Lãi suất giảm, vì sao doanh nghiệp vẫn “toát mồ hôi”?

Quốc Hải - Phương Uyên Thứ sáu, ngày 27/10/2023 11:06 AM (GMT+7)
Trong khi lãi suất huy động được đánh giá đã "tới đáy" thì lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp (DN) ở các lĩnh vực ưu tiên vẫn phải "cắn răng" đi vay lãi cao để có vốn kinh doanh mùa cuối năm.
Bình luận 0
Lãi suất giảm, vì sao doanh nghiệp vẫn “toát mồ hôi” khi vay vốn? - Ảnh 1.

Các DN vẫn "toát mồ hôi" khi muốn vay vốn. Ảnh minh họa: Quốc Hải

DN "luẩn quẩn" trong vòng quay tìm vốn

Ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long (TP.Thủ Đức) cho biết, trước đây ông chỉ vay với lãi suất chỉ từ 6,5 – 7%, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, mức vay đều trên dưới 9%.

"Hiện nay lãi suất vay có giảm thêm một chút nhưng vẫn cách mức cũ từ 1,5%. Qua tìm hiểu ngân hàng tôi mới biết, chỉ giảm lãi suất vay với khách hàng mới, còn những DN đang có dư nợ tín dụng cũ thì vẫn phải chịu lãi suất cao", ông Long nói.

Mới đây, nghe thông tin về thủ tục đảo nợ ngân hàng, tức chuyển khoản vay sang ngân hàng khác để giảm bớt số tiền lãi phải trả, ông Long cũng tìm hiểu nhưng rồi phải thất vọng vì… không dễ ăn.

"Muốn chuyển sang ngân hàng khác có lãi vay thấp hơn thì phải có tiền trả nợ cho ngân hàng cũ để lấy lại tài sản thế chấp, chịu phí phạt trả nợ trước hạn… Sau đó phải làm lại như hồ sơ vay từ đầu mà còn phức tạp hơn khi chờ định giá lại tài sản đảm bảo; nhưng khi làm xong, chỉ được vài tháng sau, ngân hàng mới lại điều chỉnh lãi suất lên, lại huế vốn", ông Long nói.

Theo chia sẻ của các DN, việc khó tiếp cận vốn ngân hàng là vì quy định đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, đối với DN vừa và nhỏ có tài sản cố định đã được đưa vào thế chấp vay vốn trước đó, hoặc DN thuê nhà xưởng không thể có tài sản thế chấp. Vì vậy, chỉ còn hình thức tín chấp mới có thể giải quyết nhu cầu vốn. Tuy nhiên, muốn vay tín chấp cũng phải có phương án kinh doanh tốt và dòng tiền khả thi trong tương lai cùng với đó là các cam kết khác mới có thể vay được.

Hơn 3 tháng qua, bà Trần Thị Thảo Nguyên, đại diện Công ty TNHH Nguyên Thảo (huyện Củ Chi) chật vật tìm đủ phương án  huy động vốn để nhập máy móc, nguyên liệu để chuẩn bị cho ra mắt dòng sản phẩm mới về thực phầm vào dịp Tết 2024.

"Chúng tôi cần vốn khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư vào dòng sản phẩm mới này. Tuy nhiên hiện nay, dây chuyền sản xuất này mới có được 3-4 tỷ đồng nhưng DN không còn tài sản nào để thế chấp ngân hàng", bà Nguyên chia sẻ.

Theo bà Nguyên, từ đầu năm 2023 đến nay, doanh số của công ty sụt giảm tới 15%. Để có nguồn vốn tiếp tục kinh doanh, bà đã đem tài sản duy nhất là ngôi nhà thế chấp ngân hàng và được vay 5 tỷ đồng với lãi suất vay ở mức 9%/năm.

"Vì rất cần vốn nên chúng tôi chấp nhận lãi suất vay cao. Để được vay, ngoài tài sản đảm bảo, chúng tôi còn bị "ép" mua bảo hiểm với nhiều hình thức khác nhau", bà Nguyên nói và thông tin thêm rằng, trong bối cảnh hiện nay, để có tiền, điều kiện nào có thể đáp ứng, DN đều cố gắng chấp nhận.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất vay như giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19 để DN có thêm vốn đầu tư, vượt qua khó khăn", bà Nguyên bày tỏ.

Lãi suất giảm, vì sao doanh nghiệp vẫn “toát mồ hôi” khi vay vốn? - Ảnh 3.

Kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng thắt chặt thêm chi tiêu, các DN vì thế cũng gặp khó trong bán hàng. Ảnh minh họa: Quốc Hải

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More cũng cho biết, các DN hầu như không tiếp cận được vốn vay vì mức vay từ 8 – 9% vẫn còn quá cao.

"Nhà nước đưa ra chính sách giảm lãi suất vay nhưng chỉ giảm hơn so với thời kỳ thịnh vượng. Trong khi lúc này là thời kỳ "đau ốm", khó khăn nhất của DN khi cầu suy giảm. Tôi cho rằng, Nhà nước có thể đề xuất giảm hẳn lãi vay xuống còn 6%, với thời gian từ 2 - 3 năm để hỗ trợ DN dài hơi. Lúc này DN gần như không có đơn hàng, không có đầu ra, rất cần được nhà nước, ngân hàng hỗ trợ nhiều hơn", ông Luận nêu ý kiến.

Lãi suất giảm, vì sao doanh nghiệp vẫn “toát mồ hôi” khi vay vốn? - Ảnh 4.

Mức lãi suất neo ở 8-9% vẫn khiến nhiều DN nhỏ và vừa e dè. Ảnh: Q.A

"Hiện lãi suất vay ngân hàng hiện nay không gọi là đắt, đang ở mức 8-9%, nhưng cũng không phải là rẻ. Nói thật, nếu thời điểm này lãi suất vay xuống 6%-7% thì DN có thể sẽ vay đầu tư, sản xuất, còn mức lãi vay hiện nay thì 'kẹt' lắm DN mới vay chứ vay mà làm không có lời thì vay làm gì", ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty CP Quốc tế Dony nói.

Khó vay vốn gói kích cầu đầu tư

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, lãi suất cho vay đã giảm, trong đó các khoản tín dụng ngắn hạn, lãi suất vay của DN đang ở mức phổ biến 7,5 - 8,5%/năm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM yêu cầu các ngân hàng cần hỗ trợ DN về giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và gói tín dụng hỗ trợ lãi suất; đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn dịp cuối năm cho DN…

Đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng ở TP.HCM đạt 3,35 triệu tỷ đồng, tăng 0,72% so với tháng 8/2023. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng với tốc độ khá. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức 25 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đã ký kết vay vốn và giải ngân gói tín dụng ưu đãi đạt trên 469.000 tỷ đồng, bằng 103,5% gói tín dụng ưu đãi được các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm.

Lãi suất giảm, vì sao doanh nghiệp vẫn “toát mồ hôi” khi vay vốn? - Ảnh 5.

TP.HCM đang tích cực triển khai các giải pháp kích cầu cuối năm. Ảnh: Q.Hải

"Những tín hiệu tích cực từ các đơn hàng được ký kết tăng, lao động và việc làm cải thiện, nhu cầu lao động tăng, những hoạt động phục vụ Tết cổ truyền đang bắt đầu… có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế", ông Lệnh thông tin thêm.

Trong khi đó, ở góc độ người đi vay vốn, ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long, cho hay trước đây TP.HCM triển khai chương trình kích cầu đầu tư thì DN sẽ thương lượng mức lãi suất với ngân hàng thương mại, TP.HCM chỉ bù lãi suất bằng cách lấy lãi suất tiền gửi của 4 ngân hàng lớn cộng thêm phí quản lý 2%/năm.

Mức lãi suất vay vốn thương mại ở Việt Nam, đặc biệt cho các dự án trung và dài hạn tương đối cao, khoảng 8,5% - 11%/năm tùy ngân hàng và tùy giai đoạn. Nhờ chương trình kích cầu đầu tư, DN được hỗ trợ lãi suất và chỉ còn phải trả lãi suất 1,5 - 2%/năm.

Tuy nhiên, theo ông Long, chương trình kích cầu đầu tư mới đây theo Nghị quyết 98 của TP.HCM buộc DN phải vay vốn từ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC). Điều này sẽ vô cùng khó cho DN bởi muốn vay vốn kích cầu thì phải trả nợ, rút tài sản ở ngân hàng để thế chấp vào HFIC.

"Để chương trình kích cầu phong phú thì HFIC nên cho vay ở dạng cho thuê tài chính, không cần thế chấp thì sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho DN. Còn những DN có tài sản thế chấp thì vẫn để cho vay ở ngân hàng thương mại và được bù lãi suất từ chương trình kích cầu", ông Long đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem