Hợp tác xã tham gia chương trình OCOP - đòn bẩy bền vững cho ngành nghề nông thôn TP.HCM

An Hải Thứ hai, ngày 09/10/2023 15:11 PM (GMT+7)
Các hợp tác xã hoạt động ngành nghề nông thôn tại TP.HCM tham gia chương trình OCOP đang giúp sản phẩm nghề nông thôn TP.HCM vươn xa và bền vững hơn.
Bình luận 0

Nghề chế biến khô thủy sản (huyện Cần Giờ, TP.HCM ) được UBND TP.HCM định hướng bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn, ngành nghề nông thôn truyền thống giai đoạn 2022-2025. Đặc trưng của nghề chế biến khô thủy sản giúp tăng giá trị thủy sản của địa phương. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm đưa ra thị trường, hướng đến xây dựng thương hiệu bền vững.

Hợp tác xã tham gia chương trình OCOP là đòn bẩy bền vững cho ngành nghề nông thôn TP.HCM - Ảnh 1.

Những hợp tác xã tham gia chương trình OCOP là đòn bẩy bền vững cho ngành nghề nông thôn TP.HCM. Ảnh: A.H

Hiện nay, những sản phẩm của nghề chế chế biến khô thủy sản Cần Giờ đang hướng đến hoàn thiện thương hiệu, không còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát như ngày xưa. Thay vào đó, là sự hình thành của các hợp tác xã, giúp các hộ sản xuất có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng thương hiệu, kiểm soát đầu ra. Trong đó, việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP được xem là trọng tâm.

Năm 2022, huyện Cần Giờ được công nhận 12 sản phẩm OCOP 4 sao, trong đó có đến 4 sản phẩm liên quan đến chế biến khô thủy sản. Huyện Cần Giờ đang định hướng phát triển sản phẩm OCOP thêm cho các mặt hàng như: khô cá đù, cá thu, cá lưỡi trâu và khô mực.

Tại Quyết định số 3065/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND TP.HCM về triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Điều kiện hỗ trợ là các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, OCOP.

Các chủ thể này được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xây dựng một số trung tâm xúc tiến thương mại (bán và giới thiệu sản phẩm); hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể tại các địa phương. Hỗ trợ xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử cho các tổ chức kinh tế tập thể.

Hợp tác xã tham gia chương trình OCOP là đòn bẩy bền vững cho ngành nghề nông thôn TP.HCM - Ảnh 3.

Sản phẩm cá dứa một nắng nổi tiếng Cần Giờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu. Ảnh: Sở KH-CN TP.HCM

Theo quyết định này, ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể.

Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài; tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể; hỗ trợ hợp tác xã trong việc đăng ký chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng một số trung tâm xúc tiến thương mại của các tổ chức kinh tế tập thể và kinh phí duy trì, vận hành trung tâm trong 3 năm đầu, các năm tiếp theo do các trung tâm tự chủ.

Ngày 8/6/2022, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, thành phố đặt mục tiêu như sau:

- Năm 2022: 41 sản phẩm (dự kiến có 22 sản phẩm đạt 3 sao và 19 sản phẩm đạt 4 sao).

- Năm 2023: 27 sản phẩm (dự kiến có 15 sản phẩm đạt 3 sao và 12 sản phẩm đạt 4 sao).

- Năm 2024: 28 sản phẩm (dự kiến có 14 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao).

- Năm 2025: 28 sản phẩm (dự kiến có 14 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem