Đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, huyện nghèo của TP.HCM cán đích nông thôn mới

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 29/04/2022 17:34 PM (GMT+7)
Sáng 29/4, UBND TP.HCM tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện Bình Chánh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đây là huyện cuối cùng trong số 5 huyện của TP về đích nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam, xuất phát điểm làm NTM của huyện Bình Chánh rất thấp. Thế nhưng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, qua 10 năm làm nông thôn mới, diện mạo Bình Chánh đã thay đổi rõ rệt.

Đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, huyện nghèo của TP.HCM cán đích nông thôn mới - Ảnh 1.

Lễ công bố huyện Bình Chánh đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng

Đồng thuận làm nông thôn mới

Huyện Bình Chánh là cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố. Huyện có diện tích hơn 25.225ha, với 16 xã và 1 thị trấn. Dân số hơn 848.000 người (2021).

Năm 2010, huyện Bình Chánh bắt tay xây dựng chương trình nông thôn mới. Lúc bấy giờ xuất phát điểm làm nông thôn mới của Bình Chánh khá thấp, trung bình đạt 5/19 tiêu chí.

Một số tiêu chí rất khó khăn, như: Quy hoạch chưa được phê duyệt; giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế… chưa đồng bộ; sản xuất, dịch vụ nhỏ lẻ; nông nghiệp chủ yếu trồng lúa nước, cây lâu năm.

Song song đó, kinh tế tập thể chưa hình thành, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Trung bình hơn 17 triệu đồng/người/năm.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải tràn lan…

Để xây dựng chương trình nông thôn mới, thay đổi diện mạo nông thôn, 10 năm qua, huyện Bình Chánh đã đầu tư hơn 12.595 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng.

Đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, huyện nghèo của TP.HCM cán đích nông thôn mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Mới (ấp 4, xã Lê Minh Xuân) trồng hoa ven đường ở xã nông thôn mới Lê Minh Xuân. Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Nam, huyện Bình Chánh đã chủ động sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng nông thôn mới.

Hiện, thu nhập của người dân Bình Chánh đạt hơn 69 triệu đồng/người/năm, tăng 4 lần so với năm 2010. Đặc biệt, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Xuân Mới (ấp 4, xã Lê Minh Xuân) chia sẻ, sự thay đổi rõ rệt nhất kể từ khi địa phương làm nông thôn mới là mở rộng con đường đất rộng hơn 1m trước nhà ông thành 4m và trải nhựa phẳng lì.

"Nhiều người dân trồng hoa ven đường khiến con đường càng đẹp thêm", ông Mới thổ lộ.

Tiến lên nông thôn mới kiểu mẫu

Theo ông Nam, hiện tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở Bình Chánh đang diễn biến khá nhanh. 

Trong sản xuất nông nghiệp nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng KHCN phát triển nhanh, như mô hình trồng mai vàng, bưởi da xanh, nuôi cá kiểng,…

Đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, huyện nghèo của TP.HCM cán đích nông thôn mới - Ảnh 4.

Mô hình nuôi cá Koi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở huyện nông thôn mới Bình Chánh. Ảnh: Trần Đáng

Điều này, giúp đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người ở Bình Chánh năm 2020 đạt hơn 69 triệu đồng/người/năm.

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đánh giá cao và biểu dương những thành tựu mà Bình Chánh đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Hoan, 10 năm làm nông thôn mới ở Bình Chánh, TP đã quan tâm đầu tư 709 công trình giao thông nông thôn, 269 công trình thủy lợi, đầu tư sửa chữa và đưa vào sử dụng 85 điểm trường, 137 cơ sở vật chất văn hóa…

Qua đó, đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Bình Chánh.

Ông Hoan đề nghị, để giữ vững kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Chánh tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, huyện nghèo của TP.HCM cán đích nông thôn mới - Ảnh 5.

Rất đông cán bộ, người dân tham dự lễ công bố huyện Bình Chánh đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Trần Đáng

"Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, Bình Chánh có ít nhất 50 xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần đưa TP hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới giai đoạn 2021-2025", ông Hoan chỉ đạo.

Tại buổi lễ, nhân dân và cán bộ huyện Bình Chánh vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem