![]() |
Học sinh Nguyệt Linh và thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang tại lễ khai giảng. Ảnh: Đức Hiệp |
Không có những quả bóng bay nhiều màu sắc sặc sỡ được sử dụng để trang trí hay thả lên bầu trời như thường thấy mọi năm, trong lễ khai giảng diễn ra lúc 8h30 sáng ngày 5/9 tại trường Marie Curie (Hà Nội) hôm nay chỉ có những lá cờ Tổ quốc và những bông hoa tươi thắm rạng rỡ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thế Giới Tiếp Thị, sự thay đổi lớn này bắt nguồn và được chuẩn bị từ cách đây hơn 1 tháng, khi Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh của trường Marie Curie có hành động bất ngờ, gây chú ý trong ngành giáo dục khi mạnh dạn viết email gửi tới hiệu trưởng của 40 trường học ở Hà Nội, kêu gọi các trường ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020.
![]() |
Lễ khai giảng không thả bóng bay như mọi năm. Ảnh: Đức Hiệp |
Trong bức thư, Nguyệt Linh viết: “Con được biết là hàng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời… Nhưng khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác sẽ bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển”.
Thả bóng bay lên trời, bay cao ước mơ của học sinh, nhưng lại giết chết ước mơ của chim và rùa biển. Ghi nhận thông điệp đầy ý nghĩa đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gửi thư khen ngợi hành động thiết thực của Nguyễn Nguyệt Linh về ý thức bảo vệ môi trường.
![]() |
Học sinh trường Marie Curie (Hà Nội) cầm trên tay cờ Tổ quốc tươi thắm. Ảnh: Đức Hiệp. |
Hưởng ứng lời kêu gọi và thông điệp của Nguyễn Nguyệt Linh, trong ngày khai giảng năm học 2019-2020, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã chỉ đạo tổ chức lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, trong đó lưu ý không thả bóng bay và vật liệu gây hại cho môi trường.
Ngay tại ngôi trường Nguyệt Linh theo học, trường Marie Curie (Hà Nội) quyết định hưởng ứng và đặt tên cho lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 là “Lễ khai giảng không bóng bay mang tên Nguyệt Linh” để ghi nhận nguyện vọng đầy ý nghĩa của cô bé học sinh lớp 6 này.
Tại lễ khai giảng, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie cho hay khi nhận được lá thư bày tỏ nguyện vọng không thả bóng bay trong ngày khai giảng của Nguyệt Linh, thầy đã vô cùng xúc động.
“Sâu xa hơn đó là ý nghĩa bảo vệ môi trường sống, nói không với rác thải nhựa”, thầy Nguyễn Xuân Khang nói.
Cũng tại lễ khai giảng, trường Marie Curie đã phát động năm học mới vì môi trường, không sử dụng rác thải nhựa, túi nilon trong một số hoạt động...
Như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ gây hại do rác thải khó tiêu hủy như nhựa gây ra. Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với mỗi năm.
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) mới đây thống kê mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn nhựa được thải ra. Nếu không có hành động thiết thực, ý thức bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất, môi trường sống sẽ bị đe dọa.
Gửi bình luận