Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn ở thị xã An Nhơn (Bình Định)

Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 07/04/2023 22:30 PM (GMT+7)
Từ một huyện thuần nông, chỉ sau 10 năm phát triển lên thị xã, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoạn mục sang hướng công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ; đồng thời cũng giải quyết tốt vấn đề việc làm tại chỗ cho lao động khu vực nông thôn.
Bình luận 0

Nằm trong khuôn khổ chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị (CCLLCT) của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ ngày 4-7/4/2023, lớp CCLLCT hệ tập trung K73.A18 (khóa học 2022-2023) đã có chuyến đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Bình Định và Phú Yên.

Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn ở thị xã An Nhơn (Bình Định) - Ảnh 1.

Ông Đào Xuân Huy- Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND Thị xã An Nhơn phát biểu tại buổi làm việc.

Nghiên cứu nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TW

Với chủ đề nghiên cứu thực tế về "Phát triển công nghiệp, dịch vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn", lớp CCLLCT K73.A18 gồm 45 học viên đã có chuyến tham quan, khảo sát thực tế và trực tiếp trao đổi với Thị ủy An Nhơn (tỉnh Bình Định) về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông nghiệp nông thôn ở địa phương. Chủ đề nghiên cứu của lớp CCLLCT K73.A18 nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045" và Nghị quyết số 29-NQ/TW về "tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). 

TS. Trần Quang Phú- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Trưởng Đoàn cho biết: "Nghiên cứu thực tế là một nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị của Học viện. Việc đi nghiên cứu thực tế là cơ hội để các học viên nắm bắt thực tế, từ đó có những vận dụng đưa những lý luận đã được đào tạo vào thực tiễn cho địa phương, cơ sở của mình sau này".

Trong khi đó, theo ông Đào Xuân Huy- Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND Thị xã An Nhơn cho biết: "Hiện nay Đảng bộ, chính quyền Thị xã An Nhơn rất quan tâm, đó là "Phát triển công nghiệp, dịch vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn" và hi vọng sau chuyến nghiên cứu thực tế này, sẽ cung cấp thêm cho các học viên những kiến thức thực tế bổ ích.

Thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) có diện tích tự nhiên 244.494ha, quy mô dân số 180.000 người với 5 phường và 10 xã. Trong những năm qua, thị xã đã có những bước chuyển mình lớn về phát triển kinh tế- xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 16,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng chiếm 67,87%; thương mại- dịch vụ chiếm 21,5% và nông- lâm- thủy sản chỉ còn chiếm 10,63%. Trên địa bàn thị xã hiện có 1 khu công nghiệp là KCN Nhơn Hòa đã thu hút được 47 dự án đầu tư; cùng 12 cụm công nghiệp, trong đó có 9 khu đã đi vào hoạt động.

Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn ở thị xã An Nhơn (Bình Định) - Ảnh 2.

Học viên Lê Thị Phương Thảo trao đổi về nghề trồng mai vàng ở An Nhơn.

Trồng mai vàng lãi tới 300 triệu đồng/ha mỗi năm

Trao đổi với các học viên trong đoàn về kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông nghiệp, nông thôn, ông Bùi Văn Cư- Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thị xã An Nhơn cho biết: "Với tốc độ phát triển kinh tế liên tục ở mức cao, trong đó chuyển sang cơ cấu kinh tế công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là chính, nên thị xã đã rất chú trọng công tác đào tạo nghề cho các lao động tại chỗ. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm thị xã đào tạo được hơn 600 lao động, đưa tổng số lao động qua đào tạo đạt trên 6.100 người, trong đó có 3.700 lao động được đào tạo về công nghiệp, 2.400 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp, chưa kể số lao động được đào tạo qua hình thức truyền nghề".

190 cây mai thế đẹp tượng trưng 190 năm danh xưng An Nhơn đất Bình Định - Ảnh 5.

Nghề trồng mai vàng ở An Nhơn có thu nhập rất cao tới 600 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi tới 300 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, theo ông Cư, nghề trồng mai vàng trên địa bàn thị xã An Nhơn hiện nay đang rất khấm khá. Toàn thị xã có tới 5 làng nghề chuyên trồng mai vàng. Với thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch là 5 năm, tính trung bình mỗi ha trồng mai cho thu nhập 600 triệu đồng/năm, trừ chi phí, công chăm sóc, mỗi ha trồng mai vàng lãi tới 300 triệu đồng. "Hiện An Nhơn đang tiếp tục quy hoạch, mở rộng các làng nghề trồng mai thêm nữa, bởi đầu ra cho loài cây cảnh này trong những năm gần đây rất thuận lợi"- ông Cư nói thêm.

Các học viên lớp CCLLCT K73.A18 cũng chia sẻ kinh nghiệm của địa phương mình công tác, đồng thời lắng nghe thêm những kinh nghiệm thực tiễn, bài học bổ ích của Thị xã An Nhơn, từ đó để có thể vận dụng vào thực tế tại mỗi địa phương nơi công tác.

Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn ở thị xã An Nhơn (Bình Định) - Ảnh 3.

Đoàn nghiên cứu thực tế Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung K73.A18 và lãnh đạo thị xã An Nhơn.

Lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung K73.A18 (khóa học 2022-2023) gồm 45 đồng chí học viên đến từ 19 tỉnh, thành trên cả nước. Hầu hết các học viên của lớp K73.A18 đều đang công tác và giữ các vị trị lãnh đạo trực tiếp tại địa bàn các cơ sở (xã, huyện) là những nơi trực tiếp triển khai và thực hiện các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem