Hậu giãn cách xã hội, đại gia bán lẻ giành khách chợ truyền thống

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 07/12/2021 11:09 AM (GMT+7)
Các địa gia bán lẻ như: Bách Hóa Xanh, Co.opFood, VinMart, Vissan, Hà Hiền,..."đánh chặn" các con đường xung quanh chợ Bà Chiểu để giành khách thời hậu giãn cách xã hội.
Bình luận 0

Trong khi nhiều chợ truyền thống còn chưa hoạt động, các chợ đã mở lại đối mặt tình trạng sức mua yếu ớt thì nhiều đại gia bán lẻ đã nhanh chóng mở rộng độ phủ ồ ạt, giành lấy cơ hội sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Đại gia bán lẻ giành khách chợ truyền thống

Ngồi đợi khách đến trưa nhưng sạp thịt của bà Dương Mai, tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vẫn còn khá nhiều. Mở sạp trở lại từ hồi tháng 10, khi TP.HCM cho phép các chợ truyền thống hoạt động nhưng bà Mai và các tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống chợ Bà Chiểu rất vắng khách.

"Ế lắm, tôi chỉ dám lấy khoảng một nửa thịt heo so với trước nhưng bán đến trưa vẫn chưa hết. Ở nhà mấy tháng vì dịch Covid-19 rất tù túng, nay ra bán lại thì ế ẩm. Giờ chỉ bán cầm chừng để giữ khách quen, có đồng ra đồng vô, hy vọng cuối năm, Tết tới người ra đi mua nhiều hơn", bà Mai nói.

Các tiểu thương mòn mỏi đợi khách. Do một số khu vực nhà lồng chưa mở hoàn toàn các lối đi, khách không dễ ra vào như trước nên càng vắng khách hơn.


Hậu giãn cách, đại gia bán lẻ giành khách chợ truyền thống - Ảnh 1.

Chợ Bà Chiểu đìu hiu từ ngành hàng thực phẩm tươi sống đến đồ khô. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong khi đó, xung quanh chợ Bà Chiểu, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư lại là một "cuộc chiến" của các đại gia bán lẻ. 

Các đại gia cũ mở rộng quy mô, hàng loạt cửa hàng thực phẩm mới mở ra. Sức mua các cửa hàng này tốt hơn so với trước khi có Covid-19. Đắt khách nhất là cao điểm buổi sáng và chiều tối.

Trên đường Vũ Tùng, Bách Hóa Xanh vừa trả mặt bằng cũ thì đã nhanh chóng thuê một mặt bằng đối diện nằm ngay ngã ba đường, mở một cửa hàng với diện tích gấp 2 lần cửa hàng cũ.

Thực phẩm tươi sống, rau củ quả được bày trên các kệ hàng với không gian thoáng bên ngoài, không máy lạnh. Khách chỉ cần để xe, vào bên trong lựa thực phẩm cần mua và thanh toán, không mất nhiều thời gian như đi siêu thị. Đây là mô hình mà Bách Hóa Xanh đang nhân rộng để cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống. Cách cửa hàng này chỉ 200-300m là một cửa hàng Bách Hóa Xanh khác.


Hậu giãn cách, đại gia bán lẻ giành khách chợ truyền thống - Ảnh 3.

Cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm cạnh chợ Bà Chiểu trên đường Vũ Tùng vừa mở thay thế cửa hàng cũ đối diện, diện tích lớn gấp đôi cái cũ. Ảnh: Hồng Phúc.

Hàng loạt đại gia bán lẻ khác "chặn" các con đường xung quanh như đường Vũ Tùng, Bùi Hữu Nghĩa, đường Lê Quang Định, đường Bạch Đằng để giành khách với chợ Bà Chiểu. 

Chỉ tính sơ qua đã có 1 cửa hàng VinMart+, 1 cửa hàng MeatDeli, 1 cửa hàng Co.opFood và 2 cửa hàng Vissan. Đại gia Hà Hiền thì tiếp tục mở rộng, nâng tổng số cửa hàng quanh chợ Bà Chiểu lên 5 điểm bán, San Hà cũng có 2 cửa hàng cùng nhiều cửa hàng thực phẩm tươi sống nhỏ lẻ khác.

"Cuộc chiến" các đại gia bán lẻ giành khách với các chợ truyền thống cũng diễn ra tại nhiều ngôi chợ khác như chợ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1)…

Đại gia bán lẻ tranh thủ cơ hội

So với các lĩnh vực khác, bán lẻ được xem là ngành có nhiều thuận lợi dù chịu chung ảnh hưởng của dịch Covid-19, do các cửa hàng, siêu thị được hoạt động trong suốt thời gian dịch bệnh cũng như nhu cầu tích trữ của người dân.

Nếu như cuối năm 2020, Bách Hóa Xanh có tổng cộng 1.719 cửa hàng thì tính đến cuối tháng 10, số lượng điểm bán của ông lớn này đã vọt tăng lên con số 1.976, tức trung bình mỗi tháng có thêm 25 cửa hàng mới.

Ngay sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều cửa hàng mới của Bách Hóa Xanh đã nhanh chóng hiện diện tại nhiều khu vực, nhất là khu đông dân cư và gần các chợ truyền thống ở TP.HCM.


Hậu giãn cách, đại gia bán lẻ giành khách chợ truyền thống - Ảnh 4.

Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đang tăng cường độ phủ quanh các chợ truyền thống, chợ tự phát để giành khách hàng. Ảnh: Hồng Phúc.

Đại diện Thế Giới Di Động - doanh nghiệp sở hữu Bách Hóa Xanh, cho biết: Bách Hóa Xanh hướng tới vận hành hơn 2.000 cửa hàng cuối 2021, chỉ mở mới các mặt bằng đã ký kết và đã có kế hoạch xây dựng. Doanh nghiệp cũng sẽ tăng tỷ trọng đóng góp các sản phẩm nhãn hàng riêng và phân phối độc quyền, song song với kiểm soát tỷ lệ hủy hàng để duy trì biên lợi nhuận gộp.

Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ khác cũng tăng cường tìm kiếm thêm các nhà cung cấp để đa dạng hóa nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Ông Nguyễn Duy Nghĩa - Trưởng phòng mua hàng của Vincommerce, cho biết hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ của doanh nghiệp đang phủ khắp cả nước với hàng nghìn điểm bán. So với các doanh nghiệp bán lẻ khác, chuỗi VinMart và VinMart+ đang dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng.

Ông Nghĩa cho hay doanh nghiệp đang có nhu cầu lớn về nguồn hàng, trước mắt là cho dịp Tết, ở các dòng sản phẩm thiết yếu. Nếu nhà cung cấp đáp ứng cơ bản yêu cầu về chất lượng, sản lượng, vận chuyển thì đơn vị sẽ xúc tiến ký kết thu mua sớm.

Đại gia bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam là Aeon cũng có kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam, hiện doanh nghiệp đang có 6 trung tâm mua sắm trong nước. Ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn Aeon đánh giá Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, tuy bán lẻ truyền thống gồm chợ, cửa hàng tạp hóa vẫn chiếm ưu thế tại Việt Nam nhưng bán lẻ hiện đại vẫn đang tăng trưởng tốt, nhất là có thêm nhiều cơ hội sau các đợt dịch Covid-19. Cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng cao sẽ là dịp để các "đại gia" trong ngành bán lẻ tăng tốc, đánh chiếm thị trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem