Hàng loạt quận, huyện ở TP.HCM đang bị sụt lún với tốc độ trên 5 mm/năm

Quốc Hải - Hồng Phúc - Nha Mẫn Thứ bảy, ngày 26/11/2022 11:18 AM (GMT+7)
Dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy một số khu vực như: Bình Chánh, Hóc Môn, quận 6, 7, 8, 9, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú và TP.Thủ Đức đang bị sụt lún với tốc độ trên 5 mm/năm.
Bình luận 0
Hàng loạt quận, huyện ở TP.HCM đang bị sụt lún với tốc độ trên 5 mm/năm - Ảnh 1.

Hàng loạt quận, huyện ở TP.HCM đang bị sụt lún với tốc độ trên 5 mm/năm. Ảnh: Chinh Hoàng

Dữ liệu công bố từ Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị Phát triển vùng Đông Nam bộ, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến 2045, diễn ra sáng nay (26/11), tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, cùng sự than gia của đại diện các bộ ngành, 6 tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ và 2 tỉnh miền Tây Nam bộ có gắn kết với miền Đông Nam bộ là Tiền Giang và Long An.

Cụ thể, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy một số khu vực như: Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 6, 7, 8, 9, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú và TP.Thủ Đức đang bị sụt lún với tốc độ trên 5 mm/năm; cùng với triều cường và nước biển dâng gây hiện tượng ngập lụt, ùn tắc giao thông. 

"Theo kịch bản trung bình mực nước biển có thể dâng 53 -73 cm, có khoảng 20 nghìn ha đất (chiếm 15,17% diện tích của TP.HCM) sẽ bị ngập lụt, tập trung ở các huyện Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 2 và TP.Thủ Đức", Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo.

Hàng loạt quận, huyện ở TP.HCM đang bị sụt lún với tốc độ trên 5 mm/năm - Ảnh 2.

Không chỉ TP.HCM, một số tỉnh thành trong vùng Đông Nam Bộ cũng bị ngập nặng khi mưa lớn... Ảnh: Chinh Hoàng

Không chỉ riêng TP.HCM, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số tỉnh thành khác khu vực Đông Nam bộ cũng đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm gia tăng xâm nhập mặn, các hình thái thời tiết cực đoan, bất định và trái quy luật thông thường.

Lượng mưa mùa khô giảm, cùng với suy giảm thảm phủ rừng, nguồn sinh thủy, ô nhiễm càng làm gia tăng các nguy cơ về an ninh nguồn nước.

"Kết quả điều tra và tính toán cân bằng nước dự báo đến năm 2030 Đông Nam bộ thiếu hơn 2,5 tỷ m3, đến năm 2050 nhu cầu về nước của Vùng cho sinh hoạt, đô thị, công nghiệp, du lịch có xu hướng tăng nhanh nhất trên cả nước (khoảng 112%)", Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo.

Vì vậy, để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội, tạo các động lực mạnh mẽ cho vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng, tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một là, đi đầu trong xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế dựa vào hệ sinh thái và kinh tế tuần hoàn.

Trong đó, quan trọng là thực hiện các dự án xử lý nước thải, khôi phục lại các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng như kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, rạch Xuyên Tâm... (TP.HCM); Khơi thông dòng chảy tại các khu vực đô thị, đặc biệt là với điểm nóng trên sông Sài Gòn.

Ban hành các quy định về đầu tư bảo vệ môi trường các hồ chứa và lưu vực sông Đồng Nai, hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt. Thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu ở tất cả các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, các bệnh viện trước khi thải ra môi trường.

Hai là, thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, chủ động trước tác động của biến đổi khí hậu.

Cần tiếp tục triển khai các giải pháp tổng thể chống ngập cho TP.HCM; nghiên cứu giải pháp phòng, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Đồng Nai-Sài Gòn. Tích hợp biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông; đầu tư các công trình đa mục tiêu; nâng cấp đê sông, đê biển, cống ngăn mặn, giữ nước ngọt ở các địa bàn trọng yếu.

Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước ngầm, giảm tốc độ sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình.

Hàng loạt quận, huyện ở TP.HCM đang bị sụt lún với tốc độ trên 5 mm/năm - Ảnh 4.

Một số tỉnh thành khác khu vực Đông Nam bộ cũng đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng... Ảnh: Chinh Hoàng

Ba là, khai thác tiềm năng lợi thế về biển để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển.

Bốn là, khai thác nguồn lực từ đất đai, chuyển đổi số, cải cách hành chính giải quyết những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn, TP.HCM và một số địa phương cần nghiên cứu đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ các cơ chế thí điểm về phân cấp thẩm quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cạnh tranh vượt trội. 

"Cần có các cơ chế về quản lý, sử dụng đất đa mục đích, tạo quỹ đất bên cạnh các công trình hướng tuyến giao thông, quỹ đất phục hồi ô nhiễm, đất lấn biển để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dự án có tính chất động lực và tạo nguồn lực từ đất đai cho phát triển. Đặc biệt, cần giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường...", Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem