Khô cá sặc Củ Chi và loạt đặc sản Hóc Môn, Cần Giờ chờ gắn sao OCOP

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 26/09/2023 08:14 AM (GMT+7)
Các đặc sản của các huyện nông thôn mới như khô cá sặc lạt Củ Chi, tép sấy, chả lụa Hóc Môn, khô cá Cần Giờ… đang chờ được gắn sao OCOP nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, thương hiệu, tiếp cận người tiêu dùng.
Bình luận 0

Nhiều nông dân, HTX tại TP.HCM đang tiếp tục đưa các sản phẩm tiềm năng để tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đang được TP.HCM tích cực triển khai nhằm phát huy giá trị nội lực của các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Khô cá sặc Củ Chi và đặc sản Hóc Môn, Cần Giờ chờ sao OCOP

Bên cạnh sữa tươi, bò tơ, rau móp thì khô cá sặc lạt là một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện Củ Chi. Địa phương đang từng bước hoàn thiện sản phẩm này để đánh giá, xếp hạng, gắn sao OCOP cho khô cá sặc lạt.

Khô cá sặc Củ Chi và loạt đặc sản Hóc Môn, Cần Giờ chờ gắn sao OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm khô cá sặc Củ Chi hút khách tại các phiên chợ nông sản, thực phẩm được tổ chức tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ảnh: Hồng Phúc

HTX Thủy Sản Tương Lai, xã Phước Hiệp là một trong những HTX có quy mô sản xuất khô cá sặc lớn nhất Củ Chi hiện nay. 

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Ánh Lan - Giám đốc HTX, cho biết HTX sở hữu vùng nuôi cá sặc riêng tại Củ Chi, sản xuất vừa theo kiểu thủ công, vừa theo mô hình bán công nghệ ngay trên địa bàn nhằm đảm bảo khô chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Tham gia OCOP là định hướng lớn của chúng tôi hiện nay để người tiêu dùng biết tới nhiều hơn. Năng lực sản xuất của chúng tôi hiện nay khoảng 200-300kg khô cá sặc mỗi ngày. TP.HCM có hơn 10 triệu dân, chỉ cần phục vụ 1% con số này thì đã là quá tốt”, bà Lan nói và kỳ vọng sao OCOP sẽ giúp HTX hiện thực hóa mục tiêu này.

Khô cá sặc Củ Chi và loạt đặc sản Hóc Môn, Cần Giờ chờ gắn sao OCOP - Ảnh 3.

Cà pháo và nhiều sản phẩm khác của thương hiệu Ngọc Liên, huyện Hóc Môn đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Sau khi có 17 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao, huyện Hóc Môn đang tiếp tục chuẩn bị cho nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác của địa phương tham gia vào Chương trình OCOP. 

Nhiều sản phẩm tiềm năng OCOP của Hóc Môn hiện nay là chả giò các loại của hộ kinh doanh chả giò Sài Gòn Bến Thành (xã Tân Hiệp), rau cải ngọt của HTX Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng), tép sấy của cơ sở sản xuất Anh Tú (xã Xuân Thới Đông) và chả lụa của hộ kinh doanh Kim Điệp (xã Trung Chánh).

Theo Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, địa phương hiện có 18 sản phẩm OCOP, gồm xoài cát Cần Giờ, khô cá dứa một nắng, tôm khô, tôm sú tự nhiên, tôm thẻ chân trắng thương phẩm, tổ yến chưng nguyên chất, mật dừa nước… Đây đều là những đặc sản nổi tiếng tại Cần Giờ.

Cần Giờ đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và phân hạng sản phẩm OCOP cho khoảng 20 sản phẩm trên địa bàn.

Gắn sao OCOP, gia tăng giá trị nông sản địa phương

Sau hai năm tìm kiếm, hiện TP.HCM có 66 sản phẩm OCOP 3-4 sao và 1 sản phẩm là bột rau má sấy lạnh của Công ty Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi) đang đề xuất Trung ương công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. 

Các sản phẩm OCOP tại Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ đã khơi dậy giá trị tiềm năng của các loại nông sản, sản phẩm địa phương, gia tăng thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Khô cá sặc Củ Chi và loạt đặc sản Hóc Môn, Cần Giờ chờ gắn sao OCOP - Ảnh 4.

Khô cá sặc lạt của HTX Thủy Sản Tương Lai được đóng gói với bao bì hiện đại. Ảnh: Hồng Phúc

Năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ tiếp tục công nhận cho 27 sản phẩm OCOP, với hướng phát triển chậm mà chắc, nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc trưng cũng như có chính sách hỗ trợ chủ thể sản xuất OCOP một cách hiệu quả.

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNNPTNT TP.HCM) cho biết nếu như giai đoạn 2019 - 2020, Chương trình OCOP TP.HCM chỉ được triển khai thực hiện điểm trên địa bàn 5 huyện xây dựng nông thôn mới Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ thì đến giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đã quyết định mở rộng phạm vi thực hiện chương trình ra 22 quận huyện và TP.Thủ Đức.

Các sản phẩm, dịch vụ tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cũng rộng hơn, tập trung vào 6 nhóm là thực phẩm, đồ uống, dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm bán hàng.

Theo bà Mai, sự mở rộng về phạm vi và lĩnh vực sản phẩm sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, TP.Thủ Đức tham gia. Thực tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM hiện nay không chỉ tập trung ở các huyện nông thôn mới mà TP.Thủ Đức, Bình Tân cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, ứng dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chương trình OCOP (viết tắt của One Commune One Product - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) bắt nguồn tại Nhật Bản từ những năm 1970. Đến nay, đã có hơn 40 nước học tập kinh nghiệm và triển khai thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.

Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, Việt Nam chính thức đưa OCOP trở thành chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là nhằm tìm kiếm những sản phẩm địa phương nhằm phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế khu vực nông thôn.

Sản phẩm OCOP được xác định sẽ giúp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP cũng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn bền vững tại các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem