Khu vực Trung Đông - cơ hội vàng cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 18/03/2022 12:00 PM (GMT+7)
Các quốc gia Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu rất lớn đối với các mặt hàng như đồ gỗ, ngũ cốc, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại, sản phẩm nhựa, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su... Đây những ngành Việt Nam có thế mạnh.
Bình luận 0

Thông tin trên được nêu ra tại Hội thảo "Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19", do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức tại TP.HCM hôm qua (17/3). 

Hội thảo cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt đang bắt đầu quan tâm, tìm kiếm đối tác tại thị trường Trung Đông để mở rộng mối quan hệ làm ăn, nhất là để phục hồi sau dịch Covid-19.

Trung Đông đang cần nhiều sản phẩm Việt Nam có thế mạnh

Hiện quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với 6 quốc gia thành viên là Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Arab Saudi, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman.

Các quốc gia GCC có nền kinh tế mở, phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa nền kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu. GDP bình quân đầu người ở mức cao, năm 2021 Qatar là 60.000 USD, UAE là 41.000 USD, Kuwait là 25.000 USD và Arab Saudi là 22.000 USD.

Khu vực Trung Đông đang cần nhiều sản phẩm Việt Nam có thế mạnh - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp Việt đang tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu đến thị trường Trung Đông. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Ngô Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait cho biết 6 nước GCC đều là thành viên WTO. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC mới đạt 2,7 tỷ USD, thì tới năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 12,5 tỷ USD.

Ông Thắng cho rằng, cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường GCC đang rộng mở với nhiều thuận lợi. Hai bên có khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác cũng như mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao làm cầu nối thúc đẩy trao đổi thương mại và hợp tác.

Đơn cử, tại Kuwait, hàng Việt Nam đã tạo dựng được chỗ đứng như các mặt hàng điện thoại, thủy sản, giày dép, nông sản, thực phẩm, sản phẩm gia dụng… với sức cạnh tranh ngày càng được nâng cao so với hàng Trung Quốc, Malaysia.

"Khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của GCC khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu của Việt Nam, thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp", ông Ngô Toàn Thắng nói.

Khu vực Trung Đông đang cần nhiều sản phẩm Việt Nam có thế mạnh - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp tham gia tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn đưa hàng vào thị trường Trung Đông hôm 17/3. Ảnh: ITPC

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) - ông Nguyễn Tuấn cho biết thêm, các quốc gia Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu rất lớn (dao động từ 2 tỷ USD đến 8 tỷ USD) đối với các mặt hàng như đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại… 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của khu vực Trung Đông còn chưa phát triển do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; công nghiệp sản xuất khó phát triển, nên khu vực này vẫn phải nhập khẩu nhiều thực phẩm, hàng tiêu dùng. 

Thống kê cho thấy, các quốc gia này nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước vùng Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm.

Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng tỷ trọng các mặt hàng này của Việt Nam trong cơ cấu hàng nhập khẩu của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hai bên.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ

Dù tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông rất lớn nhưng theo các doanh nghiệp việc đưa hàng vào thị trường này còn gặp một số rào cản nhất định.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait - ông Ngô Toàn Thắng, xác nhận rào cản thương mại tại thị trường các nước GCC là việc yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác... do Tổ chức Tiêu chuẩn và Đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp, giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu.

Khu vực Trung Đông đang cần nhiều sản phẩm Việt Nam có thế mạnh - Ảnh 5.

Nông sản thuộc nhóm nhiều tiềm năng kết nối vào thị trường Trung Đông. Ảnh: Tổ công tác 970

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - đại diện Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam cho biết, chứng nhận Halal là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế, được đánh giá độc lập, khách quan để công nhận sản phẩm được đánh giá không sử dụng các thành phần bị cấm và điều kiện sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn Halal. 

Lợi ích của chứng chỉ Halal là vô cùng lớn. Nó giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu khi xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo, được người Hồi giáo tin tưởng mua và sử dụng.

Trao đổi thêm về các rào cản của doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường Trung Đông, Phó Giám đốc ITPC nhận định, hiện doanh nghiệp Việt nói chung và TP.HCM nói riêng còn thiếu thông tin, gặp phải rào cản về logistics và thanh toán quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức ngoại giao của Việt Nam tại khu vực, cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại.

Dự kiến trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai các đoàn khảo sát thị trường, kết nối giao thương và gặp gỡ các hệ thống kênh phân phối hiện đại tại khu vực Trung Đông đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam hiện nay là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Kuwait.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem