừa khiến giá vận chuyển đắt gấp đôi nơi khác" - bà Vân Hoa nêu một thực tế.

Cho rằng "logistics của Việt Nam đang đi ngược thế giới" vì chi phí quá đắt, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh cần phải phát triển hệ thống logistics cho ngành bán lẻ.

"Hiện nay, tôi thấy có lỗ hổng thông tin chưa thông suốt, nhà bán lẻ thì trách nông dân, hợp tác xã cung cấp nguồn cung nông sản thiếu ổn định, trong khi nông dân lại hàm oan cho các nhà bán lẻ không đưa hàng của mình vào siêu thị, do vậy, tôi mong Bộ NNPTNT có giải pháp để minh bạch thông tin giữa hai bên" - bà Loan nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, để giải quyết được những hạn chế của sản xuất nông nghiệp hiện nay, hợp tác xã sẽ là lời giải. 

Doanh nghiệp đảm bảo đầu ra, Bộ NNPTNT, các địa phương cung cấp thông tin đầu vào, nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp mua với giá hợp lý, có hợp đồng bảo đảm thì chắc chắn chuỗi cung ứng tiêu thụ sẽ thông suốt.

"Cục Trồng trọt sẽ đảm bảo thông tin về thời vụ, sản lượng, chất lượng từng loại nông sản để doanh nghiệp có kế hoạch thu mua hợp lý" - ông Cường nói.

Doanh nghiệp bán lẻ có thể đề nghị địa phương xây dựng mã số vùng trồng để quản lý thu mua

Trong khi đó, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, các sản phẩm xuất khẩu đều có mã số vùng trồng, người dân phải quen với cách thức sản xuất chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

"Các doanh nghiệp bán lẻ có thể đặt hàng với địa phương là sản phẩm thu mua phải có mã số vùng trồng, giống như tiêu chuẩn xuất khẩu, có như vậy mới thúc đẩy nông dân làm ăn chuyên nghiệp hơn. Mã số vùng trồng cũng sẽ đảm bảo sản lượng cho doanh nghiệp, bởi mỗi mã số vùng trồng được cấp phải đảm bảo diện tích từ 10ha trở lên" - ông Trung đề xuất. 

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa, đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ xây dựng cơ chế phối hợp, theo quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Hiệp hội yêu cầu gì, các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ yêu cầu gì chúng tôi sẵn sàng cung cấp, quan trọng là tạo cơ chế lưu thông tốt" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem