Lo tăng giá nhiều mặt hàng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 19/11/2021 10:15 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho rằng khó giữ được mặt bằng giá cũ trong giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

Giá tăng: "Bán khó bán mua khó mua"

Chị Ngọc Bích - tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) mở sạp trở lại được hơn 1 tháng nay. Ngoài vắng khách, điều khiến chị đau đầu nhất chính là giá nhiều loại bánh kẹo đều tăng, ít thì khoảng 10%, nhiều lên đến 20-30%.

Dù nhiều chợ đã mở, đi lại thuận tiện hơn nhưng chị cho biết đầu mối cung cấp thông báo không phải lúc nào cũng sẵn hàng, do hiện việc sản xuất chưa trơn tru như trước, do thiếu hụt công nhân, nguyên liệu.

"Đó cũng là lý do họ báo tăng giá. Thấy tăng 10-20% thì ít đó nhưng hầu như cái gì cũng tăng. Tiểu thương mấy sạp tạp hóa, thực phẩm dưới chợ cũng đang khóc ròng luôn. Mỗi thứ tăng một ít, đi chợ mà cái gì cũng tăng thì tôi khó bán, người dân cũng khó mua", chị Bích nói.


Lo giá nhiều mặt hàng tăng cuối năm và Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Giá rau xanh tại nhiều chợ cũng đều tăng trở lại. Ảnh: Hồng Phúc.

Giá rau xanh tại nhiều chợ cũng đều tăng trở lại. Cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thảo… tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg, trên dưới 30.000 đồng/kg; rau xà lách 45.000-50.000 đồng/kg; bông cải, súp lơ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Cà chua, khổ qua nhảy vọt lên lại từ 30.000-35.000 đồng/kg.

Nhiều loại hàng thiết yếu khác như dầu ăn, đường, bột ngọt tại các tiệm tạp hóa và một số siêu thị, cửa hàng cũng nhích giá. Mỗi loại như vậy tăng từ 5.000 - 7.000 đồng mỗi kg hoặc lít. Có loại tăng sốc đến 10.000 đồng. 

Với dầu ăn, chai 1 lít Neptune có giá khoảng 52.000 đồng, dầu ăn Happy Koki 40.000 đồng, dầu ăn Simply 56.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 47.000 đồng, cá biệt, có nơi bán dầu ăn Tường An 1 lít hơn 50.000 đồng.

Các doanh nghiệp sản xuất lớn, chuyên về các mặt hàng trứng, hàng tươi sống và chế biến như Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt cũng cho biết giá một số nguyên liệu đầu vào đang tăng từ 10-30%.

Lo giá hàng Tết tăng

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết giá  xăng dầu tăng, nguồn nguyên liệu trong nước cũng đã tăng trên 10%. Vì vậy, các sản phẩm của ngành chế biến lương thực thực phẩm với nhóm hàng thiết yếu tới đây có thể không còn giữ được mức giá như hiện nay.

Theo bà Chi, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ tùy nhu cầu và sức mua của thị trường để có hướng đề xuất phù hợp, khó có thể giữ được mặt bằng giá cũ.


Lo giá nhiều mặt hàng tăng cuối năm và Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Lo giá hàng Tết Nguyên đán 2022 tăng. Ảnh: Hồng Phúc.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng đã có mặt bằng giá mới gần đây, theo hướng tăng từ 10-30%, là do sự biến động giá cả trên toàn thế giới, chi phí phòng chống dịch, chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp tăng cao.

Hai mặt hàng gần như mang tính quyết định về giá cả hàng hóa và sản xuất là giá xăng thời gian qua đã tăng vọt. Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất ngày 10/11, mỗi lít xăng RON95 đã tăng 658 đồng, lên gần 25.000 đồng mỗi lít. Kể từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng đã tăng 5 lần liên tiếp.

Giá gas cũng tăng vọt. Đầu tháng 11, mỗi bình gas 12kg mà các gia đình thường sử dụng chính thức có giá hơn nửa triệu đồng. Trong năm nay, giá gas tăng tổng cộng 9 lần, tổng mức tăng hơn 150.000 đồng mỗi bình 12kg. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, để đảm bảo bình ổn giá trong giai đoạn tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại. Sở cũng đang thực hiện một số chương trình như kích cầu mua sắm, đẩy mạnh khuyến mãi; tăng cường kết nối hàng hóa với các tỉnh, thành.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, Sở sẽ kiến nghị Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để kéo mặt bằng giá cả trở lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem