Kinh tế nóng nhất: Giá USD chợ đen tiếp tục tăng, sức ép bất ngờ đẩy giá vàng tụt giảm

Nguyễn Phương (th) Thứ tư, ngày 13/10/2021 21:18 PM (GMT+7)
Kinh tế nóng nhất hôm nay là các thông tin: Giá USD chợ đen tiếp tục tăng, sức ép bất ngờ đẩy giá vàng tụt giảm; Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép bán hàng ăn uống tại chỗ, xe buýt hoạt động trở lại; Kienlongbank thay Tổng giám đốc...
Bình luận 0

Giá USD chợ đen tiếp tục tăng, sức ép bất ngờ đẩy giá vàng tụt giảm

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.181 VND/USD.

Tỷ giá USD chợ đen hôm nay ở mức 23.280 - 23.350 đồng (mua – bán).

Tỷ giá Vietcombank hôm nay niêm yết ở mức: 22.630 đồng - 22.860 đồng (mua - bán), không đổi ở cả hai chiều so với phiên giao dịch trước đó.

Tỷ giá Euro Vietcombank hiện ở mức 25.596 đồng - 26.928 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Yên Nhật hiện ở mức 195 đồng - 205 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Bảng Anh hiện ở mức 30.153 đồng - 31.413 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Nhân dân tệ hôm nay ở mức 3.458 đồng - 3.603 đồng (mua vào - bán ra).

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 94,412.

Kinh tế nóng nhất: Giá USD chợ đen tiếp tục tăng, sức ép bất ngờ đẩy giá vàng tụt giảm - Ảnh 1.

Giá USD và tỷ giá ngoại tệ các đồng tiền trong rổ tiền tệ thế giới (nguồn CNBC)

Giá USD giảm sau khi tăng chạm mức cao nhất trong một năm so với các đồng tiền chính trong rổ tiền tệ. Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ vừa công bố càng khiến các nhà đầu tư lo ngại về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang sẽ giảm bớt kích thích và tăng lãi suất.

Giá USD suy yếu 0,13% xuống còn 113,55 Yên. Giá USD giảm mạnh sau khi tăng vọt đạt đỉnh cao nhất trong 3 năm so với đồng Yên. 

Đồng Euro mặc dù tăng nhẹ 0,18% nhưng vẫn đang "lình xình" quanh vùng đáy thấp nhất trong gần 15 tháng.

Joseph Capurso, chuyên gia phân tích tại Commonwealth Bank of Australia ở Sydney, cho biết: “Chỉ số CPI vừa công bố lập tức tác động đến thị trường tiền tệ. Rủi ro lạm phát tiếp tục ở mức cao và điều đó sẽ mang lại kỳ vọng của thị trường về thời gian và tốc độ Fed tăng lãi suất. Điều này sẽ hỗ trợ đồng đô la Mỹ.  Mặc dù giá USD giảm một chút trong phiên giao dịch hôm nay nhưng tôi nghĩ rằng đồng đô la sẽ tăng giá trong thời gian tới".

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư vẫn là việc Fed có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản vào tháng 11 và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022.

Trong khi đó, giá năng lượng tăng cao đã làm dấy lên lo ngại lạm phát và Fed có thể cần phải hành động nhanh hơn dự đoán.

Ray Attrill, Trưởng bộ phận phân tích ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Úc cho biết: "CPI là yếu tố kinh tế chính tác động tới thị trường hôm nay, điều này làm tăng kỳ vọng Fed sớm tăng lãi suất". 

Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed nói rằng áp lực lạm phát chỉ là nhất thời.

Kinh tế nóng nhất: Giá USD chợ đen tiếp tục tăng, sức ép bất ngờ đẩy giá vàng tụt giảm - Ảnh 2.

Đồ thị giá vàng thế giới hôm nay. Ảnh Kitco

Giá vàng chịu áp lực giảm khi đồng USD mạnh hơn. Tuy nhiên, khi giá năng lượng trên toàn cầu ngày càng "leo thang", các chuyên gia lo ngại lạm phát tại các quốc gia có nền kinh tế lớn gia tăng. Khi đó, nhu cầu trú ẩn vốn vào thị trường vàng sẽ tăng mạnh.

Giá vàng thế giới hiện ở mức 1.762,90 - 1.763,90 USD/ounce.

Giá vàng SJC hôm nay là 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,95 triệu đồng/lượng (bán ra).

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép bán hàng ăn uống tại chỗ, xe buýt hoạt động trở lại 

Kinh tế nóng nhất: Giá USD chợ đen tiếp tục tăng, sức ép bất ngờ đẩy giá vàng tụt giảm - Ảnh 3.

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép bán hàng ăn uống tại chỗ. Ảnh TL

Chiều 13/10, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành văn bản triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới.

Theo đó, từ 6h ngày mai 14/10, thành phố cho các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động bình thường, xe buýt, taxi, cơ sở nhà hàng ăn uống, khách sạn... được hoạt động trở lại.

Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.

Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.

Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch.

Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 02 mũi vắc xin phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.

Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.

Kienlongbank thay Tổng giám đốc 

Bà Trần Tuấn Anh thôi làm Tổng giám đốc kể từ ngày 15/10/2021 theo nguyện vọng cá nhân. Ông Trần Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc lên nắm Quyền Tổng giám đốc. 

Kienlongbank thay nhân sự - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Minh, quyền tổng giám đốc Kienlongbank - Ảnh: KL

Trước khi được bổ nhiệm chức danh quyền tổng giám đốc, ông Trần Ngọc Minh là phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long. 

Ông Trần Ngọc Minh sinh năm 1984, là thạc sĩ kinh tế Học viện Ngân hàng và đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. 

Trước khi gia nhập Kienlongbank, ông Minh từng giữ các vị trí quản lý tại các ngân hàng và phụ trách tài chính một số tập đoàn lớn với các vị trí như giám đốc nguồn vốn, trưởng ban tài chính, phó tổng giám đốc… 

Ông Minh cũng là một trong ba nhân sự mới được bổ nhiệm vị trí phó tổng giám đốc hồi tháng 1 năm nay cùng với ông Nguyễn Văn Minh và ông Võ Quốc Lợi.

Trước khi thay tổng giám đốc, tháng 5/2021, hội đồng quản trị ngân hàng này cũng đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân.

Thay ông Phương là bà Trần Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch hội đồng quản trị, sinh năm 1985. Kienlongbank cho biết sau khi thôi giữ chức danh tổng giám đốc, bà Trần Tuấn Anh tiếp tục công tác tại Kienlongbank với chức danh thành viên hội đồng quản trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem