Lần đầu tiên TP.HCM có "bộ dữ liệu sống" về sức khỏe của người dân

Bạch Dương Thứ năm, ngày 17/08/2023 16:30 PM (GMT+7)
Để dự đoán dịch và khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh, ngày 17/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã đưa vào hoạt động ngân hàng huyết thanh với quy mô lưu trữ khoảng 450.000 mẫu.
Bình luận 0
Lần đầu tiên TP.HCM có ngân hàng huyết thanh  - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP kiểm tra Ngân hàng huyết thanh ngày 17/8. Ảnh: T.N

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC cho biết ngân hàng huyết thanh là đơn vị tổ chức thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để xét nghiệm, phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm.

Bốn mục tiêu chính của ngân hàng huyết thanh là dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng, đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp, khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.

Theo bác sĩ Tâm, các mẫu huyết thanh như "bộ dữ liệu sống" về sức khỏe của người dân TP.HCM với rất nhiều thông tin như mầm bệnh tiềm ẩn, kháng thể của các bệnh đã mắc, thậm chí cơ thể có hóa chất hay dấu ấn của phương pháp điều trị nào hay không…

Tại HCDC, ngân hàng huyết thanh có sức chứa lưu trữ từ 400.000-450.000 mẫu huyết thanh. Dự kiến, trong giai đoạn 2024-2030, ngân hàng sẽ được đầu tư mở rộng. Ông Tâm khẳng định: "Ngân hàng huyết thanh rất cần thiết đối với vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện việc giám sát dự phòng, kiểm soát bệnh tật và không thể thiếu trong bối cảnh HCDC từng bước nâng cao năng lực, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân TP.HCM và khu vực hiệu quả nhất".

Theo bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, đến nay việc thu thập các mẫu huyết thanh để thực hiện các xét nghiệm phục vụ công tác giám sát bệnh truyền nhiễm không còn xa lạ đối với những người làm công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Nhưng nếu chỉ dừng ở những hệ thống giám sát riêng lẻ cho một số bệnh lưu hành thì huyết thanh học vẫn chưa được sử dụng đúng mức như một công cụ lượng giá gánh nặng bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng, và định hướng cho các quyết định y tế công cộng.

Vì vậy một trong những hoạt động quan trọng phải triển khai sớm của đề án Nâng cao năng lực HCDC đó là xây dựng và đưa vào hoạt động Ngân hàng huyết thanh, nhằm đáp ứng một số nhu cầu của công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm.

Đó là dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng, đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp, khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh...

PGS.TS Lê Văn Tấn, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), cho hay mục đích của việc điều tra huyết thanh là theo dõi mức độ miễn dịch trong cộng đồng đối với một tác nhân gây bệnh. Từ đó, cung cấp dữ liệu khoa học giúp đề ra các chính sách y tế phù hợp, như chính sách tiêm chủng hay ứng phó với dịch bệnh mới nổi.

Thiết lập ngân hàng huyết thanh có tính đại diện cao cho người dân thuộc một vùng lãnh thổ là mấu chốt đảm bảo việc điều tra huyết thanh có độ tin cậy và chính xác cao.

Tại Việt Nam, một số ngân hàng huyết thanh đã được thành lập thông qua chương trình nghiên cứu điều tra dịch tễ của Bộ Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM. Trọng tâm các chương trình giám sát có thể kể đến như HIV, virus Zika, viêm gan siêu vi B và C, cúm A H5N1.

Lần đầu tiên TP.HCM có ngân hàng huyết thanh  - Ảnh 3.

Ngân hàng huyết thanh ra đời nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Ảnh: P.An

Từ năm 2009 đến nay, chương trình nghiên cứu OUCRU hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiến hành xây dựng ngân hàng huyết thanh có tính đại diện cao đối với người dân ở tất cả các độ tuổi khác nhau trên cả nước. Khởi đầu vào năm 2009 với 10 điểm thu mẫu ở các tỉnh phía Nam, với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng như các đối tác trong nước, hiện nay ngân hàng huyết thanh của OUCRU đã mở rộng ra 20 điểm thu mẫu trên cả nước với tần suất thu mẫu mỗi 4 tháng một lần. Các kết quả thu được từ ngân hàng huyết thanh có thể kể đến đó là việc điều tra huyết thanh về bệnh uốn ván, bệnh sởi, chikungunya và gần nhất là dịch bệnh Covid-19.

Nghiên cứu về bệnh sởi cho thấy việc suy giảm miễn dịch cộng đồng lý giải nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh sởi bùng phát ở nước ta vào năm 2014. Gần nhất là trong chương trình hợp tác giữa HCDC - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và OUCRU, một điều tra huyết thanh cắt ngang cho thấy vào tháng 9 năm 2022 hơn 98% người dân thành phố có kháng thể phòng ngừa Covid-19.

Thực tiễn cho thấy thiết lập một ngân hàng huyết thanh có tính đại diện cao cho toàn bộ người dân trong một khu vực, một thành phố là cần thiết cho phép khảo sát tình trạng miễn dịch cộng đồng với với các tác nhân gây bệnh, góp phần cung cấp những dữ liệu khoa học nhằm đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng, đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp, dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem