Thứ ba, 07/05/2024

Khơi thông đường ra biển lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long

16/04/2023 7:00 PM (GMT+7)

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đề xuất 16 dự án về hạ tầng giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là cơ hội lớn để tạo không gian phát triển mới cho vùng kinh tế này, nhất là ở các khu vực ven biển khi các dự án đề xuất phần lớn tập trung tại đây.

Tuy nhiên, để phát huy được các mục tiêu như kỳ vọng, bên cạnh phải có cơ chế tài chính phù hợp, thì việc đầu tư cần phải đồng bộ.

Khơi thông đường ra biển lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Gần 2 tỉ đô la Mỹ sẽ đầu tư vào tuyến đường bộ ven biển ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

16 dự án do 13 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hai Bộ gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư. Trong đó, phần lớn các địa phương đề xuất đầu tư tuyến đường bộ ven biển để khép kín trục này của vùng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 16 dự án đề xuất được đầu tư bằng vốn vay ODA từ 6 đối tác lớn, bao gồm Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); Cơ quan hợp tác phát triển Pháp (AFD); Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Ngân hàng tái thiết Đức (KfW); Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank) và Ngân hàng thế giới (WB). Tổng vốn vay ODA để thực hiện 16 dự án dự kiến lên đến khoảng 2,8 tỉ đô la Mỹ và phần vốn đối ứng là khoảng 28.000 tỉ đồng, trong đó, phần lớn vốn phục vụ cho các dự án đường bộ ven biển.

Gần 2 tỉ đô la cho tuyến đường bộ ven biển

Trong số 13 địa phương đề xuất dự án, thì có 7 địa phương ven biển vùng ĐBSCL, bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang đồng loạt đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, với tổng mức đầu tư khoảng 43.000 tỉ đồng, tương đương gần 2 tỉ đô la Mỹ.

Theo đó, đoạn đường bộ ven biển qua tỉnh Tiền Giang có chiều dài khoảng 31 km, dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 5.591 tỉ đồng; đoạn qua tỉnh Bến Tre dài 27 km, tổng vốn 8.409 tỉ; Trà Vinh hơn 62 km, với tổng mức đầu tư 8.717 tỉ đồng; đoạn qua Sóc Trăng dài 85 km, tổng vốn 5.918 tỉ đồng; đoạn Bạc Liêu dài gần 55 km, có tổng vốn 3.441 tỉ đồng; Cà Mau hơn 85 km, với 8.310 tỉ đồng và đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài gần 70 km, có tổng vốn 2.326 tỉ đồng.

Trong một lần đề cập đến tuyến đường bộ ven biển ở ĐBSCL, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, tập trung trao đổi với các địa phương trong vùng nhằm sớm hoàn thành tuyến đường này cho cả vùng ĐBSCL. “Đây vừa là tuyến đường liên vùng, vừa mở ra một không gian phát triển mới, vừa là động lực cho các tỉnh phát triển kinh tế ven biển, vừa để sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, chống hạn mặn, xói lở, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu và phục vụ quốc phòng an ninh”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ địa phương, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- một trong những địa phương đề xuất đầu tư tuyến đường bộ ven biển thì cho rằng, việc phát triển dự án không chỉ phù hợp với quy hoạch ngành của Bạc Liêu, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như mở rộng không gian phát triển mới của địa phương hướng ra biển. “Đặc biệt, dự án sẽ từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thích ứng biến đổi khí hậu cho địa phương và cả vùng”, ông nói.

Tuy nhiên, vấn đề cũng nhận được sự quan tâm của các địa phương, đó là cơ chế phân bổ nguồn vốn ODA như thế nào để đảm bảo các dự án có thể triển khai?

Ông Nguyện cho rằng, trường hợp nếu được cấp phát 90% và vay lại 10%, thì mới có thể đáp ứng vì Bạc Liêu là một trong những tỉnh khó khăn, thu ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 40% cho nhiệm vụ chi. “Qua tính toán nguồn lực của Bạc Liêu hiện nay, chúng tôi cam kết đảm bảo trả lãi vay (trường hợp vay lại 10% – PV) và phần vốn đối ứng cho thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong trung hạn, giai đoạn 2021-2025”, ông cho biết.

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – địa phương đề xuất một dự án không thuộc tuyến đường bộ ven biển, cho biết An Giang chỉ có khả năng đáp ứng khi việc phân bổ nguồn vốn theo cơ chế cấp phát 90% và địa phương vay lại 10%.

Liên quan đến cơ chế tài chính cho các dự án được đề xuất, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại cuộc họp Ban chỉ đạo các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO) diễn ra tại thành phố Cần Thơ mới đây, cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề xuất cơ chế tài chính, cơ chế phân cấp uỷ quyền để thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện dự án (16 dự án được đề xuất- PV).

Theo đó, điểm quan trọng nhất của văn bản nêu trên là đề xuất cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại 10% đối với các dự án ở các địa phương; dự án của 2 bộ sẽ được cấp phát 100% và các dự án cầu kết nối giữa hai địa phương ở các tỉnh lộ được xem là dự án liên kết vùng nên cũng được cấp phát 100% vốn ODA cho 1 trong các địa phương có liên quan triển khai và uỷ quyền cho 1 địa phương làm chủ đầu tư. “Ngoài ra, các dự án quốc lộ trên địa bàn các địa phương, thì sẽ uỷ quyền cho các địa phương làm chủ đầu tư triển khai thực hiện”, ông cho biết.

Theo ông Mai, với cơ chế cấp phát và vay lại vốn ODA như nêu trên, các địa phương đều có khả năng cân đối vốn trong trung hạn 2021-2025. “Chúng tôi đã kiểm tra lại dư nợ của 13 địa phương ĐBSCL, thì nếu với kịch bản vay lại 10%, hầu hết các địa phương ở đây đều đáp ứng được khả năng vay lại, trừ trường hợp của Vĩnh Long cần phải cân nhắc thêm”, ông nói và cho rằng, về phần vốn đối ứng của địa phương, thì địa phương phải có trách nhiệm cân đối.

Đầu tư cần tránh “đoạn lớn, đoạn nhỏ”

Theo ông Mai, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, thì 16 dự án được đề xuất nhìn chung phù hợp với các quy hoạch, với Nghị quyết 41 của Chính phủ liên quan đến cơ chế đặc thù cho ĐBSCL. “Tuy nhiên, các Bộ, ngành cũng lưu ý cần tính toán về chi phí, xuất đầu tư, quy mô đầu tư và khả năng cân đối vốn”, ông nói.

Chẳng hạn, đối với tỉnh Sóc Trăng, địa phương đề xuất xây dựng đường bộ ven biển với quy mô cấp 3 đồng bằng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội kết hợp với an ninh quốc phòng cũng như hỗ trợ phát triển cảng Trần Đề.

Tuy nhiên, theo ông Mai, do tuyến đường bộ ven biển của Sóc Trăng đề xuất có đoạn đi gần tuyến quốc lộ Nam sông Hậu được Bộ Giao thông Vận tải triển khai trong chương trình Mekong DPO do WB tài trợ, cho nên, sẽ điều chỉnh quy mô đoạn này (của tuyến đường bộ ven biển tỉnh Sóc Trăng- PV). “Qua trao đổi, làm việc, thì chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển tuyến ven biển (qua Sóc Trăng -PV), nhưng không đầu tư quá rộng với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, bởi nó sẽ chia sẻ lưu lượng với tuyến Nam sông Hậu”, ông Mai giải thích và cho rằng, việc đầu tư với quy mô cấp 3 đồng bằng sẽ khiến chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tăng thêm khoảng 40%.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc địa phương đề xuất hướng tuyến có một đoạn đi gần quốc lộ Nam sông Hậu (hay còn gọi là quốc lộ 91B), ngoài mục tiêu chung là để phát triển kinh tế- xã hội, thì nơi đây cũng là khu vực phát triển du lịch tâm linh, du lịch kinh tế biển cũng như đảm bảo bảo vệ an ninh quốc phòng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Nghiệp, trong ngắn hạn, đường cấp 4 đồng bằng vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu, nhưng nhìn trong dài hạn, thì cần đầu tư đường cấp 3. “Trước ý kiến của Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chúng tôi không phải bảo vệ quan điểm gì, nhưng đầu tư thì phải đồng bộ, tức Bạc Liêu, Trà Vinh là đường cấp 3, thì Sóc Trăng cũng phải đường cấp 3 để tạo thuận lợi cho phát triển”, ông nói.

Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, tuyến đường bộ ven biển kết nối các địa phương ĐBSCL là rất quan trọng, nhưng nếu vì bị “khống chế” bởi tổng mức đầu tư mà cắt 1 số đoạn hoặc giảm quy mô 1 số tuyến là không nên, bởi hoạt động giao thông cần phải đồng bộ mới đạt mục tiêu liên kết, phát huy hiệu quả về năng lực vận tải và phát triển kinh tế…

“Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có kiến nghị đến các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ nhằm tính toán lại nguồn vốn để kết nối, tức phải làm sao ưu tiên cho tuyến đường bộ ven biển thì mới giúp phát huy được hiệu quả”, ông Bi kiến nghị.

Tại cuộc họp, đại diện ADB, một trong những đối tác hỗ trợ vốn cho các dự án ven biển ĐBSCL cũng cho rằng, đối với đoạn tuyến dự án kết nối giữa Sóc Trăng- Bạc Liêu, thì cần thống nhất về quy mô đầu tư về cấp đường. “Chúng tôi thống nhất đề xuất nên đồng bộ cấp đường giữa hai tỉnh để đảm bảo tính kết nối, tính bền vững và an toàn đường bộ”, ông nói.


Theo thesaigontimes.vn

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

Chiều ngày 6/5, giá vàng miếng SJC tăng lên trên 86 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất cao nhất trong lịch sử và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.

Ngân hàng, ăn ở cái tên?

Ngân hàng, ăn ở cái tên?

Ngân hàng LPBank vừa quyết định đổi bộ tên mới. Tên viết tắt bằng tiếng Anh họ vẫn để là LPBank, đây là quyết định phù hợp với thị trường, với nhận thức của người tiêu dùng.

Các tập đoàn công nghệ nước ngoài đến Việt Nam rồi đầu tư ở nước khác là bình thường

Các tập đoàn công nghệ nước ngoài đến Việt Nam rồi đầu tư ở nước khác là bình thường

Việc đầu tư của các tập đoàn công nghệ nước ngoài phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó chủ quan liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam

Phú Quốc thêm một lần bị khách nội quay lưng

Phú Quốc thêm một lần bị khách nội quay lưng

Trong vòng 5 năm trở lại đây, du lịch Phú Quốc chứng kiến nhiều biến động về lượng khách. Từ năm 2023, nỗ lực hút khách nội của địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả.

Xe điện hết nóng

Xe điện hết nóng

Tesla được xem là hàn thử biểu đo lường độ nóng của thị trường xe điện; và khác với những năm trước, chiếc hàn thử biểu này đang lạnh dần.

Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại

Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại

49 năm sau ngày thống nhất đất nước với hơn 30 năm đổi mới và phát triển, ngành thương mại TP. Hồ Chí Minh đã “lột xác” theo hướng văn minh, hiện đại.