Kinh tế nóng 24h: Acecook thông tin mới nhất về vụ mỳ Hảo Hảo

Nguyễn Linh Thứ bảy, ngày 11/09/2021 20:49 PM (GMT+7)
Công ty Acecook dự kiến sẽ công bố thông tin về vụ tồn dư Ethylene Oxide trong gia vị mỳ Hảo Hảo vào thứ 2 (13/9); Cổ phiếu công ty nhập vắc xin liên tục "đo sàn"; Đôi nam nữ tại Hà Nội nộp hơn 40 tỷ đồng tiền thuế từ viết ứng dụng... là những thông tin kinh tế nóng 24h qua.
Bình luận 0

Acecook sẽ thông tin về vụ tồn dư Ethylene Oxide trong gia vị mỳ Hảo Hảo

Kinh tế nóng 24h: Acecook sẽ thông tin về vụ tồn dư Ethylene Oxide trong gia vị mỳ Hảo Hảo - Ảnh 1.

Công ty Acecook sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin về vụ tồn dư Ethylene Oxide trong gia vị mỳ Hảo Hảo vào thứ 2 (13/9). Ảnh minh họa Acecook

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện Công ty Acecook đã có kết quả phân tích mẫu rau gia vị nguyên liệu cho sản xuất mỳ gói và khẳng định, trong các rau, củ, quả này không có tồn dư chất Ethylene Oxide. Do đó, Công ty Acecook dự kiến sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin vào thứ 2 (13/9).

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phiên thứ II do Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay 11/9.

Sau thông tin chia sẻ từ Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM về việc Công ty Acecook khẳng định, trong các rau, củ, quả này không có tồn dư chất Ethylene Oxide, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ công tác 970 Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm thì Công ty AceCook đã chấp hành đúng pháp luật Việt Nam.

"Vừa qua có dư luận làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng rau gia vị của mỳ gói, như bà Chi đặt vấn đề. Bộ Công Thương đã có văn bản khẳng định rồi. Chúng tôi cũng kiểm tra lại các đơn vị, xem xét vấn đề an toàn thực phẩm xuất sang Châu Âu", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

"Hiện nay, về các điều kiện vào châu Âu, chúng ta vẫn đảm bảo, kể cả mỳ gói, tuy nhiên có thể ở trong lô hàng ở thị trường châu Âu, ở cửa hàng nọ, cửa hàng kia có sản phẩm nào đó thì hai bên sẽ tiếp tục làm rõ" - Thứ trưởng bổ sung.

Cổ phiếu công ty nhập vắc xin liên tục "đo sàn", nhà đầu tư mắc kẹt 

Chuỗi tăng như vũ bão suốt 18 phiên liên tục nhờ tin tức nhập khẩu vắc xin của cổ phiếu Vimedimex đã bị gián đoạn vào đầu tháng 9. Cổ phiếu này giảm sàn liên tục 5 phiên, nhà đầu tư mắc kẹt.

Cổ phiếu VMD của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex đóng cửa phiên cuối tuần (10/9) giảm sàn xuống 57.600 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên "lau sàn" thứ 5 liên tiếp của mã này và cũng tròn một tuần giao dịch trở lại của VMD kể từ sau kỳ nghỉ lễ 2/9.

Diễn biến này không quá gây bất ngờ bởi trước đó VMD từng có chuỗi tăng quá "sốc" suốt 18 phiên liên tục, hầu hết là tăng trần hoặc suýt soát tăng kịch biên độ trên sàn. Thị giá VMD tính từ ngày 9/8 đến ngày 1/9 đã nhanh chóng tăng từ 24.700 đồng lên 82.400 đồng, tương ứng tăng gấp 3,34 lần.

Đồ thị diễn biến giá của VMD theo đó gấp khúc tại ngày 6/9 và bắt đầu chuỗi ngày lao dốc. "Lên như thế nào, xuống như thế ấy" - lên sốc, xuống sốc, vốn là quy luật thường thấy với các cổ phiếu "nóng" trên thị trường chứng khoán.

Kinh tế nóng 24h: Acecook sẽ thông tin về vụ tồn dư Ethylene Oxide trong gia vị mỳ Hảo Hảo - Ảnh 2.

Vimedimex là một trong những đơn vị được nhập khẩu vắc xin Covid-19. Ảnh DT

Mức thị giá của VMD tuy giảm mạnh 30,1% so với mức đỉnh giá hồi đầu tháng 9 nhưng vẫn cao hơn 133,2% (tương ứng cao hơn 32.900 đồng mỗi cổ phiếu) so với thời điểm ngày 9/8. Như vậy, những nhà đầu tư mua cổ phiếu này ngày 9/8 và vẫn giữ đến thời điểm này đang tạm có lãi 1,3 lần.

Tuy vậy, việc bán ra cổ phiếu VMD ở thời điểm này không phải dễ dàng. Thanh khoản phiên 10/9 của mã này đạt 54.100 cổ phiếu nhưng dư bán sàn cuối phiên còn tới 332.000 đơn vị, trắng bên mua. Theo đó, rất nhiều nhà đầu tư cho đến thời điểm này vẫn "mắc kẹt".

Đôi nam nữ tại Hà Nội nộp hơn 40 tỷ đồng tiền thuế từ viết ứng dụng trên Google, Apple

Một cô gái có thu nhập năm 2020 hơn 330 tỷ đồngg, nộp thuế 23,4 tỷ đồng. Ngoài ra, một nam thanh 30 tuổi (cùng tại quận Cầu Giấy) đã viết nhiều phần mềm, thu về khoảng 260 tỷ đồng, nộp thuế 18,1 tỷ đồng.

Cục Thuế Hà Nội cho biết đang quản lý 382 cá nhân có hoạt động cung cấp sản phẩm trên các ứng dụng của Google Play, Apple Store… Trong 7 tháng đầu năm, những cá nhân này đã tự kê khai thuế đầy đủ theo quý và nộp 39 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2018, số thu thuế là hơn 203 tỷ đồng.

Đối với hoạt động bán hàng online, cho thuê nhà thông qua ứng dụng như Agoda, Booking.com, Airbnb, Cục Thuế Hà Nội đang thực hiện rà soát các hình thức bán hàng của 32.085 thông tin giao dịch cơ sở kinh doanh có sử dụng ứng dụng giao hàng và dữ liệu về 756 chủ cơ sở cho thuê nhà, cung cấp dịch vụ lưu trú.

Theo Cục Thuế Hà Nội, đơn vị này đang tiếp tục bám sát các quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP để triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Do đặc thù của hoạt động thương mại điện tử, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán trên địa bàn để thu thập cơ sở dữ liệu của người kinh doanh.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra đối với các sàn thương mại điện tử, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển, đặc biệt các trường hợp không cung cấp, đề xuất thực hiện thanh kiểm tra doanh nghiệp để đánh giá hoạt động, đồng thời thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý.

Trước đó, tại Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội), một cô gái sinh năm 1992 tại quận này có thu nhập năm 2020 hơn 330 tỷ đồng. Cô đã tự nguyện đến Chi cục Thuế để kê khai, nộp các nghĩa vụ thuế với số tiền là 23,4 tỷ đồng từ thu nhập viết phần mềm trên Google Play và App Store. Ngoài ra, một nam thanh 30 tuổi cũng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy đã viết nhiều phần mềm, thu về khoảng 260 tỷ đồng, nộp thuế 18,1 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem