Nơi tôi ở là một khu tập thể của những người công nhân làm cầu Thăng Long. Do bố mẹ là công nhân nên ngoài gạo mậu dịch ra, chúng tôi thường được ăn độn với bột mỳ.
Để nuốt trôi thứ bột đó ngày này qua ngày khác thì phải chế biến theo nhiều cách như hấp, luộc, dán... Nhưng dẫu chế biến theo cách gì, ăn bánh bột mỳ vẫn là một thứ cực hình bởi nó nhạt nhẽo vô vị. Dễ ăn nhất vẫn là món bột mỳ dán nóng hổi và phải có thêm chút đường vào. Nhưng đó là một thứ xa xỉ không phải ngày nào cũng có.
![]() |
Mùi thơm nức pha trộn của bột mỳ, trứng, sữa... tỏa ra từ chiếc lò làm bánh lưu giữ sâu trong ký ức của tác giả. Ảnh: TL |
Bột mỳ sẵn nên người lớn đã nghĩ ra cách biến chúng thành những chiếc bánh quy vào mỗi dịp Tết đến để vừa có món đãi khách vừa giải quyết bớt số bột mỳ đã quá ngán ngẩm ngày thường. Cứ khoảng độ sau ngày rằm tháng chạp, ở khu tập thể chúng tôi lại có một chiếc lò làm bánh quy được xây lên. Nói là xây nhưng thực ra chiếc lò được đắp qua loa bằng gạch và đất sét để dễ dàng phá bỏ khi qua Tết. Chiếc lò bánh quy chính là dấu hiệu đầu tiên báo cho lũ trẻ con chúng tôi biết là Tết đã sắp đến.
Ban ngày người lớn đi làm nên buổi tối mới là khoảng thời gian để làm bánh. Khi đó xung quanh chiếc lò lúc nào cũng đông vui tấp nập. Người đánh trứng nhào bột trong chậu, người dàn bột trên chiếc bàn lớn rồi dùng những chiếc khuôn sắt luôn tay đóng dập tạo ra những chiếc bánh có hình vuông, hình tròn, hình con cá... xếp vào khay nướng. Phía cửa lò có một người liên tục kiểm tra để lấy những khay bánh đã chín ra và đưa chiếc khay mới vào...
Không có một công thức làm bánh cố định nào cả. Tất cả phụ thuộc vào điều kiện của mỗi nhà. Nhà nào có điều kiện sẽ có nhiều trứng, đường, sữa hơn và đương nhiên bánh quy sẽ thơm ngon hơn. Ngược lại, những nhà ít tiền thì các thứ gia vị kể trên sẽ giảm bớt đi, thậm chí không có cả chút sữa nào cũng chẳng sao, bánh vẫn thơm ngon khác thường bởi vào ngày thường làm gì có bánh mà ăn.
Lũ trẻ con chúng tôi không hẹn nhưng cứ đến tối là gặp nhau ở chỗ chiếc lò làm bánh. Ở đó chúng tôi thấy được không khí tấp nập của những ngày trước Tết, được sưởi ấm bởi thứ hơi nóng hầm hập tỏa ra từ chiếc lò than giữa đêm đông giá rét. Và hơn hết chúng tôi được hít hà mùi hương thơm lừng tỏa ra từ những mẻ trong lò. Thứ hương rất đặc biệt bởi nó được pha trộn của bột mỳ, trứng, sữa...
Dĩ nhiên chúng tôi không đến đó chỉ để hít hà mùi hương của bánh. Chúng tôi chạy quanh những chiếc chậu nhào bánh để mót vét những lớp váng bột còn sót lại trong đó, chúng tôi lởn vởn quanh chiếc bàn cán bánh để xem có chút đầu thừa đuôi thẹo nào thì xin rồi chia cho nhau. Khi mỗi đứa đã có được một chút bột cỡ bằng hòn bi ve, chúng tôi đem cắm vào đầu chiếc que tre, bóp dẹt rồi cho vào trong lò để nướng. Dưới sức nóng và ánh sáng của than cháy trong lò, mặt chúng tôi đứa nào cũng ửng đỏ, mắt sáng rực lên vì háo hức chờ đợi thành quả.
Thường thì bên ngoài chiếc bánh bị cháy đen và bên trong vẫn chưa chín hẳn. Dẫu vậy chúng tôi vẫn thấy đó là những chiếc bánh thơm ngon nhất bởi do chính tay mình tạo ra. Ăn xong chiếc bánh đó, chúng tôi lại quay ra lượn lờ quanh những chiếc chậu và cái bàn cán bánh để lặp lại chu trình vét nhặt bột. Chúng tôi cứ lượn lờ như vậy cho đến khi mẻ bánh cuối cùng trong ngày ra lò mới về nghỉ.
![]() |
Người dân trưng hoa đón Tết. Ảnh: TL |
Càng đến những ngày giáp Tết, quanh chiếc lò bánh càng thêm đông vui tấp nập và hương thơm của bánh cũng đậm đà hơn. Có đêm chúng tôi phải tiếc nuối về ngủ khi vẫn còn hàng chục người xếp hàng chờ đến lượt làm bánh.
Sung sướng nhất với tôi đó là khi bố tôi mang các thứ bột mỳ, đường, trứng... đến để làm bánh cho nhà mình. Khi đó tôi sẽ được giúp bố nhào bột trong chậu và lại tự tay cầm những chiếc khuôn để tạo ra những chiếc bánh hình vuông, hình chữ nhật, hình con cá cho nhà mình.
Chưa có bánh thì thôi chứ có rồi không thể nào mà để dành được. Thấy chúng tôi háo hức, mỗi sáng ra bố lại chia cho chúng tôi mỗi đứa dăm bảy cái để ăn thay cho cơm sáng. Vậy là chúng tôi được ăn Tết sớm, bánh hơi cứng nhưng lúc nào cũng thấy rất ngon...
Mấy chục năm đã trôi qua, cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều. Bây giờ có rất nhiều loại bánh, tất cả đều mềm hơn, ngon hơn, thơm hơn... Nhưng với tôi mùi vị của Tết mà tôi lưu giữ sâu nhất trong ký ức của mình chính là mùi thơm nức pha trộn của bột mỳ, trứng, sữa... tỏa ra từ chiếc lò làm bánh. Và mỗi khi Tết sắp đến, tôi lại thèm có được cái cảm giác chộn rộn, nóng bừng một nửa người khi đứng quanh quẩn bên chiếc lò làm bánh như những Tết thủa nào.
ĐẶNG NGỌC HƯNG
(Đông Anh, Hà Nội)
Ban tổ chức cuộc thi Nhớ thương mùi Tết tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2021.
Bài dự thi gửi về email: nhotet@thegioitiepthi.vn hoặc địa chỉ: số 57 đường 10, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM. Tiêu đề bài viết gửi qua email hoặc bì thư ghi: Dự thi “Nhớ thương mùi Tết”. Vui lòng ghi rõ thông tin tác giả: địa chỉ, số điện thoại, tài khoản.
Lễ trao thưởng tổ chức ngày 26/2/2021 (Rằm tháng Giêng).
![]() |
Gửi bình luận