Thứ sáu, 29/03/2024

Mở cửa kinh tế TP.HCM: Chìa khoá vaccine Covid-19 và quy định "3 tại chỗ"

08/09/2021 5:00 PM (GMT+7)

Theo các chuyên gia kinh tế, hai tiền đề quan trọng để mở cửa kinh tế TP.HCM là phải phủ sóng vaccine Covid-19 nhanh cho doanh nghiệp (DN) và nới lỏng các quy định “3 tại chỗ”…

Trong đó, tiêu chí quan trọng hàng đầu là tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 2. Hiện tại, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người dân TP.HCM đã đạt hơn 82% nhưng tỷ lệ tiêm mũi 2 lại rất thấp, chỉ khoảng 3,7%. Để đạt bao phủ 70% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi, với năng lực tiêm 100.000 mũi/ngày như hiện nay, thành phố sẽ mất khoảng 50 ngày với điều kiện luôn có đủ nguồn vaccine.

Theo lộ trình tiêm vaccine 4 giai đoạn mới đây mà lãnh đạo thành phố đưa ra, đến ngày 15/10, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine của TP.HCM sẽ đạt 80% và đến ngày 31/12 đạt 100%. Đây là kịch bản lý tưởng. Như vậy, trong khoảng 2 tháng nữa, TP.HCM sẽ đáp ứng tiêu chí đầu tiên để có thể mở cửa.


“Mở cửa” kinh tế TP.HCM:  Hai “gọng kìm” để mở khóa cho TP.HCM  - Ảnh 1.

Chiến lược phủ vaccine Covid-19 vẫn là mắt xích quan trọng nhất để TP.HCM mở cửa kinh tế - Ảnh: Quốc Hải

Vaccine Covid-19 vẫn là trọng yếu nhất

TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên nhóm nghiên cứu đề xuất mở cửa lại thành phố, cho biết, điều kiện đầu tiên và bắt buộc để mở cửa trở lại là phải phủ 100% vaccine Covid-19 mũi 1 cho người dân TP.HCM trên 18 tuổi.

Hiện, TP đang nghiên cứu xây dựng một hệ thống quản lý và giám sát điện tử cho toàn bộ DN và người dân TP.HCM. Khi đó, thông qua giải pháp công nghệ, mỗi DN sẽ chủ động nắm được hồ sơ y tế toàn bộ nhân viên của mình.

Thành phố cũng nắm được thông tin của các DN, dễ dàng kiểm tra ở bất cứ đâu và thời điểm nào. Các phần mềm khai báo y tế cũng được thống nhất tạo ra sự thuận tiện cho người dân.

"DN khi đi vào hoạt động sẽ đi kèm với các điều kiện về giãn cách, quy định 5K của Bộ Y tế. Khi đó, thay vì sản xuất "3 tại chỗ", DN được chủ động xây dựng phương án sản xuất của mình sao cho chủ động và phù hợp, có sự giám sát của thành phố", ông Ngân chia sẻ.


“Mở cửa” kinh tế TP.HCM:  Hai “gọng kìm” để mở khóa cho TP.HCM  - Ảnh 2.

Các DN mong được nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện trong vận chuyển để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh: Quốc Hải

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) TP.HCM cũng bày tỏ, để DN có thể sản xuất kinh doanh an toàn thì người lao động phải an toàn, mà muốn như vậy thì phải phủ sóng vaccine nhanh cho DN, đồng thời nhanh chóng lập bản đồ các vùng xanh, vàng, cam, đỏ để các địa phương có thể kiểm soát theo kế hoạch 2715 của TP.HCM và thực hiện "4 xanh".

"Sau ngày 15/9, TP nên trao quyền chủ động cho DN tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn, áp dụng phương pháp "hậu kiểm" thay vì "tiền kiểm" để các DN tự chủ trong các phương pháp phòng, chống dịch thì sẽ đạt được kết quả cao hơn" - ông Thi kiến nghị.


Ngoài việc phủ vaccine, theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đánh giá việc các DN có thể hoạt động sản xuất trở lại sau ngày 15/9 hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết định và các phương án phòng chống dịch Covid-19 thời gian sắp tới của TP.HCM. Trong đó, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh động lực lớn nhất để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trở lại là phải nới lỏng các quy định "3 tại chỗ"

"Nếu sau 15/9, phương án "3 tại chỗ" không được nới lỏng tỷ lệ DN đóng cửa chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao", Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng thẳng thắn.

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM lên 23% để phục hồi kinh tế (!?)

Trước những khó khăn để phục hồi kinh tế cho "đầu tàu" TP.HCM, các chuyên gia của Trường ĐH Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng (Đại học Quốc gia TP.HCM) trong công bố nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4", đã kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM lên 23% để phục hồi kinh tế.

Cụ thể, theo các chuyên gia này, vai trò và vị trí của nền kinh tế TP.HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước là rất quan trọng. Do đó, từ năm ngân sách 2022, kiến nghị Trung ương cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM từ 18% lên 23% và cho phép nâng trần nợ công của TP.HCM để có thể phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, giúp thành phố có đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, giải pháp phát hành trái phiếu Chính phủ trong điều kiện lãi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp và chuyển giao nguồn vốn này cho TP.HCM sử dụng với trách nhiệm trả lãi vay là có tính khả thi và đem lại hiệu quả đầu tư.

Song song với chính sách từ trung ương, TP.HCM cần thiết phải kiến tạo động lực thông qua gói hỗ trợ tái tạo việc làm với đề xuất hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng cho doanh nghiệp duy trì đạt ngưỡng tỷ lệ lao động; Thiết lập chương trình kích cầu mới trên cơ sở chương trình hỗ trợ lãi suất đã rất thành công từ nhiều năm qua; Nâng cao năng lực hệ thống y tế, chú trọng đến tốc độ chuyển đổi số và gia tăng sự bền vững trong liên kết vùng cùng với các chính sách hỗ trợ mang tính tức thời cho cá nhân, hộ gia đình và DN bị tổn thương nặng trong giai đoạn giãn cách. Quy mô gói hỗ trợ này vào khoảng 22.300 tỷ đồng, tương đương 1,7% GRDP của TP.HCM.

Mở cửa kinh tế TP.HCM: Chìa khoá vaccine Covid-19 và quy định "3 tại chỗ" - Ảnh 4.

Nới lỏng các quy định "3 tại chỗ" cũng là giải pháp cần triển khai để mở cửa kinh tế TP.HCM - Ảnh: Thanh Thuyền

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng thì lại đề xuất quy trình 6 bước "chậm mà chắc", gồm:

(1) Phải nới lỏng từng khu vực của TP, không thể mở cửa một lúc cả TP, đồng thời xác định rõ vùng xanh, đỏ, cam, vàng để nới lỏng vùng xanh và giãn cách nghiêm vùng đỏ;

(2) Cho người dân được phép di chuyển, buôn bán trở lại với những điều kiện kèm theo, tuyệt đối không được hoạt động ồ ạt cùng lúc;

(3) Cho phép phương tiện công cộng hoạt động một cách chọn lọc;

(4) Phân loại DN, những DN nào bảo đảm an toàn, an ninh cho người lao động thì ưu tiên cho họ mở cửa một phần, sau đó từ từ mở hết. Những DN đang thực hiện tốt 3T nên tiếp tục duy trì một thời gian;

(5) Xem xét mức độ đóng góp cho nền kinh tế của các DN hoạt động trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, lĩnh vực nào quan trọng nhất để mở của trước và lĩnh vực nào mở cửa dần dần, tuyệt đối không mở cửa đại trà; (6) Xem xét mở cửa các ngành quan trọng và thiết yếu như ngân hàng, công ty tài chính và các dịch vụ vận chuyển, các ngành liên quan đến nông nghiệp, xuất nhập khẩu...

Lộ trình thực hiện các bước này được kiến nghị như sau: Từ nay đến 15/9, tăng cường xét nghiệm, kiểm soát chặt chẽ mức lây nhiễm và so sánh số ca tử vong tăng hay giảm... để làm tiền đề cho việc mở cửa. Sau 15/9 đến 1/10: Tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh và xem xét để quyết định có thể nới lỏng giãn cách hay không. Và từ sau 1/10: bắt đầu mở cửa dần dần mọi hoạt động.

"Giai đoạn này, cần phải đẩy mạnh các chính sách bơm tiền để hỗ trợ cho các DN, hỗ trợ an sinh cho người dân, không nên sợ lạm phát. Tôi đã nhiều lần đề xuất tất cả các ngân hàng nên tham gia vào chương trình "Tổ hợp tín dụng" để hỗ trợ người dân và DN, tổ hợp này phải có hạn mức lên tới 100 nghìn tỷ cho TP.HCM", ông Hiếu đề xuất.

Theo ông Hiếu, tổ hợp này sẽ hỗ trợ các DN, đặc biệt các DN đang khó khăn vì dịch bệnh với lãi suất rất thấp và cho vay theo hình thức tín chấp. Chỉ có cách này mới giúp các DN vực dậy sau khó khăn lúc này…


DN không nên chỉ trông chờ vào hỗ trợ

Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn là điều không phải bàn cãi. Nhưng cũng phải đối diện một thực tế là Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính cho toàn bộ hay để cứu các DN. Từ góc độ thị trường, DN cũng không nên yêu cầu và chỉ trông chờ vào hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. Với tinh thần doanh nhân là dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ vào sự hỗ trợ tài chính hay giải cứu DN có thể tìm ra giải pháp đúng nhất cho hoàn cảnh của mình.

Khi không thể hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng các nguồn lực tài chính, sự hỗ trợ của Nhà nước có thể bằng các biện pháp hỗ trợ phù hợp như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hoặc sử dụng ngân sách bù đắp một phần chi phí tiền điện, đóng thay một phần chi phí BHXH cho người lao động.

Bên cạnh đó cần kiên quyết loại bỏ các quy định phòng chống dịch bất hợp lý khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, hay nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành cũng là các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho DN.

Cuối cùng, cách hỗ trợ tốt nhất là tìm kiếm và triển khai bất kỳ các giải pháp, chính sách để trả lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của DN.

NCS kinh tế - luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.