Trong những ngày đầu tháng 10, cơn bão số 5 đổ bộ vào vừa lúc Huế và các tỉnh miền Trung đang nới lỏng việc giãn cách xã hội chuẩn bị cho cuộc sống mới sau dịch Covid-19.
Trước ngày cơn bão được dự đoán đổ bộ vào miền Trung, bầu trời các tỉnh dọc miền Trung vẫn nắng ráo. Nhiều người còn an ủi nhau chắc bão sẽ tan trên biển thôi “nắng như ri mà bão mô được”.
Thế nhưng, những cơn nắng gắt gao, xanh ngắt trời không cho họ một niềm hi vọng nào. Bão vẫn vào. Bão vần vũ trên bầu trời hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Bão đến và đi chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 phút nhưng mọi thứ tan hoang, sập đổ ngổn ngang.
![]() |
Những người già dặm dài miền Trung chống chọi từ bão đến lũ. |
Hàng ngàn ngôi nhà sập, tốc mái; hàng trăm héc-ta rau màu, cây lâu năm đổ ngã… Điện lưới ngắt quãng trong mấy ngày liền. Cuộc sống người dân như về lại thời đèn dầu.
Hôm bão vào, tôi đang ở thành phố, gọi điện về cho mẹ ở quê, bà vẫn bảo: “Ở nhà không chi cả, vẫn an toàn. Mi đi làm coi cẩn thận”. Tôi nghe nhẹ nhõm người, nhưng không biết rằng bà đang giấu tôi chuyện một góc bếp bị tốc mái.
Bão tan, tôi nán lại làm xong mấy đợt tin mới chạy xe về quê. Đường về ngổn ngang cây xanh ngã rạp. Mái ngói nhà dân bị bão giật tứ tung. Tôn nhà này bay qua nhà khác, nằm vất vưởng trên cây, trên dây điện, ngoài đồng.
Đi hướng nào vào làng cũng bị chặn lối, phải 5 - 6 vòng đi rồi quay xe mới tìm được đường thông suốt. Ở quê, người dân đi chở tấm lợp, chặt cây dọn đường, dọn nhà, đèo nhau đi mua đèn dầu… cuộc sống bị đảo lộn.
Ông Trần Quyền, một người dân ở xã Phong Mỹ, hơn 20 năm gán đời mình vào cây cao su, gió bão quật ngã rừng cây ông mấy bận. Phá tan đợt nào ông lại gượng dậy, trồng mới trên chỗ đất cũ. Chưa bao giờ thiên tai đánh gục được ý chí của ông. Lần này cơn bão số 5 vào, gió lại đánh tan tác mấy héc-ta cao su.
Sáng bão ập đến, ông nghĩ thể nào cây cũng bị gãy đổ nhưng ông không ngờ nó lại tan hoang đến vậy. Lặng gió, ông chạy xe ra xem, rừng cao su ngã rạp, cây nhỏ gãy ngang, cây to toác cả thân. Vác rựa đi quanh vườn, ông bảo: Hai vợ chồng già cả rồi, trông cậy vào cao su kiếm đôi đồng, nhưng giờ thì gãy đổ hết.
Con cái ông ở xa, nghe tin bão vào Huế, điện về hỏi thăm, ông bảo rằng ở nhà không bị thiệt hại chi cả.
![]() |
Họ hết khổ lần này đến khổ lần khác. Sống chung với khổ cả đời. |
Trong vòng chưa đến hai năm, người dân đã đi qua không ít khốn đốn; heo bị dịch tả châu Phi, sắn bị bệnh khảm lá phải nhổ bỏ, hạn hán, rồi cơn dịch Covid-19 tàn khốc nhất ập đến, mọi thứ trì trệ. Sau dịch được vài hôm, tưởng sẽ ổn thì bão đến.
Cũng may, hoàn lưu sau bão không mang đến trận lũ nào, thứ mà nhiều người lo sợ sau khi bão tan. Nhưng, niềm vui kéo dài không bao lâu. Nửa tháng sau, mưa lụt lại đổ xuống các tỉnh dọc miền Trung. Lượng mưa lơn gây nên cảnh chia cắt, cô lập nhiều nơi. Các xóm cư dân trũng thấp phải dắt díu nhau chạy lũ.
4 người chết, 7 mất tích trong cơn lũ tính đến tối 8/10. Hàng ngàn ngôi nhà ngập trong nước, cuộc sống người dân bị xáo trộn. Họ dọn chưa xong đống tàn dư cơn bão số 5, nay lại chật vật lo chạy lũ.
Mưa đổ về suốt mấy ngày liền, nhưng lũ lại lên ban đêm, nhiều người không kịp trở tay. Bao nhiêu vống liếng, tài sản bị cuốn theo dòng nước.
Bà Nguyễn Thị Đào, người dân Quảng Trị sống ven sông Ô Lâu - ngày bão số 5 vào, nhà bà bị gió quật tung một góc nhà. Chính quyền, người dân phải giúp sức mới khắc phục lại được chỗ sinh hoạt cho hai mẹ con. Cơn bão vừa đi qua được ít lâu, nước lũ lại dâng lên. Đêm tối, hai mẹ con mò mẫm chất đồ đạc lên cao.
Người miền Trung đi qua hết khó khăn này họ lại phải đối mặt với khổ cực khác.
Hôm bão tan, tôi về đến nhà, bố mẹ đang lúi húi dọn dẹp những tàn dư sau bão. Cả khu vườn tang hoang sau bão. Ông bà gỡ gạc, dọn dẹp lại từng thứ một theo một chu trình từ cái quan trọng đến cái thứ yếu.
Cái được của người miền Trung trong thiên tai, dịch bệnh là niềm lạc quan. Hình như, sống trong cái khổ lâu thành ra họ quen và chấp nhận. Ngày cơn bão vào, tôi về đi quanh xóm, một vài nhà bị tốc mái hiên, bay ngói - ở đó họ vẫn lạc quan, vẫn cười giỡn. Họ bảo rằng: Giờ khóc than cũng chẳng được gì. Những tiếng cười trong bão làm cho cuộc sống vơi khổ cực đi phần nào.
Những người dân vùng bão, như mẹ tôi hay ông Quyền, vẫn luôn giữ thói quen giấu con cái ở xa chuyện quê nhà bị ảnh hưởng do thiên tai. Họ vẫn luôn trong tâm thế trả lời con cái: “Ở nhà vẫn ổn con ơi!”.
Cuộc sống rồi sẽ trở lại bình thường như một vòng tuần hoàn mà những người dân ở dãy đất miền Trung này đối mặt lâu nay. Sau cơn bão số 5, sẽ còn những cơn bão khác, sau cơn lũ này sẽ còn lũ khác, rồi dịch Covid-19 không biết tái diễn lại lúc nào.
Bão lũ, dịch dã quật ngã rồi họ lại đứng dậy, làm lại mọi thứ trên đống đổ nát. Chưa bao giờ ở họ có khái niệm từ bỏ.
Gửi bình luận