Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích sâu về thực trạng sản xuất thanh long trên địa bàn Bình Thuận; tiềm năng, thách thức và cơ hội cho quả thanh long Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay; các yêu cầu kỹ thuật canh tác, chất lượng sản phẩm, các yếu tố cần thiết trong thương mại… cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng phát triển bền vững trái thanh long.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả chủ lực và là một trong 9 loại cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới, trong đó, Bình Thuận là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất nước.
Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có gần 33 nghìn ha với sản lượng sản lượng thu hoạch thanh long khoảng 600 nghìn tấn/năm; 246 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói và chế biến thanh long.
![]() |
Tỉnh Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất nước. Ảnh: TL |
Trong những năm qua, cây thanh long của tỉnh Bình Thuận đã không ngừng tăng nhanh, cả diện tích và sản lượng. Sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao thu nhập rất lớn cho nông dân ở các vùng trồng thanh long. Tuy nhiên, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo… Do đặc thù là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên khâu tiêu thụ thanh long hiện vẫn là khâu yếu nhất.
Hiện nay sản lượng thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Đặc biệt, đầu năm 2020, dịch bệnh Covid- 19 đã khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng. Các cửa khẩu ngừng thông quan để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng, thanh long rớt giá kéo theo tình hình sản xuất bị ảnh hưởng...
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo, triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân, trong đó khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất, xây dựng mùa vụ phù hợp tình hình thực tế, tạm ngừng chong đèn… đồng thời tập trung chăm sóc, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch. Song song đó, ngành nông nghiệp kêu gọi người dân đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, để phục vụ nội địa và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới.
“Để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ thanh long, giúp người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thanh long Bình Thuận vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất trước tác động của dịch bệnh Covid-19 cần làm tốt hơn nữa khâu kết nối - liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, ngoài kêu gọi người dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng sạch, an toàn thì việc nắm bắt và phân tích thị trường thanh long giữ vai trò quan trọng, từ đó mới có thể định hướng cho người dân sản xuất theo nhu cầu khách hàng”, ông Tấn nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp phát triển thanh long trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho rằng, các địa phương cần quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch vùng trồng thanh long và tổ chức công bố công khai diện tích điều chỉnh Quy hoạch vùng trồng thanh long tập trung đến người dân để biết và thực hiện theo đúng quy hoạch.
Cùng với các biện pháp quản lý thị trường, nhất là với các đối tượng mua bán trung gian (thương lái) để thiết lập lại trật tự trong mua bán thanh long, các đơn vị, địa phương nên khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư kho bảo quản dự trữ thanh long và từng cơ sở kinh doanh nhằm điều tiết sản lượng thanh long cung cấp ra thị trường, đặc biệt là đầu tư chế biến quy mô công nghiệp nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thanh long.
Theo ông Trí, việc đẩy mạnh sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GAP; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; phát triển chuỗi giá trị cung ứng thanh long xuất khẩu… cũng là những giải pháp nhằm nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của thanh long Bình Thuận.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nông dân cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú ý điều tiết mùa vụ sản xuất và sản lượng thu hoạch theo đơn hàng của doanh nghiệp và phải theo dõi, bám sát nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, người trồng cần tham gia các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất thanh long… để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Tại hội thảo, 6 đơn vị đã tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, thương thảo ghi nhớ gồm Hợp tác xã Thuận Tiến với Công ty cổ phần Garden Sunrise; Hợp tác xã Hòa Lệ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ant Farm; Hợp tác xã Thuận Hòa với Công ty Nafoods Group.
Theo TTXVN
Gửi bình luận