Kể chuyện làng: "Đường đi" của cây thanh long ở làng tôi

Ngô Khiêm Thứ bảy, ngày 11/11/2023 08:06 AM (GMT+7)
Nhiều lần về quê thấy quả thanh long chín đỏ bạt ngàn trên khắp cánh đồng khiến tôi tự hỏi, tại sao đặc sản nổi tiếng của đất Bình Thuận lại hiện diện ở làng tôi - làng Đại Uyên (xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) nhiều đến vậy?
Bình luận 0
Kể chuyện làng: "Đường đi" của cây thanh long ở làng tôi - Ảnh 1.

Vườn Thanh Long. Ảnh: Ngô Khiêm

Thú thực tôi cũng không biết "phong trào" trồng thanh long ở làng mình diễn ra từ khi nào, chỉ biết rằng mỗi lần về quê thì thấy diện tích trồng thanh long lại nhiều lên. Những khu đất trũng xưa kia chỉ có thể trồng lúa thì nay đã được bà con "sáng tạo" hút bùn cao lên, quây tường bao bằng dây thép gai để thành những mảnh vườn thanh long gọn gàng, vuông vắn.

Mỗi dịp về quê đi một vòng khắp từ trên làng xuống dưới làng, từ trong vườn nhà đến các khu vườn bãi mới thấy đâu đâu cũng là thanh long, nhất là khi vào mùa thì ong bay bướm lượn hút mật suốt đêm và buổi sáng sớm. Hoa thanh long có màu trắng tinh khôi và lại nở vào ban đêm nên có người ví nó như những bông hoa quỳnh toát lên vẻ đẹp "thánh thiện trong đêm tối".

Kể chuyện làng: "Đường đi" của cây thanh long ở làng tôi - Ảnh 2.

Trái Thanh Long. Ảnh: Ngô Khiêm

Không thể phủ nhận cây thanh long đã làm đổi thay làng quê yêu dấu của tôi. Như mẹ tôi bảo, so với cấy lúa thì trồng thanh long đem lại thu nhập cao gấp 2, 3 lần mà cách trồng lại đơn giản vô cùng, không phải chăm sóc nhiều. Mà cũng lạ lắm, ở làng quê tôi khi trồng cây nào "thắng" (ý nói đem lại hiệu quả kinh tế cao) là mọi người lại đua nhau trồng và tất nhiên như thế sẽ khó tránh khỏi "bài ca muôn thuở" là "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Tương tự như trước đây tôi đã chứng kiến các cây sả, ổi, na, vải, nhãn, bưởi, mít…

Tôi không nhớ cây thanh long đích xác xuất hiện ở làng mình từ khi nào nhưng tôi biết cây thanh long đầu tiên trong làng là trong vườn nhà bà Nhài ở giữa xóm. Chẳng là bà Nhài trong một lần vào chơi với con trong miền Nam đã mang giống cây này về trồng.

Kể chuyện làng: "Đường đi" của cây thanh long ở làng tôi - Ảnh 3.

Thanh Long mới thu hoạch. Ảnh: Ngô Khiêm

Với đặc tính phải có bệ đỡ nên bà Nhài trồng nó trên phần đất sát ngay cổng. Mà cũng thật đáng thương cho chiếc cổng vững chãi ngày nào bị "mẹ con" cành thanh long đè lên cứ lớp này đến lớp khác khiến nó xập xệ theo năm tháng.

Do gốc cây trồng ở trong vườn nên phần tán chủ yếu lan ra mé ngoài cổng và đó là "cơ hội" cho chúng tôi cứ vào mùa lại rủ nhau đến rình trước cổng nhà bà xem có quả nào thò ra là nhảy lên vặt trộm. Tất nhiên chia nhau ra mỗi đứa được một, hai miếng bõ bèn gì so với "cơn thèm" của lũ "quỷ sứ" háu ăn như chúng tôi.

Những trái thanh long trắng mọng nước, ngọt như đường cứ khắc khoải chúng tôi mãi. Mà tôi còn ngây thơ đến nỗi cứ tưởng hạt trong quả thanh long chính là những hạt vừng đen mà ai đó đã bỏ vào trong đó để tặng lũ chúng tôi vậy.

Kể chuyện làng: "Đường đi" của cây thanh long ở làng tôi - Ảnh 4.

Ruột Thanh Long đỏ. Ảnh: Ngô Khiêm

Dần dần từ cây nhà bà Nhài, mọi người đã xin cành về trồng rồi lan rộng ra nhiều đến nỗi nhà nào cũng có ít nhất một cây. Tôi cũng đã xin vài cành trồng dựa vào chiếc cột gỗ ở giữa vườn. Tôi háo hức đến nỗi mỗi sáng đều dậy sớm ra ngắm xem thân cây đã dài ra bao nhiêu, đã lớn như thế nào. Nhưng trớ trêu thay, khi chưa kịp ra quả thì sức nặng của thân cây thanh long đã khiến cây gỗ bị đổ gục xuống làm tôi tiếc "đứt ruột", nhớ thương suốt bao ngày.

Tôi nhớ thời điểm năm 2003, bố tôi vào miền Nam ăn cưới người cháu khi ra đã mang theo một sọt hoa quả, trong đó có những quả thanh long. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy quả thanh long to, chín đẹp như thế và cũng là đầu tiên tôi được ăn nó một cách "đàng hoàng", một cách thỏa thích.

Cũng vào mùa Thu năm ấy, khi Nhà nước có chủ trương "Dồn ô đổi thửa", bố mẹ tôi đã mạnh dạn chuyển đổi hơn mẫu đất trồng lúa để làm thành vườn cây, ao cá. Khi ấy vườn được bố mẹ tôi trồng đủ mọi cây nhưng tuyệt nhiên không có cây thanh long nào bởi có ai nghĩ nó sẽ là cây sinh kế?

Thế rồi bẵng đi một thời gian khi tôi lên Hà Nội học đại học thì cây thanh long được bố mẹ tôi cùng các hộ gia đình khác trồng nhiều hơn. Tôi nhớ nhiều lần về quê giữa trời tiết nắng nóng, bố mẹ tôi cứ cặm cụi đổ từng cột bê tông rồi lại cùng nhau vác ra những hố đã đào trước và rồi người giữ thăng bằng, người vun đất vào để dựng nó lên một cách chắc chắn. Dường như đó là khâu vất vả nhất của quá trình trồng thanh long, bởi từ khi "đặt" (trồng) cành thành long đến khi cho ra quả thì công sức không mất nhiều, nhất là việc nó hơi giống cây xương rồng chẳng phải tưới tắm nhiều.

Tất nhiên quả thanh long làng tôi không thể so sánh với đặc sản của vùng đất Bình Thuận được, nó nhỏ hơn nhiều nhưng ăn lại rất ngọt, rất đậm. Sau này không chỉ có quả thanh long trắng, các hộ đã chuyển sang trồng thanh long đỏ vì ăn ngon hơn, cho năng suất cao hơn. Nhiều lần bạn bè của tôi từ Hà Nội về chơi đều tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy những quả thanh long "bé tẹo" (so với thanh long Bình Thuận) nhưng ăn lại ngọt hơn, ngon hơn so với những quả thanh long mà họ thường mua trong các chợ và các cửa hàng hoa quả ở Thủ đô.

Mùa thanh long chín rộ, giá rẻ, tiếc công sức bỏ ra nên chị tôi (hiện sống ở thành phố Hải Dương) lại đăng lên Facebook để bán và như một cách để đem sản phẩm ngon, sạch đến tận tay người tiêu dùng. Ai ai cũng khen thứ quả ngon ngọt, bổ dưỡng mà không hề nghĩ vùng quê xứ Đông lại có thể trồng được.

Kể chuyện làng: "Đường đi" của cây thanh long ở làng tôi - Ảnh 5.

Trồng thanh long. Ảnh: Ngô Khiêm

Giờ đây thì "cây thanh long tổ" của làng đã không còn nữa, do chủ mới của căn nhà là bác Tuấn trong vài năm gần đây xây nhà mới, xây cổng mới nên đã phá chúng đi. Thế nhưng điều đó cũng không quan trọng nữa vì giờ đây thanh long đã được nhân giống rộng khắp và là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của làng tôi. Có người dân nào ở làng Đại Uyên còn nhớ đến "cây thanh long tổ" này cũng như biết về mối liên hệ giữa nó với những cây thanh long đang từng ngày, từng ngày xanh tốt trên mảnh đất màu mỡ ở làng hiện nay?

Còn tôi, nhìn những quả thanh long mà anh chị tôi đăng lên Facebook lại đang mơ màng về những cành thanh long vươn lên kiêu hãnh đón ánh mặt trời, những quả thanh long đỏ rực vùng trời xứ Đông. Đó dường như là hiện thân cho tinh thần, ý chí trong công cuộc vươn lên thoát nghèo bền vững của những người nông dân chân chất, thật thà, chịu thương chịu khó quê tôi.

Đáng mừng là vừa qua, xã tôi đã là một trong 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hải Dương mà một trong những sản phẩm chủ lực đưa xã nhà đạt danh hiệu ấy chính là thanh long.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem