Thứ sáu, 19/04/2024

Hiểu biết tài chính quyết định tương lai của người trẻ

21/11/2021 6:30 AM (GMT+7)

TS Đinh Thị Thanh Vân nhấn mạnh hiểu biết tài chính có vai trò quan trọng và là một trong những kỹ năng sinh tồn đối với người trẻ Việt Nam hiện đại. TS Đinh Thị Thanh Vân, Quyền trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Hiểu biết tài chính quyết định tương lai của người trẻ - Ảnh 1.

TS Đinh Thị Thanh Vân, Quyền trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

7 năm trước, trở về nước sau khi kết thúc một chương trình trao đổi giáo dục tại Mỹ, TS Đinh Thị Thanh Vân, Quyền trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thành lập một nhóm nghiên cứu và đào tạo lấy tên là Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam. Nhóm nghiên cứu bao gồm những nhà giáo dục, nhà hoạch định thực tiễn trong và ngoài nước cùng chung mối quan tâm về giáo dục tài chính cá nhân ở Việt Nam. Hoạt động chính của nhóm là nghiên cứu, kết nối và tổ chức giáo dục tài chính cho sinh viên, học sinh và các nhóm đối tượng yếu thế tại Việt Nam.

“Các cơ sở đào tạo đã giảng dạy nhiều về tài chính doanh nghiệp, tài chính công nhưng lại chưa chú trọng tới việc giáo dục về tài chính cá nhân, tài chính hộ gia đình cho học sinh, sinh viên. Trên thực tế, nếu tài chính của cá nhân mình, gia đình mình mà không quản lý tốt thì cũng khó quản lý tốt tài chính của doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước. Tiền bạc là vấn đề cá nhân và nhạy cảm, hầu hết chúng ta thường tự học từ việc quan sát người xung quanh, từ kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn của bản thân. Việc không được đào tạo giáo dục tài chính từ nhỏ là thiệt thòi cho học sinh và sinh viên”, TS Vân giải thích về quyết định theo đuổi lĩnh vực tài chính cá nhân của mình.

Kinh nghiệm xứ người

Diễn đàn Kinh tế thế giới từ 2015 đã chỉ ra bên cạnh các kĩ năng cần thiết về đọc, viết, khoa học, công nghệ… thì kiến thức và kĩ năng quản lý tài chính cá nhân là điều vô cùng quan trọng để tồn tại trong xã hội ngày nay. Kỹ năng này cần được đào tạo từ rất sớm và phải không ngừng được rèn luyện suốt đời. Ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Singapore, New Zealand… các chương trình giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên rất được coi trọng.

Đơn cử tại Mỹ, nơi TS Vân đang tham gia giảng dạy các chương trình giáo dục kinh tế và tài chính tại một số trường đại học, cao đẳng cộng đồng, trung học theo chương trình trao đổi giáo dục của chính phủ Mỹ, có rất nhiều học sinh phổ thông trung học tham gia các lớp học về tài chính cá nhân, quản lý tiền ở bậc đại học. Người Mỹ đặc biệt coi trọng giáo dục tài chính trong nhà trường.

“Khoảng 25 bang của nước Mỹ yêu cầu học sinh phổ thông bắt buộc phải học lớp Quản lý tài chính cá nhân trước khi tốt nghiệp trung học. Theo một khảo sát gần đây, 80% người Mỹ cho rằng học sinh trung học cần phải được học tài chính cá nhân. Quỹ Charles Schwab là một quỹ đầu tư lớn ở Mỹ đã tài trợ và có kế hoạch tài trợ cho học sinh tại toàn bộ trường học trung học cơ sở, phổ thông trung học của nước này sẽ được học tài chính cá nhân miễn phí vào năm 2025”, TS Vân cho biết.

Tại Mỹ, các trường thường cung cấp các khoá học với tên gọi là “Money Management”, “Personal Finance” hoặc “Financial Planning” cho học sinh, sinh viên. Ví dụ, khoá học “Money Management” (quản lý tiền bạc) cung cấp các kiến thức rất cơ bản và thực tiễn cho sinh viên và học sinh về quản lý chi tiêu, lập kế hoạch ngân sách, tiết kiệm, thu nhập, thẻ tín dụng, thuế thu nhập cá nhân, tham gia đầu tư, hiểu về quyền lợi người tiêu dùng tài chính và quản lý các vấn đề thanh khoản cá nhân. Khoá học “Personal Finance” (tài chính cá nhân) hay “Financial Planning” (lập kế hoạch tài chính) thì toàn diện hơn, cung cấp các vấn đề hoạch định tài chính cơ bản của cá nhân trong cả cuộc đời.

TS Vân cho biết, một số trường đại học ở Mỹ có cả chương trình cử nhân, thạc sĩ và cả tiến sĩ về “Financial Planning”. Bên cạnh đó, những sinh viên tốt nghiệp chương trình “Financial Planning” có thể thi để lấy các chứng chỉ nghề nghiệp Hoạch định tài chính cá nhân (Certified Financial Planning) để hành nghề tư vấn tài chính cá nhân tại Mỹ. Nhiều trường đại học ở Mỹ cũng thành lập các Trung tâm giáo dục tài chính riêng, để sinh viên các ngành học hoặc sau khi tốt nghiệp vẫn có thể quay lại để học tập kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.

Hành trình tại Việt Nam

Nhìn lại Việt Nam, TS Vân cho rằng học sinh, sinh viên Việt Nam rất thông minh, nhiều người đã nhận thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân và bắt đầu từ rất sớm. Tuy nhiên, việc giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông và sinh viên vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh. Sớm hơn cả, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa kiến thức lĩnh vực này vào giảng đường và trở thành đơn vị nổi bật trong hoạt động về tài chính cá nhân. Hàng năm, trường tổ chức các cuộc thi về tài chính cá nhân cho sinh viên toàn quốc. Trường cũng là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước có Câu lạc bộ Tài chính cá nhân. Sinh viên của câu lạc bộ này được tham gia sinh hoạt, hội thảo, tư vấn và phát sách giáo dục tài chính miễn phí. Môn học Tài chính cá nhân cũng được đưa vào khung chương trình đào tạo và đã được triển khai đều đặn trong các năm qua.

“Hầu hết sinh viên sau khi học và tham gia cuộc thi của chúng tôi thừa nhận họ có sự thay đổi rõ nét trong việc quản lý tài chính cá nhân”, TS Vân cho biết.

Cũng theo TS Vân, hiện nay các nhà quản lý giáo dục Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm đến giáo dục tài chính cho học sinh và sinh viên hơn. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hay phổ cập tài chính đầu năm 2020, trong đó giáo dục tài chính là một trụ cột quan trọng, các trường đại học bắt đầu quan tâm tới vấn đề giáo dục tài chính. Điều đó cho thấy nhận thức và hành động đẩy mạnh giáo dục tài chính đang được cải thiện đáng kể.

Chia sẻ về những dự định tương lai, TS Vân cho biết, sau khi kết thúc chương trình trao đổi giảng dạy tại Mỹ, bà sẽ trở về nước để tiếp tục theo đuổi mục tiêu đẩy mạnh hiểu biết tài chính tại Việt Nam và thực hiện các chương trình giáo dục tài chính cho nhiều đối tượng như học sinh phổ thông, sinh viên, phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số.

Đưa ra lời khuyên với người trẻ Việt Nam, TS Vân nhấn mạnh: đừng bao giờ chậm trễ trong việc tìm hiểu và học về tài chính cá nhân, vì điều đó sẽ quyết định đến tương lai tài chính của bạn.

“Bạn còn trẻ, bạn có một thế mạnh rất lớn mà nhiều người giỏi về quản lý tài chính cũng chưa chắc đã có đó là thời gian, để biến các mục tiêu tài chính của mình thành hiện thực. Càng chậm trễ thì bạn sẽ càng nuối tiếc sau này. Tương lai của bạn do bạn quyết định và bạn muốn có một tương lai như thế nào?” TS Vân nói thêm.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng không còn đứng ở mức đỉnh "chót vót" ghi nhận trong ngày hôm qua đối với vàng nhẫn 9999, song giá vàng miếng SJC vẫn đang "đu đỉnh" gần 85 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia chỉ điểm "bình thường" và "bất thường" khi vàng "nhảy múa".

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Trong khi phân khúc chung cư tăng giá vùn vụt suốt cả năm 2023 kéo dài tới hiện tại vẫn ở biểu đồ đi lên thì đất nền, nhất là đất ven đô lại "ngủ" khá lâu.