Thứ bảy, 20/04/2024

Kế hoạch phục hồi kinh tế cần ưu tiên gì?

05/11/2021 7:00 AM (GMT+7)

TS Võ Trí Thành cho rằng điều doanh nghiệp đang cần nhất là được bơm vốn, giải bài toán thiếu lao động còn nền kinh tế cần khơi thông tổng cầu.


Nền kinh tế vừa trải qua "cơn dư chấn" từ đợt dịch lần thứ tư trải dài trên nhiều tỉnh, thành. Việc nới lỏng các hạn chế, thay đổi phương thức chống dịch sang thích ứng an toàn với Covid-19 và trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp giúp sản xuất khởi sắc trở lại. Từ tháng 10, lần đầu sau 4 tháng giảm liên tiếp, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), vượt ngưỡng 50 điểm lên 52,1 điểm, xác nhận sự mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), các doanh nghiệp gần như đã cạn lực. Những hỗ trợ thiết thực nhất lúc này là thị trường, việc làm và thanh khoản. Tức là, Chính phủ nên có hỗ trợ doanh nghiệp về sinh kế để họ tiếp tục duy trì sản xuất, phục hồi sau dịch.

"Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện đủ lớn, đủ dài về thời gian (2 năm), đủ quyết liệt và mạnh mẽ hơn vì những tổn thất của doanh nghiệp là nhiều chưa từng có. Họ cần nguồn lực để vượt khó, cải cách cũng như bắt nhịp đà hồi phục của thế giới", ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM nói với VnExpress.

Ông phân tích, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ gồm cả giải pháp trước mắt để doanh nghiệp duy trì sản xuất và giải pháp lâu dài. Về lâu dài, kịch bản hồi phục kinh tế cần có thể chế mới để thúc đẩy sự chuyển dịch, kích thích đầu tư, tiêu dùng hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động và cải cách môi trường kinh doanh.

Kế hoạch phục hồi kinh tế cần ưu tiên gì? - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony (quận Tân Bình, TP HCM), ngày 21/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Phần lớn doanh nghiệp cho rằng, họ cần được ưu tiên hỗ trợ nguồn tiền thật, để giảm sức ép về tài chính, thay vì các chính sách giãn, hoãn nợ, thuế, phí trước đây.

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, từ cuối tháng 9, nhà xưởng nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã sáng đèn 24/24 trở lại. Các doanh nghiệp ngành này đang tăng sản xuất để "bù" các đơn hàng bị chậm trong thời gian giãn cách.

Sản xuất trở lại nhưng không hẳn vì thế ngành dệt may đã hết khó khăn. 9 tháng, Vinatex lãi vượt 20% kế hoạch năm 2021 song ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch tập đoàn nói vẫn gặp nhiều sức ép. Đó là sức ép về phục hồi sản xuất nhanh sau giãn cách, tỷ lệ lao động quay trở lại doanh nghiệp ở phía Nam; khó khăn về thuyết phục và tái kết nối khách hàng sau 3 tháng gián đoạn và áp lực về tài chính trong ngắn, trung hạn.

Thực tế, từ năm ngoái, các chương trình hỗ trợ giảm lãi vay cho doanh nghiệp đã được ngành ngân hàng đưa ra, như khoanh, giãn nợ, giảm lãi vay... Sắp tới có thể có gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất 2-3% cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng như vận tải, du lịch lữ hành... như Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội ngày 29/10.

Nhưng trong bối cảnh này, các chuyên gia lưu ý, giảm lãi suất thôi vẫn chưa đủ, bởi nếu giảm lãi suất mà doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng thì vay lãi thấp hay cao cũng như vậy.

Để quay lại thị trường, doanh nghiệp cần vốn nhưng thế khó ở đây là nhiều doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn kinh doanh đình đốn, kết quả sa sút, liệu ngân hàng có dám cho "một người yếu" vay tiền? Hay như một số doanh nghiệp đã được cơ cấu, miễn giảm lãi vay sẽ bị xếp vào diện "sức khoẻ kém" cũng khó lòng tiếp cận nguồn vốn mới.

Nói với VnExpress, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng không thể lấy tư duy truyền thống để đối chọi với một cú sốc chưa có tiền lệ như Covid-19. Ông đề xuất, giải pháp ở đây là ngân hàng "nới lỏng điều kiện cho vay" trong một thời gian nhất định nhưng không tạo ra rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Về nguồn tiền thật đến từ, đâu, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, ngoài hỗ trợ từ ngân hàng, có thể giúp doanh nghiệp qua chính sách tài khoá. "Nếu thiếu tiền, Chính phủ vay Ngân hàng Trung ương, phát hành trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này", ông nói tại toạ đàm của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tuần trước.

Cho rằng dư địa để phục hồi kinh tế còn rất lớn, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá, "phải chi mạnh hơn, không thể tiết kiệm như vừa rồi". Ngoài lãi suất, có thể mở cung tiền, tăng tín dụng, có những gói tín dụng đặc biệt.

Về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp ưu tiên hỗ trợ, theo ông Võ Trí Thành, nên đồng thời dựa trên mức độ thiệt hại do dịch gây ra; sự lan toả, đóng góp vào ngân sách, nền kinh tế của các ngành, lĩnh vực. Chẳng hạn, lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ..., những ngành sản xuất chủ lực đóng góp hàng chục tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung. Hay ngành xây dựng, khi các dự án đầu tư xây dựng được khởi động, thông suốt sẽ mang tính lan toả, tạo việc làm, tăng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác.

Kế hoạch phục hồi kinh tế cần ưu tiên gì? - Ảnh 2.

Các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt dịch thứ 4. Click để xem chi tiết. Đồ hoạ: Tiến Thành

Ngoài ra, ông Cung lưu ý, chương trình khôi phục kinh tế cần ưu tiên trụ cột phát triển hạ tầng (hạ tầng truyền thống và kinh tế số) gắn với đầu tư công.

Đầu tư công được coi là động lực, cũng là "vốn mồi" kích thích tăng trưởng, tạo việc làm và vực dậy kinh tế trong dịch bệnh. Do đó, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV và năm 2022, bên cạnh sự hồi phục của xuất khẩu, thu hút FDI, tiêu dùng nội địa và sản xuất chưa thể khôi phục hoàn toàn như trước do tác động kéo dài của các đơn giãn cách xã hội.

Cơ cấu lại thị trường lao động cũng là bài toán cần ưu tiên giải quyết sau dịch, đặc biệt sau khi đợt dịch thứ 4 chứng kiến cuộc di cư của hàng vạn lao động, khiến các doanh nghiệp thiếu hụt lao động khi trở lại sản xuất.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), đánh giá cơ cấu lại lao động, an sinh là bài toán cần giải của quá trình phục hồi kinh tế. Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ đang đẩy mạnh sản xuất sau thời gian dài ngưng trệ vì dịch. Đơn hàng nhiều, nhưng họ lại đối diện mối lo thiếu lao động do sản xuất.

Cùng quan điểm này, TS Võ Trí Thành cũng nói, lát cắt về phục hồi lao động cần là một trong những trụ cột ưu tiên của chương trình phục hồi kinh tế. Việc này trong ngắn hạn sẽ giúp doanh nghiệp thu hút lại lao động, quay trở lại vận hành với công suất cao như trước thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, đào tạo kỹ năng mới... Về dài hạn, cơ cấu lại thị trường lao động, theo ông Thành, cần gắn với bài toán về an sinh như chính sách nhà ở xã hội cho người lao động để họ "an cư, lạc nghiệp".

Ngoài tăng ở phía cung, giải pháp kích cầu tiêu dùng cũng cần tính đến, nhất là khi tổng cầu đã yếu và suy giảm 4 tháng gần đây vì dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục giảm từ tháng 7. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với cùng kỳ 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 19,8%; tháng 8 giảm 33,7%; tháng 9 giảm 28,4%. Tháng 10 nhích tăng trở lại so với tháng 9, nhưng vẫn giảm 19,5% so với cùng kỳ 2020.

Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ tiêu dùng giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sức chi tiêu của người dân suy giảm, doanh nghiệp chưa gượng dậy sau đợt giãn cách xã hội kéo dài khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,81% trong 10 tháng đầu năm. Đây cũng là mức tăng thấp nhất từ năm 2016.

Do đó, ngoài đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kích thích đầu tư xã hội để tăng tổng cầu, giải pháp cần tính tới trong gói phục hồi kinh tế là kích thích tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho. Các chuyên gia cho rằng nên có ngay những giải pháp hữu hiệu để kích thích tiêu dùng trong nước đồng bộ với tiến trình cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, như giải pháp về tăng thu nhập, kênh phân phối, khơi thông nguồn lực vào các lĩnh vực tạo của cải thay vì "chảy" vào các kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản...

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng không còn đứng ở mức đỉnh "chót vót" ghi nhận trong ngày hôm qua đối với vàng nhẫn 9999, song giá vàng miếng SJC vẫn đang "đu đỉnh" gần 85 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia chỉ điểm "bình thường" và "bất thường" khi vàng "nhảy múa".

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Trong khi phân khúc chung cư tăng giá vùn vụt suốt cả năm 2023 kéo dài tới hiện tại vẫn ở biểu đồ đi lên thì đất nền, nhất là đất ven đô lại "ngủ" khá lâu.