“Khát” lao động, doanh nghiệp tung chiêu giữ chân... người cũ

Quốc Hải Thứ hai, ngày 17/01/2022 16:22 PM (GMT+7)
Do quá “khát” lao động những ngày cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) phía Nam quyết định tung chiêu hút người mới lẫn giữ chân “người cũ” để họ yên tâm làm việc…
Bình luận 0
“Khát” lao động, doanh nghiệp tung chiêu giữ chân... người cũ - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH gỗ VAM Furniture trong giờ làm việc. Ảnh: DNCC

Doanh nghiệp thiếu 20-30% lao động

Ông Lưu Văn Thái - Giám đốc Công ty Thực phẩm Tâm Minh (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho hay, năm nay mãi lực tiêu thụ hàng tết khá ổn, nhưng sắp tới nhất là ra tết, công ty rất lo về nhân công.

"Hiện, công ty đang có sự mở rộng quy mô nên đang tuyển lao động cả tháng qua, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ", ông Thái nói.

Nguyên nhân khiến DN thiếu nhiều lao động, theo ông Thái, một phần là do dịch Covid-19 kéo dài, phần khác là do việc đào tạo nghề hiện nay quá ít, mà nhân viên dạng văn phòng quá nhiều. Vì vậy, khi tuyển vào, đôi khi các DN phải tuyển trái nghề, đào tạo lại.

“Khát” lao động, doanh nghiệp tung chiêu giữ chân... người cũ - Ảnh 2.

Công ty may Dony cũng đang thiếu rất nhiều lao động. Ảnh: Quốc Hải

Ông Lê Bá Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods (Q.1, TP.HCM) cho hay: "Theo kinh nghiệm của chúng tôi và thực tế hiện nay cho thấy hầu hết DN trong ngành đều thiếu 20-30% lao động. Các DN đã phải tính toán phương án sản xuất, giảm bớt các khâu không cần thiết, tập trung cho các sản phẩm thiết yếu, đặc biệt sẽ tập trung cho đơn hàng xuất khẩu".

"Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng tiêu dùng nhanh, Pacific Foods ít nhiều dự báo tình trạng này sẽ xảy ra nên đã xây dựng các phương án dự bị dựa trên các biện pháp kịp thời, giúp cho các giải pháp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa an toàn và trôi chảy…

Tuy nhiên, sắp tới các DN cần đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, các trường nghề để có kế hoạch dài lâu về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực…", ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods, nói.

Theo ông Linh, các DN thường gặp những áp lực về chi phí, nguyên liệu, nhưng những vấn đề này có thể xoay xở được. Thiếu nhân công sẽ khiến DN gặp nhiều khó khăn hơn.

"Mọi năm vào thời điểm này, thành phố sẽ đón lượng lớn lao động thời vụ ở các tỉnh lên làm hàng Tết ở các nhà máy nhưng năm nay trái ngược, tình hình khá ảm đạm", ông Linh nói.

Đại diện Pacific Foods chia sẻ, trong thời gian tới, sẽ liên hệ với các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm để thu hút lao động, đăng tin tuyển nhân sự lên mạng xã hội, các trang tuyển dụng, bố trí đội ngũ "săn đầu người" thực hiện cho chiến lược làm mạnh đội ngũ nhân sự của công ty.

"Về lâu dài chúng tôi đang tập trung đầu tư chuyển đổi công nghệ, đầu tư máy móc tự động để giảm nhân công và cũng như nhiều doanh nghiệp, trong thời điểm này, Pacific Foods rất cần sự hỗ trợ của thành phố để tìm và đưa thêm nhiều lao động đến làm việc", ông Linh nói.

Tung chiêu để giữ chân… "người cũ"

Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH 3D Hub Global (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng cho hay, có tin vui là đơn hàng sản xuất cho các hãng lớn trên thế giới sang năm 2022 này tăng lên, mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Vì vậy, việc tuyển thêm lao động có tay nghề cao chắc chắn sẽ nan giải, mà để đào tạo lại phải tốn thời gian khi tuyển vào.

Một chính sách khác biệt của 3D Hub Global nhằm giữ chân lao động theo kế hoạch năm 2022, đó là, chia theo lợi nhuận cho các bộ phận quan trọng của công ty.

"Giống như DN sẽ khoán việc, có nghĩa, giống như mình là nhà đầu tư, mình có miếng bánh, đã có quy trình sẵn từ kỹ thuật đến con người; việc của mình là kêu gọi nhân viên cùng làm cùng hưởng. Ai cũng có thể là chủ cả, không phân biệt chủ tớ. Đồng thời thu nhập có thể giảm, và có thể tăng gấp nhiều lần, nếu họ làm tốt. Đây là 1 kế hoạch mà ban giám đốc công ty đang đề ra cho kế hoạch khi nguồn lao động không ổn định", bà Lý Thanh Phong - Giám đốc Công ty TNHH 3D Hub Global, chia sẻ.

Cũng có giải pháp tương tự, ông Lưu Văn Thái, Giám đốc Công ty Thực phẩm Tâm Minh, cho hay: "Để giải quyết bài toán thiếu lao động, ngoài mặt lương thưởng, công ty đang lên kế hoạch chuyển hóa DN, tức là sẽ chia cổ phần và lợi tức cho những người có tâm huyết gắn bó với công ty lâu năm. Ai cũng là người chủ cả, để họ yên tâm làm việc và cống hiến".

"Hiện trung tâm có khoảng hơn 3.000 đầu việc mà các DN có nhu cầu tuyển dụng đang chờ sinh viên, nhưng đến nay lượng sinh viên đến tìm việc khá ít, dù có nơi trả mức lương khá cao, tới 50.000 đồng/giờ…", ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH gỗ VAM Furniture (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), đối với tình hình hiện nay, để giữ chân lao động trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, DN phải duy trì thu nhập và các phúc lợi cơ bản cho người lao động. Điều này có thể khiến chi phí tăng tương đối so với doanh thu, khiến lợi nhuận DN giảm hoặc thậm chí lỗ nhưng đó là một trong những phương án giữ chân lao động hiệu quả.

"Sau tết có thể nhiều lao động không quay trở lại làm việc gây thiếu hụt lao động toàn thị trường. Đây là vấn đề mà không chỉ DN tháo gỡ được, cần sự hỗ trợ của các ban ngành và Chính phủ bằng các chính sách cụ thể khuyến khích người lao động quay lại thành phố làm việc", ông Tuấn lo lắng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem