Mua bán ế ẩm cuối năm - Bài 3: Làm gì để cứu sức mua trước Tết?

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 23/11/2023 12:30 PM (GMT+7)
Các chợ truyền thống nỗ lực kéo sức mua, “hồi sức” cho tiểu thương, hỗ trợ bán hàng với hình thức hoàn toàn khác. Ngoài ra, việc tiếp tục giảm thuế VAT, hỗ trợ doanh nghiệp lúc này được đánh giá là giải cấp cần thiết và cấp bách.
Bình luận 0

Để tiểu thương "thực chiến" bán hàng online

Trước tình hình chợ truyền thống mua bán ế ẩm, ban quản lý nhiều chợ tại TP.HCM đang tích cực kéo sức mua, thông qua nhiều biện pháp như hỗ trợ tiểu thương vay vốn ưu đãi, khuyến khích những cách bán hàng mới.

Ông Nguyễn Hoàng Kiêu - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, quận 11, cho biết ban quản lý phối hợp với ngân hàng, ban ngành đoàn thể để hỗ trợ tiểu thương vay vốn lãi suất ưu đãi chỉ 1,2% hoặc Hội Phụ nữ cho vay với lãi suất 0,7%/năm. Đây là mức ưu đãi tốt để tiểu thương chuẩn bị hàng cuối năm. 

Để hút khách, tiểu thương chợ Bình Thới cũng được vận động niêm yết giá đầy đủ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chợ xin chủ trương nâng cấp cho sạch đẹp, khang trang hơn.

Mua bán ế ẩm cuối năm - Bài 3: Làm gì để cứu sức mua trước Tết? - Ảnh 1.

Tiểu thương các chợ xếp hàng chờ khách. Ảnh: Thu Hoài

Đại diện chợ Bình Tây, quận 6 cũng cho biết việc nắm bắt tình hình kinh doanh của tiểu thương được đơn vị cập nhật liên tục, từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Ban quản lý hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia tháng khuyến mãi tập trung, chương trình bình ổn thị trường. Để làm mới sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ban quản lý cũng hỗ trợ tiểu thương tiếp cận doanh nghiệp sản xuất để nguồn hàng phong phú và đa dạng hơn.

“Hiện nay có nhiều kênh bán hàng chứ không tập trung truyền thống nữa. Chúng tôi hướng tiểu thương bán hàng 4.0, vận động kinh doanh trực tuyến, bán hàng trên Lazada, Shopee. Nếu không theo kịp thì rất dễ đào thải. Nhiều tiểu thương hiện cũng rất chủ động”, vị này nói.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương - Tổng giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững, đánh giá nhu cầu mua sắm sau dịch thay đổi, người dân có xu hướng mua hàng online nhiều hơn. Tiểu thương chợ chậm thay đổi nên vốn ế nay càng ế hơn.

“Thực tế phần lớn tiểu thương hiện nay đã nhận thức được vấn đề này, tuy nhiên, việc thực hành mua bán qua mạng cũng không dễ do hầu hết đều là người lớn tuổi. Các buổi tập huấn thực chiến về bán hàng trên mạng dành cho tiểu thương, nhất là những người có ảnh hưởng tại chợ là rất cần thiết”, bà Nương nói và cho rằng song song đó, sản phẩm, dịch vụ tại chợ phải ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã theo nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cần trợ lực kéo sức mua, cứu doanh nghiệp

Để hỗ trợ tiêu dùng, kích thích sức mua, giai đoạn cuối năm, TP.HCM đồng loạt triển khai nhiều hoạt động, chương trình từ bình ổn giá, hội chợ khuyến mãi, kết nối cung cầu, đưa hàng chất lượng, giá ưu đãi từ các tỉnh thành về thành phố để phục vụ người dân.

Đáng chú ý, cuối năm, đợt khuyến mại tập trung lần thứ hai của TP.HCM sẽ diễn ra. Theo Sở Công Thương TP.HCM, đợt khuyến mãi này có sự tham gia của hơn 3.000 doanh nghiệp với trên 7.000 chương trình giảm giá lớn với mức ưu đãi cao 60 - 70%, mua 1 tặng 1. Đây là dịp để người tiêu dùng mua sắm, săn hàng Tết. 

Đợt khuyến mãi trùng với đợt mua sắm cuối năm và các chương trình lớn của thị trường như Black Friday, hay chương trình kích cầu du lịch kỳ vọng sẽ tạo ra tác động, cộng hưởng lớn.

Mua bán ế ẩm cuối năm - Bài 3: Làm gì để cứu sức mua trước Tết? - Ảnh 3.

Người tiêu dùng quan tâm mặt hàng giá tốt, khuyến mãi cuối năm. Ảnh: Hồng Phúc

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết công ăn việc làm đang bị ảnh hưởng, dẫn đến sức mua, tiêu dùng trong nước đang ở mức yếu, buộc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh chương trình kích cầu. Tuy nhiên, chỉ việc giảm giá kích cầu sức mua thôi thì chưa đủ, cần nhiều trợ lực từ chính sách, quản lý nhà nước.

Theo ông Hòa, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho năm 2024, mong muốn giảm dài hơi hơn 6 tháng, thậm chí giảm cả năm bởi tín hiệu đơn hàng quý I/2024 vẫn chưa nhiều.

"Nếu nhà nước đẩy nhanh đầu tư công, giải ngân một dòng vốn lớn ra bên ngoài, tạo công ăn việc làm, người dân có thu nhập thì đó mới là yếu tố quyết định sức mua của thị trường nội địa".

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

“Ngoài ra, giải ngân đầu tư công nhanh lúc này là cứu cánh. Nếu nhà nước đẩy nhanh đầu tư công, giải ngân một dòng vốn lớn ra bên ngoài, tạo công ăn việc làm, người dân có thu nhập thì đó mới là yếu tố quyết định sức mua của thị trường nội địa. Nếu nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, làm kinh tế trong nước sôi động, thêm trợ lực giảm thuế VAT thì khả năng chia sẻ phần nào”, ông Hòa đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng thực tế các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vốn liếng dự trữ đã sử dụng trong hai năm qua, cộng với thị trường biến động, sức mua nội địa yếu, xuất khẩu chưa nối lại được. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để tái cấu trúc, đầu tư sản xuất, phát triển sản phẩm.

Dù vậy, theo ông Dũng, việc tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất với doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp đang gặp khó là không dễ bởi không đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng. 

Do đó, ông Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh bên cạnh trông đợi chính sách, bản thân doanh nghiệp phải chủ động tái cấu trúc, định hướng sản phẩm chiến lược theo hướng lâu dài, bền vững, sử dụng vốn sẵn có là tài sản doanh nghiệp hoặc có thể huy động từ nhiều phía hợp pháp như đối tác, quỹ đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem