Loạn các sản phẩm "ăn theo" hậu Covid-19 (bài 1): "Mê trận" các loại thuốc bổ phổi, thanh lọc phổi

Bạch Dương Thứ tư, ngày 20/04/2022 13:19 PM (GMT+7)
Lo lắng các vấn đề hậu Covid-19, nhiều người đã tự lên mạng tìm mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo bổ phổi, thanh lọc, thải độc phổi về uống. Lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng, thị trường thực phẩm chức năng "bổ phổi", "thanh lọc", "thải độc phổi" bùng nổ với quảng cáo như "thuốc tiên" khiến nhiều người lạc vào mê trận.
Bình luận 0
Loạn các sản phẩm "ăn theo" hậu Covid-19: "Mê trận" các loại thuốc bổ phổi, thanh lọc phổi (bài 1) - Ảnh 1.

Các loại thuốc bổ phổi, lọc phổi hậu Covid-19 được rao bán tràn lan. Ảnh: P.V

Rao bán thuốc bổ hậu Covid-19 ngập tràn mạng xã hội

Không khó để tìm mua các loại thực phẩm chức năng này, chỉ cần gõ từ khóa "thuốc bổ phổi" trên Facebook hay Google, người dân có thể tìm thấy rất nhiều loại từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc... Hầu hết chúng được quảng cáo dành cho người muốn hồi phục, giải độc phổi sau khi khỏi Covid-19.

Chị Nguyễn Thị T. (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, sau khi khỏi Covid-19, chị vẫn còn triệu chứng ho và khó thở. Lo lắng bị tổn thương phổi nên chị đã lên mạng mua thuốc bổ phổi về cho cả gia đình sử dụng mà không qua tham vấn ý kiến bác sĩ. "Tôi tìm mua sản phẩm trên mạng chứ không phải mua trực tiếp, giá gần 1,3 triệu đồng. Bao bì toàn tiếng Nhật, tôi không biết sử dụng nên phải uống theo hướng dẫn của người bán", chị T. chia sẻ.

Loại thuốc bổ phổi xuất xứ Nhật Bản này được người bán giới thiệu rầm rộ như chiết xuất từ 16 loại thảo dược có công dụng long đờm, bổ phổ, hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp cấp mãn tính, tăng cường cho những người phổi yếu và suy nhược, loại bỏ cặn bẩn niêm mạc phổi và giúp phế quản thông sạch hít thở dễ dàng hơn. Sản phẩm này được giới thiệu dùng cho người trên 15 tuổi, ngày uống 10 viên/2 lần.

Nhà chị T. có 4 người đều đã từng là F0, có người phải nhập viện nên từ đó chị dự trữ rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo phòng, hỗ trợ Covid-19 như tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch, thải virus, bổ phổi… "4 người nhà tôi lần lượt là F0, mỗi người uống 6-7 loại thuốc, thực phẩm chức năng một ngày. Sau khi âm tính lại uống thêm bổ phổi cho yên tâm", chị T. cho biết.

Anh N.V.L có tiền sử viêm xoang, sau Covid-19 đã dùng nhiều loại thuốc ho, thuốc ngậm, xịt họng, súc họng nước muối và bổ phế nhưng vẫn đau rát họng, ho nhiều. Anh lo triệu chứng kéo dài này để lâu sẽ ảnh hưởng tới phổi nên muốn uống thuốc hỗ trợ chức năng phổi hoặc thực phẩm chức năng để ít tác dụng phụ.

Anh được người quen giới thiệu viên uống bổ phổi của Australia, tác dụng long đờm, giảm ho, "bảo vệ phổi một cách tối đa và giúp thở dễ dàng hơn". Người bán cho biết thuốc còn giúp loại bỏ các loại khí độc như bụi, khói hay hóa chất từ môi trường, chất độc trong thuốc lá; tăng khả năng kháng khuẩn cho phổi tối đa; khôi phục lại những tế bào bị tổn thương của phổi... Thuốc giá gần 700.000 đồng một lọ. Anh cũng được tư vấn thêm thuốc lọc phổi của Nhật, giá khoảng một triệu đồng một lọ; hoặc thuốc của Nga, Mỹ, giá tương tự.

Nhiều loại thuốc khác của Hàn Quốc, Úc, Nga… cũng được rao bán tràn lan, giá tiền dao động từ 400.000 – 500.000 đồng đến vài triệu đồng. Hầu hết các người bán đều có lời doạ nạt đánh thẳng vào tâm lý người bệnh như "bị nhiễm bệnh không đáng sợ bằng hậu Covid-19", "Hậu Covid đáng sợ lắm, có người không biểu hiện gì nhưng khi đi chụp lại phổi thì trắng xoá, lốm đốm, rỗ hết phổi"… để từ đó tung hô sản phẩm như thuốc tiên: Bổ phổi, thải độc phổi, chữa xơ phổi, xẹp phổi, giãn phế quản, liệu trình có một không hai giúp tăng cường hệ miễn dịch…

Không có thuốc tên "bổ phổi", "lọc phổi"

Chị B.N. (32 tuổi ở TP.HCM), được nhân viên một trung tâm chăm sóc sức khỏe tư vấn liệu trình thải độc hậu Covid-19 với cam kết "không tác dụng phụ, khỏi hoàn toàn di chứng".

Loạn các sản phẩm "ăn theo" hậu Covid-19: "Mê trận" các loại thuốc bổ phổi, thanh lọc phổi (bài 1) - Ảnh 3.

Không khó khi tìm các sản phẩm chữa hậu Covid-19 trên mạng xã hội. Ảnh: P.V

Người này tự giới thiệu là trợ lý bác sĩ, giải thích với chị N. rằng hầu như ai cũng bị tổn thương phổi sau khỏi Covid. Khi phổi tổn thương, việc cung cấp oxy cho cơ bắp, não bộ kém đi nên người hay mệt, khó thở, đau đầu, mất ngủ. Do đó, "phương pháp của họ là tập trung thanh lọc phổi để hệ hô hấp trở về trạng thái bình thường, cơ thể khỏe mạnh sẽ giải quyết được các vấn đề hậu Covid-19".

Theo tư vấn, người bệnh cần xét nghiệm máu để xem đang thiếu chất gì, bác sĩ sẽ lên liệu trình truyền nhóm vi chất gồm vitamin, khoáng chất phù hợp với mỗi người. Giá của một lần truyền là 3,6 triệu đồng, bao gồm phí khám ban đầu. 

Nhân viên này cũng cho biết trong liệu trình truyền có chất chống oxy hóa nhằm thải hết những độc tố tích tụ trong phổi, gan, tim, thận ra ngoài. Tổ hợp vi chất này được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch tay, giống như truyền nước biển, mỗi lần truyền kéo dài một giờ. Chị N. kể người này cam kết "truyền xong một liều sẽ thấy khỏe, tràn đầy năng lượng ngay".

Các bác sĩ cho rằng nhiều người lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng di chứng hậu Covid để bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, khẳng định "không có chuyện hậu Covid-19 phổi bị độc, không có thuốc thanh lọc thải độc phổi, cũng không có thuốc chuyên biệt cho hậu Covid-19". 

Về mặt y khoa, bác sĩ chỉ định lọc, rửa phổi trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý bụi phổi do làm việc trong môi trường quá nhiều bụi như than, kim loại. Kỹ thuật này phải được thực hiện tại bệnh viện và được cơ quan chức năng cấp phép, cách thức là bác sĩ đưa dụng cụ chuyên dụng vào phổi bệnh nhân để sục rửa.

"Lọc phổi bằng thuốc là điều không thể", bác sĩ Khanh nói và cho rằng các loại thuốc, thực phẩm giải độc đang được rao bán tràn lan trên mạng thực chất là thuốc bổ phế, bài thuốc đông y hỗ trợ điều trị bệnh hô hấp, hoặc vitamin và khoáng chất... Các loại thuốc này chỉ có thể giúp cải thiện một phần, giúp phổi khỏe hơn, ông Khanh nói thêm. Bộ Y tế đến nay chưa có khuyến cáo về việc dùng thuốc ở bệnh nhân hậu Covid. Phác đồ điều trị cũng đang được nghiên cứu.

Bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 cũng khẳng định, hoàn toàn không có thuốc thải độc phổi hậu Covid-19. "Nhiều người còn cho rằng uống thuốc vào để thải xác virus ra. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm", bác sĩ Ân nói.

Loạn các sản phẩm "ăn theo" hậu Covid-19: "Mê trận" các loại thuốc bổ phổi, thanh lọc phổi (bài 1) - Ảnh 4.

Một bài quảng cáo thuốc trị hậu Covid-19 trên facebook. Ảnh: P.V

Thực tế, trong khoảng 5 ngày đầu mắc Covid-19, người bệnh uống thuốc kháng virus để ngăn sự nhân lên của virus và đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Sau thời gian này, cơ thể đã sản sinh kháng thể đẩy tất cả virus ra ngoài. Những F0 đã khỏi bệnh (test nhanh hoặc PCR âm tính) có nghĩa là cơ thể không còn sự hiện diện của SARS-Cov-2.

Theo bác sĩ Ân, Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận nhiều "cựu F0" tự uống thuốc không rõ nguồn gốc dẫn đến suy thận cấp, tổn thương gan. Ông lo ngại, thuốc trôi nổi sẽ khiến người dân mua thêm bệnh tật vào người, thậm chí đánh đổi tính mạng nếu ngộ độc thuốc mức độ nặng.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu sau ít nhất 4 tuần khỏi Covid-19, người bệnh vẫn còn các triệu chứng ho, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc... có thể đến khám tại các bệnh viện có khoa hậu Covid-19 hoặc chuyên khoa tương ứng với triệu chứng. "Quan trọng hơn, sau khi nhiễm Covid-19, người bệnh cần tăng cường đề kháng bằng ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ, không dùng rượu bia và đồ uống có cồn", bác sĩ Ân nói thêm.

Bài 2: Nguy hiểm từ việc đua nhau truyền vi chất, uống thuốc Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem