Món huyết chưng độc lạ ở Sài Gòn có gì mà chiều chiều là tấp nập khách?

Nguyên Thịnh Chủ nhật, ngày 13/03/2022 09:30 AM (GMT+7)
Muốn ăn món huyết chưng nổi tiếng ở địa chỉ 122 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, nhiều người phải chờ đến 16h chủ quán mới mở cửa. Chủ quán tiết lộ huyết được chưng cách thủy mấy tiếng đồng hồ, khi ăn, vừa đưa vào miệng sẽ tan ngay ra như tàu hũ.
Bình luận 0

Nghe tên huyết chưng Phạm Văn Hai độc lạ, thực khách tìm đến ăn

"Đây là lần đầu tiên em đến đây. Không biết món huyết chưng ra sao, nghe tên ngộ ngộ, nên ghé ăn thử", Kim Duyên (ngụ Bình Thạnh) nói với chúng tôi trong khi chờ lên món.

Không chỉ có những thực khách đang chờ thưởng thức huyết chưng ngay tại bàn như Duyên, mà phía ngoài, góc ngã ba đường Phạm Văn Hai - Ngô Thị Thu Minh (quận Tân Bình) cũng đang có nhiều người dừng xe, chờ mua mang về.

Lặp lại mỗi ngày, từ khoảng 16h chiều đến tầm 23h khuya, quán huyết chưng ở số 122 Phạm Văn Hai này lại tấp nập thực khách.

Món huyết chưng độc lạ ở Sài Gòn có gì mà chiều chiều là tấp nập khách? - Ảnh 1.

Món huyết chưng Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Ảnh: Nguyên Thịnh

Có người đến quán để thưởng thức món ăn "ruột" rất thích hợp trong tiết trời mát mẻ buổi chiều, nhưng cũng có người giống như Duyên đã nói - tìm đến đây vì nghe tên món ăn khá độc lạ: huyết chưng.

Đứng trước những thau huyết to sẫm màu nâu bóng, chị Hoa chủ quán không phút nào ngơi tay. Chị dùng vá hớt nhẹ từng mảng huyết lớn cho vào tô, lại nhanh tay thêm vào đủ các thành phần nguyên liệu khác, mỗi thứ một ít, không quên rắc thêm nhiều hành lá xắt nhỏ, rồi chan nước dùng vào ngập tô. 

Chị Hoa vừa chuẩn bị xong, các nhân viên khác đã nhanh tay bưng lấy, dọn lên cho khách.

Món huyết chưng độc lạ ở Sài Gòn có gì mà chiều chiều là tấp nập khách? - Ảnh 3.

Khách ghé ăn huyết chưng Phạm Văn Hai từ 16h chiều đông nghẹt. Ảnh: Nguyên Thịnh

Vốn quê ở Quy Nhơn (Bình Định), nơi có đặc sản bánh hỏi cháo lòng nổi tiếng, chị Hoa thích ăn những món nội tạng heo. Vào Sài Gòn, biết chị có sở thích như thế, bạn của chị - là người Tiều - đã chỉ chị nấu món huyết chưng, cũng có các nguyên liệu lòng heo hấp dẫn. 

Từ sự hướng dẫn đó, chị Hoa học hỏi thêm, rồi tự mình điều chỉnh món ăn, sao cho hợp khẩu vị thực khách Sài Gòn, mới ra thành phẩm là món huyết chưng mà chị bán như hiện nay. "Nếu để nguyên hương vị của người Hoa thì không hợp lắm với số đông nên phải chế biến thêm", chị nói.

Chị cho biết ban đầu việc buôn bán cũng không thật sự thuận lợi, ít được thực khách biết đến, thậm chí có người còn không chịu ăn thử. Nhưng về sau, người này truyền tai người kia, nên giờ quán đông khách, mỗi ngày bán khoảng vài trăm tô, cuối tuần bán được nhiều hơn.

Món huyết chưng nhưng không chỉ có huyết

Một phần huyết chưng Phạm Văn Hai có giá 50.000 đồng. Thành phần chính là huyết, ngoài ra còn có nhiều nguyên liệu hấp dẫn khác như tim, lá mía (lá lách), bong bóng, phèo non, bao tử, lưỡi, cuống họng, óc heo…

Theo chị Hoa, để có huyết chưng, chị dùng huyết tươi đánh lên, chưng (hấp) cách thủy trong hơn 4 tiếng đồng hồ, mới cho thành phẩm mềm mịn như tàu hũ nóng, ăn như tan ngay ra, đem lại cảm giác mướt miệng thú vị. 

"Công đoạn đánh huyết rất là cực, phải làm cả ngày mới có mấy thau huyết để bán", chị Hoa nói. Song, chị cũng cho biết thêm, phải chưng huyết mới ngon, vì huyết luộc dễ bị cứng.

Món huyết chưng độc lạ ở Sài Gòn có gì mà chiều chiều là tấp nập khách? - Ảnh 4.

Cận cảnh tô huyết chưng Phạm Văn Hai ăn kèm bánh mì. Ảnh: Nguyên Thịnh

Ngoài ra, các món nội tạng heo cũng phải làm thật kỹ cho sạch sẽ, nên mất nhiều thời gian. Tất cả sau khi nấu chín được xắt miếng vừa ăn, đều tăm tắp, để riêng trong từng thau nhỏ. 

Đặc biệt, với những ai thích ăn óc heo, đây cũng là địa chỉ đáng để thưởng thức. Óc heo được sơ chế sạch, không tanh, khi ăn béo ngậy. 

Tô huyết chưng được chan ngập nước dùng nóng hổi, vị ngọt đậm đà, có rắc thêm hành lá xắt nhỏ, gừng xắt sợi, tiêu xay, húp một ít nước dùng là cảm thấy ấm bụng. 

Phục vụ kèm tô huyết chưng là bánh mì, khi ăn thực khách xé nhỏ, chấm vào nước dùng. Một số người cho rằng bánh mì ăn với món này không hợp lắm, nên họ chỉ thích thưởng thức huyết chưng thôi. 

Ngoài ra, ăn cùng các loại đồ lòng còn có thêm dĩa rau húng quế, ngò gai rất hợp vị. Nếu muốn đậm đà hơn, thực khách sẽ chấm lòng heo với nước mắm mặn, có pha thêm chanh, ớt tùy thích, chứ không như ăn kiểu Bắc - thường chấm với mắm tôm, pha thêm đường, tắc. 

Ở Sài Gòn, chính những cách chế biến món ăn độc lạ, thêm thắt tùy theo sáng tạo của người nấu là lý do khiến nhiều địa chỉ ẩm thực thu hút đông thực khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem