'Khát' lao động, doanh nghiệp ở TP.HCM tung chiêu thưởng nóng

Quốc Hải Thứ tư, ngày 22/12/2021 11:10 AM (GMT+7)
Những ngày cuối năm, các doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng. Đặc biệt trong bối cảnh trở lại trạng thái bình thường mới sau nhiều tháng giãn cách… nên cần số lượng lớn lao động. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN vẫn đang loay hoay với bài toán thiếu lao động.
Bình luận 0
"Khát" lao động, doanh nghiệp ở TP.HCM tung chiêu thưởng nóng, cam kết nhiều chính sách khó tin - Ảnh 1.

Các DN tại TP.HCM đang "khát" lao động để chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu, hàng Tết 2022. Ảnh: Quốc Hải

Để tuyển dụng được lao động, nhiều DN đã "tung chiêu" như thưởng nóng, hỗ trợ tiền nhà trọ, hỗ trợ vé xe từ quê lên... nhưng kết quả không mấy khả quan.

Tung nhiều chính sách để hút lao động

Những ngày này, Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX  Linh Trung 1, TP.Thủ Đức) liên tục đăng tuyển dụng lao động với nhu cầu khoảng hơn 100 người. Điều kiện tuyển dụng của công ty đưa ra khá thoáng, như chỉ cần từ 18 tuổi trở lên, tốt nghiệp lớp 9; tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng dịch.

Nếu được tuyển dụng, công nhân sẽ được hỗ trợ cơm giữa ca và chỗ ở miễn phí, được nghỉ đến 7 ngày/tháng, tham gia BHXH đầy đủ theo qui định; hỗ trợ 100% chi phí test Covid-19, tặng khẩu trang, quà Tết, quà sinh nhật, quà trung thu, lương tháng 13 hấp dẫn… Đặc biệt, công nhân được hỗ trợ 180.000 đồng khi nhận việc trong tháng 12.

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nessei Electric Việt Nam - cho biết ngoài việc đăng tuyển dụng theo các kênh khác nhau, công ty còn khuyến khích người lao động cũ giới thiệu lao động mới vào làm việc.

"Mỗi người lao động giới thiệu được thêm 1 người vào làm việc sẽ được công ty hỗ trợ 300.000 đồng. Ngoài ra, để động viên tinh thần lực lượng lao động trở lại làm việc, mới đây, công ty đã tặng túi quà gồm gạo, dầu ăn, hạt nêm, nước tương… cho toàn bộ công nhân. Cùng với đó, công ty còn tặng mỗi công nhân một máy đo nhiệt độ để theo dõi sức khỏe" – bà Vân thông tin.

Hiện Nissei Electric Việt Nam là một trong số ít DN tại TP.HCM có tới ba khu nhà lưu trú khang trang làm nơi ở cho công nhân viên.

"Khát" lao động, doanh nghiệp ở TP.HCM tung chiêu thưởng nóng, cam kết nhiều chính sách khó tin - Ảnh 2.

Các DN thực phẩm cũng đang tất bật với vụ Tết nên thiếu khá nhiều lao động. Ảnh: Satra

Do nhu cầu sản xuất tăng cao, mới đây, Công ty May mặc Dony đã chuyển xưởng mới về KCN Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh) và đang có nhu cầu tuyển thêm hàng chục công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.

Theo đó, DN này cam kết mức lương tối thiểu 7,3 triệu đồng và tăng dần theo năng lực cùng lợi nhuận; công nhân được tham gia các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của nhà nước khi ký hợp đồng lao động chính thức; một năm có 14 ngày phép (được quy đổi thành tiền nếu không nghỉ hết phép năm).

Đặc biệt, Dony còn cam kết có thưởng tháng 13 và thưởng Tết theo tình hình hoạt động của công ty, thưởng chuyên cần, hỗ trợ nhà trọ, cơm trưa, thậm chí đến uống nước cũng là Lavie, Vĩnh Hảo.

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân) cũng cho biết, do nhu cầu đơn hàng nhiều, nên DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 4.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và nhân viên văn phòng.

Theo đó, ngoài các chế độ chung theo quy định, DN này sẽ hỗ trợ cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn, có xe đưa rước đối với các công nhân ở tỉnh Tiền Giang, Long An. Đặc biệt, công ty cũng có tiền thưởng cho người giới thiệu được lao động vào làm tại công ty.

Ghi nhận của Dân Việt, để có nguồn lao động phục vụ thị trường Tết, các đơn hàng xuất khẩu, hiện nhiều DN khác tại TP.HCM như Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Nidec Việt Nam… cũng đang gấp rút tuyển từ vài trăm đến hàng nghìn lao động, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông.

"Khát" lao động, doanh nghiệp ở TP.HCM tung chiêu thưởng nóng, cam kết nhiều chính sách khó tin - Ảnh 3.

Công ty may mặc Dony cũng đang tuyển hàng chục lao động với các chính sách hấp dẫn. Ảnh: Quốc Hải

Ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FAMIL) - cho hay, cuối năm là khoảng thời gian "vàng" để các DN nỗ lực nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cũng như nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa (trước, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần).

Dự kiến, từ nay đến cuối năm, các DN cần tuyển từ 33.000 - 42.000 lao động để hoàn thành các đơn hàng (thời vụ) cuối năm. Trong đó, 70% nhu cầu tuyển lao động phổ thông liên quan các ngành như: may mặc, giày da, cơ điện - điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác với mức thu nhập bình quân được các DN đưa ra từ 7-15 triệu đồng/tháng.

Thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, sau thời gian giãn cách, các DN hầu như đã khôi phục sản xuất và đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để hoàn thành đơn hàng dịp cuối năm. Do đó, trước Tết Nguyên đán, tổng cầu của các DN cần khoảng 30.000 lao động phổ thông và tay nghề. Trong đó, nhu cầu về lao động có tay nghề chiếm khoảng 40% trên tổng số lao động cần.

Ông Lâm cũng cho biết thêm, dịp Tết Nguyên đán sẽ có một bộ phận lao động về quê, có người trở lại muộn hoặc không quay lại TP. Dự kiến, sau Tết, các DN cần khoảng 70.000-75.000 lao động (khoảng 30% lao động tay nghề), bù vào sự thiếu hụt nói trên.

Dự báo thiếu hụt lao động sau Tết của Sở LĐ-TB&XH TP cũng "khớp" với công bố của Nhóm nghiên cứu chính sách lao động - việc làm thuộc Khoa Kinh tế - Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (thành viên của Đại học Kinh tế TP.HCM).

Theo nghiên cứu của nhóm này, trong quý IV chỉ có khoảng 377.000/1,3 triệu lao động rời TP.HCM trong đợt dịch vừa qua quay lại làm việc (chiếm tỷ lệ khoảng 29%). Dự kiến, sau Tết Nguyên đán, số lao động không quay lại TP là hơn 140.000 người.

TS Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước - khuyến nghị: Ngoài các giải pháp thu hút người lao động trước mắt như hỗ trợ giới thiệu việc làm, tạm ứng lương, tạo điều kiện về chỗ ở, tiêm vaccine, xét nghiệm, phương tiện di chuyển thì trong dài hạn, cơ quan quản lý Nhà nước nên đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ kết nối việc làm, đặc biệt là nhóm lao động trình độ thấp, ít kỹ năng để giúp người lao động có thể tìm việc từ xa.

"Khi đã xác định được công việc chắc chắn, họ có thể lập kế hoạch di chuyển và sinh sống dễ dàng hơn. Qua đó cũng tạo ra cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, giúp các cơ quan hoạch định chính sách có thông tin chính xác hơn về cung cầu lao động tại từng địa phương để có giải pháp phù hợp", ông Nam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem