Trong mùa giãn cách ở TP.HCM, chuyên gia huấn luyện dinh dưỡng và sức khỏe, HLV Yoga và Thiền Trần Lan Hương vẫn mở lớp online giúp các học viên tìm thấy sự cân bằng, vững vàng trong tâm trí và sức khỏe tốt để vượt qua mùa dịch Covid-19.

Dù bận rộn với công việc giảng dạy và nghiên cứu, chuyên gia dinh dưỡng Trần Lan Hương vẫn dành cho Dân Việt một buổi trò chuyện về bảo vệ sức khỏe và tinh thần.

Nhiều người học online để cải thiện sức khỏe

Liệu có phải vì mùa dịch mà nhu cầu tham gia các lớp yoga và bảo vệ sức khỏe online tăng lên, thưa chị?

-Trước đây học offline, tôi mở lớp rưỡi, còn nay 2 lớp, 40 người/lớp. Học online còn dễ hơn vì các bạn khắp nơi đều có thể học được. Dạy online lại nhiều người học hơn, do nhu cầu trong thời gian giãn cách tăng lên. Thứ hai, khi học online, học phí cũng giảm hơn rất nhiều. Bản thân tôi cũng chủ động giảm học phí để mọi người đều có thể tham gia.

Health Coach Trần Lan Hương: "Trong mùa dịch này, việc tập thở rất quan trọng" - Ảnh 1.

HLV Yoga và thiền Trần Lan Hương giảng dạy trong một khóa học. Ảnh: FBNV

 

Về nội dung, tôi bổ sung thêm phần sức khỏe tinh thần. Ngoài chiến lược ăn uống, cân bằng cuộc sống, còn có phần kiểm soát căng thẳng bằng thiền.

Mùa dịch, câu hỏi thường gặp là có gì ăn nấy, làm sao đủ dinh dưỡng như trước đây. Vậy lời khuyên của chị là gì?

Health Coach Trần Lan Hương: "Trong mùa dịch này, việc tập thở rất quan trọng" - Ảnh 2.

Các học viên tập nấu món ăn đầy đủ dinh dưỡng.

 

-Độ phong phú của thực phẩm bây giờ rất hạn chế. Ăn uống ngoài đầu vào còn phụ thuộc quá trình tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa sang các chất dinh dưỡng vào cơ thể.  Ba quá trình còn lại còn phụ thuộc rất nhiều về tinh thần, và đừng căng thẳng mới tốt. 

Ngoài việc ưu tiên đồ tươi, hạn chế tối đa hóa chất, phải có thái độ vui vẻ chấp nhận để đưa cơ thể về trạng thái không căng thẳng mới tối ưu hóa việc tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa chất dinh dưỡng cho cơ thể.

HLV Yoga và thiền Trần Lan Hương

Cho nên, với nguồn đầu vào dinh dưỡng hạn chế, trong khả năng có thể, nên chọn thực phẩm thật, thực phẩm tươi thay vì thực phẩm tích trữ đề phòng đói kém như mì gói hay các loại đồ khô, như lương khô.

Ngoài việc ưu tiên đồ tươi, hạn chế tối đa hóa chất, phải có thái độ vui vẻ chấp nhận để đưa cơ thể về trạng thái không căng thẳng mới tối ưu hóa việc tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa chất dinh dưỡng cho cơ thể. Cho nên, chúng ta hoàn toàn kiểm soát được phần vào, mà phần đó rất quan trọng, có gì ăn nấy, song ăn với thái độ vui vẻ và chấp nhận.

Rau xanh trong mùa dịch khá khan hiếm, làm sao bù được phần thiếu hụt chất tươi và chất xơ, theo chị?

Health Coach Trần Lan Hương: "Trong mùa dịch này, việc tập thở rất quan trọng" - Ảnh 4.

Chuyên gia Trần Lan Hương từng bỏ công việc lương cao ở Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM để chọn con đường huấn luyện viên sức khỏe - health coach. Ảnh: FBNV

-Ăn có 4 nguyên lý: Ăn tự nhiên toàn phần (nguyên vẹn), đa dạng, thực vật là chính, trong đó rau là chủ đạo và lắng nghe cơ thể mỗi người một khác. Uống thì nước lọc. Trong 4 nguyên lý đó, chúng ta thiếu rau chủ đạo. Ngay cả chữ "sạch" cũng mang tính tương đối. Cái sạch ở đây tôi chỉ nhấn mạnh đồ tươi, khác đồ công nghiệp. Chấp nhận thực tế khan hiếm rau tạm thời và chắc chắn tình trạng này sẽ không kéo dài mãi nên bạn hãy bớt căng thẳng đi.

Để xử lý thiếu rau ta cần ưu tiên chất xơ từ những nguồn khác như gạo lứt (có chất xơ trong lớp vỏ cám), các loại rau gia vị, các nhóm gia vị khác (tỏi, gừng, nghệ, hành)… đều không thuộc nhóm rau xanh chính nhưng là nguồn cung cấp cả chất xơ lẫn các dưỡng chất thực vật kháng viêm vô cùng tốt để giúp cơ thể tăng sức đề kháng trong  một điều kiện thiếu rau xanh như bây giờ. Rồi các loại củ cũng bổ sung nguồn chất xơ.

Cách ăn cũng cần sáng tạo để tối đa hóa chất xơ: chẳng hạn như tăng cường chuối (không cần chờ chuối chín, có thể ăn chuối luộc, chuối bung), hoa quả (mọi khi ép nước thì ưu tiên ăn hết cả cùi). Họ nhà đậu rất tuyệt vời, có thể độn đậu vào cơm, canh đậu, cháo đậu.

Thở đúng giảm stress, kéo dài mạng sống

Còn phần thở yoga quan trọng thế nào để duy trì sức khỏe và sự cân bằng?

-Để có cơ thể khỏe mạnh, cần nguồn dinh dưỡng và lối sống đúng. Trong lối sống có các hoạt động như vận động hơi thở, giấc ngủ, kiểm soát căng thẳng.

Health Coach Trần Lan Hương: "Trong mùa dịch này, việc tập thở rất quan trọng" - Ảnh 5.

Lớp học thiền ở Đà Lạt.

 

Trong mùa dịch này, việc tập thở rất quan trọng. Bởi vì đối với những người chưa bị nhiễm virus thì việc tăng cường khả năng thở giúp cung cấp năng lượng, cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể, giảm stress. Đặc biệt, hơi thở đúng là hơi thở bụng, nạp được năng lượng ô xy rất lớn. Đấy là hơi thở yoga.

Còn ngay cả với những người đã dính virus thì việc thở đúng càng quan trọng hơn vì lằn ranh giữa sinh tử đôi khi chỉ là 1 hơi thở mà thôi.

HLV Yoga và thiền Trần Lan Hương

Còn ngay cả với những người đã dính virus thì việc thở đúng càng quan trọng hơn vì lằn ranh giữa sinh tử đôi khi chỉ là 1 hơi thở mà thôi. Cho nên, khi virus ảnh hưởng đến phổi và khả năng đưa oxy vào máu kém, khi chưa tiếp cận được y tế để được thở oxy thì việc biết cách thở đúng để đưa được oxy vào càng lâu càng tốt cũng là cách kéo dài mạng sống của mình.

Hiện đang có nhiều chương trình hỗ trợ sức khỏe cộng đồng. Chương trình "Bạn ơi khỏe không" ngày nào cũng hướng dẫn cách thở, cả sáng và chiều. Về phần tập, vì không đi được ra ngoài, bỏ nhiều hoạt động mang tính cộng đồng thì phải làm quen với việc tập trong nhà, vừa sức.

Có rất nhiều cách tập sáng tạo, ngoài yoga, cần duy trì cân nặng vừa phải. Do vận động ít, ngồi nhiều, ăn nhiều, nên việc tập luyện tối cần thiết. Có 2 dạng tập luyện hàng ngày đều đặn: ngoài Yoga giúp duy trì độ dẻo dai, thăng bằng, và giảm stress nên có thêm các bài tập kháng lực để duy trì hoặc tăng cơ bắp, như tập tạ, tập gym tại nhà…

Ngày nào cũng nên dành 30-60 phút để tập là tốt nhất. Tuần có 2 buổi tập kháng lực, còn lại ngày nào cũng nên tập yoga.

Thiền để cân bằng tâm trí

Nhiều người trải qua nỗi đau mất người thân, lo lắng công việc, thất nghiệp, cuộc sống gia đình hụt trước thiếu sau, làm sao để nâng cao sức khỏe tinh thần cho họ?

Health Coach Trần Lan Hương: "Trong mùa dịch này, việc tập thở rất quan trọng" - Ảnh 7.

HLV Trần Lan Hương trong một buổi dạy về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

 

-Những người này nên đưa vào những bài tập rèn luyện bộ não, vì lo lắng xuất phát từ việc mình suy nghĩ nhiều quá. Hết nghĩ về quá khứ lại nghĩ đến tương lai. Ý nghĩ nhảy lung tung, ít khi tập trung vào việc đang làm. Quá khứ thì ân hận, nuối tiếc, tương lai thì phấp phỏng, lo âu…

Thế thì bài tập rèn luyện cho bộ não bớt stress rất hiệu quả là thiền. Nên coi đó là bài tập cho bộ não chứ không nhất thiết coi đó là bài tập về tâm linh dù cuối cùng nó cũng đưa khoa học và tâm linh gặp nhau. 

Trong thiền có thiền động và thiền tĩnh. Tùy thuộc vào tạng người và sở thích mỗi người, có người có thể đi thẳng vào thiền tĩnh luôn, rèn luyện sự tập trung chú ý của tâm trí vào những gì đang diễn ra ở hiện tại. Đấy là rèn luyện của thiền nói chung.

Thiền là quan sát, nhận biết ý nghĩ và cảm xúc chứ không phải là không được nghĩ một cái gì cả. Đây là hiểu nhầm lớn nhất về thiền làm cho mọi người sợ thiền hoặc nghĩ rằng mình không thiền được. Khi quan sát như vậy, mình biết rằng dòng ý nghĩ và cảm xúc của mình không phải là mình, và mình có khả năng được lựa chọn hành động hay không hành động theo một ý nghĩ nào đó.

Triệt để áp dụng lối sống khỏe 3Đ (ăn đúng, tập đủ, thiền đều), ăn đúng trong phạm vi có thể, tập đủ ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập thiền đều hàng ngày tăng dần từ 3-5 phút lên 10-15 rồi 20 phút/ngày là rất tốt.

HLV Yoga và thiền Trần Lan Hương

Ngoài ra còn có thiền động đối với người hiện đại, dùng cơ thể này làm con đường để đưa vào cái tĩnh của tâm trí. Yoga, thái cực quyền, võ thuật, nếu tập đúng, đều có thể gọi là thiền động, dĩ nhiên còn nhiều hoạt động khác nữa.

Thời giãn cách, người ta dễ nổi giận, stress. Có cách nào giảm trầm cảm không, theo chị?

Health Coach Trần Lan Hương: "Trong mùa dịch này, việc tập thở rất quan trọng" - Ảnh 9.

Tham gia tư vấn dinh dưỡng trong chương trình "Cùng sống khỏe".

 

-Có 3 cách, tùy theo cấp độ nhận biết nhưng nói nôm na, thiền là công cụ căn cơ nhất để giúp kiểm soát sự căng thẳng. Có những kỹ thuật giảm stress nhanh là hít thở sâu. Nhưng phải nhận biết mình đang giận hoặc chuẩn bị nóng giận thì phải hít sâu vài hơi cho cảm xúc dịu lại, sẽ không có hành động thái quá.

Về lâu dài, để có thể nhận diện và nhận biết được cảm xúc của mình từ sớm trước khi có hành  động hay phản ứng bộc phát thiếu kiểm soát, phải rèn luyện bộ não bằng thiền.

Lớp của chị số lượng nam nữ ra sao?

-Lớp thiền khoảng 1/3 là nam, lớp dinh dưỡng nữ là chủ yếu, vẫn có nam. Tỷ lệ nam giới đi học thiền tăng lên.

Lời khuyên của chị đối với người đang sống trong vùng cách ly là gì?

-Triệt để áp dụng lối sống khỏe 3Đ (ăn đúng, tập đủ, thiền đều), ăn đúng trong phạm vi có thể, tập đủ ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập thiền đều hàng ngày tăng dần từ 3-5 phút lên 10-15 rồi 20 phút/ngày là rất tốt. Thực ra, đó là chiến lược sống tôi gọi là 3Đ cộng, mà dấu cộng là môi trường. Có những thứ ta kiểm soát được như 5K, hoặc không kiểm soát được như con virus nằm ở đâu, bao giờ biến đi. Nhưng cái mà chúng ta kiểm soát được là 3Đ và 5K.

Health Coach Trần Lan Hương: "Trong mùa dịch này, việc tập thở rất quan trọng" - Ảnh 10.

HLV Trần Lan Hương: "Nếu sử dụng các phương pháp dân gian hay truyền miệng thì đều phải có cơ sở và làm gì cũng nên lắng nghe cơ thể."

 

Hãy tận dụng triệt để thời gian này để quay về chăm sóc bản thân mình theo chiến lược nói trên để chúng ta tăng khả năng vượt qua dịch bệnh. Sau khi qua dịch sẽ có sức bật nền tảng để tái lập lại cuộc sống của mình nhanh nhất có thể.

Đừng chủ động nạp thêm thông tin tiêu cực vì sự căng thẳng về tinh thần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thể chất. Nếu sử dụng các phương pháp dân gian hay truyền miệng thì đều phải có cơ sở và làm gì cũng nên lắng nghe cơ thể.

Xin cảm ơn chị.

Thạc sĩ, chuyên gia huấn luyện dinh dưỡng và sức khỏe, HLV Yoga và thiền Trần Lan Hương, sinh năm 1973, từng là chuyên viên kinh tế Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp.HCM; Giám đốc Đầu tư Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ SEAF (Mỹ).

Năm 2012, chị nhận chứng chỉ chuyên gia huấn luyện dinh dưỡng và sức khỏe, được chứng nhận bởi Hiệp hội thực hành không dùng thuốc Hoa Kỳ (AADP).

Năm 2020, nhận bằng Thạc sĩ Huấn luyện sức khỏe, chuyên ngành Dinh dưỡng ứng dụng (Mỹ). 7 năm qua, chị đã huấn luyện cho khoảng trên 30.000 học viên, tổ chức nhiều khóa đào tạo tại TP.HCM và Hà Nội cho cộng đồng về chiến lược sức khỏe và dinh dưỡng thông minh, về cân bằng để hạnh phúc, nhập môn về thiền.

 

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem