Xin "trả góp" tiền đấu giá đất Thủ Thiêm không thành, hai doanh nghiệp phải đóng phạt hơn 2 tỷ mỗi ngày

Hồng Trâm Thứ sáu, ngày 08/04/2022 14:18 PM (GMT+7)
Đề xuất được nộp tiền sử dụng đất thành 6 lần nhưng không được chấp thuận, hai doanh nghiệp chưa bỏ cọc trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm sẽ bị tính tiền nộp phạt hơn 2 tỷ đồng mỗi ngày.
Bình luận 0

Tiền phạt nộp chậm đấu giá đất Thủ Thiêm hơn 2 tỷ đồng/ngày

Liên quan đến việc phạt việc chậm nộp tiền sau khi trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm của hai doanh nghiệp còn lại, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, cơ quan thuế bắt đầu tính tiền phạt công ty Cổ phần Dream Republic và công ty Cổ phần Sheen Mega chậm đợt 1, từ ngày 7/4 và sau đó sẽ bị tính thêm tiền phạt nộp chậm đợt 2. 

Với số tiền phạt 0,03%/ngày/số tiền chậm đóng theo quy định mỗi ngày, 2 doanh nghiệp phải nộp phạt hơn 2 tỷ đồng.

Trước đó, tại cuộc họp báo do UBND TP.HCM tổ chức chiều qua, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết vẫn chưa nhận được thông tin về số tiền 2 công ty trúng đấu giá khu đất Thủ Thiêm nộp vào ngân sách Nhà nước.

Cục Thuế TP.HCM đã ra thông báo nộp thuế cho công ty Cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3.5 phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. 

Công ty Cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3.8 phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ. Theo quy định, trong vòng 30 ngày là thời hạn đóng tiền đợt 1 với 50% tiền sử dụng đất và trong vòng 90 ngày là thời hạn đóng tiền đợt 2 (50% còn lại).

Xin "trả góp" tiền đấu giá đất Thủ Thiêm không thành, hai doanh nghiệp phải đóng phạt hơn 2 tỷ mỗi ngày - Ảnh 1.

2 doanh nghiệp chưa bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm phải nộp phạt vì chậm đóng tiền. Ảnh: H.T

Tính đến chiều 7/4 (qua ngày thứ 91), cơ quan thuế vẫn chưa nhận được thông tin 2 công ty chuyển tiền vào Kho bạc Nhà nước. Theo quy định, nếu quá thời hạn 90 ngày mà vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất trúng đấu giá theo thông báo của Cục Thuế thành phố, các doanh nghiệp này phải đóng tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp. 

Như vậy, hai doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất 3-5 và 3-8 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 90 ngày nữa để đóng tiền sử dụng đất, thực hiện hợp đồng mua đấu giá hai lô đất trên.

Trước đó, vào ngày 6/4, công ty Cổ phần Dream Republic và công ty Cổ phần Sheen Mega đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng trao đổi về việc tiếp tục mua tài sản đấu giá là quyền sử dụng các lô đất 3-5 và 3-8 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, hai doanh nghiệp trình bày quyết tâm, nguyện vọng tha thiết, mong muốn được đầu tư trên hai lô đất đã trúng đấu giá để góp phần cùng TP.HCM phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, nhiều diễn biến xảy ra ngay sau thời điểm đấu giá đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển dự án. Và đến nay, hai doanh nghiệp vẫn mong muốn được tiếp tục phát triển dự án trên hai lô đất trên.

Qua hai công văn trên, các doanh nghiệp cũng đề xuất đến các cơ quan chức năng lộ trình đóng tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ và tiền phạt nộp chậm thành nhiều đợt. Trong tháng 4 sẽ đóng tiền đợt đầu tiên và đợt cuối cùng sẽ kết thúc vào tháng 9.

Hủy kết quả đấu giá nếu không nộp đủ tiền

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết hai đơn vị này có xin gia hạn thời gian nộp tiền đến tháng 9 nhưng không có căn cứ nào để xét duyệt. Căn cứ vào hợp đồng ký giữa công ty và UBND TP.HCM, phải sau thời hạn 180 ngày mà doanh nghiệp vẫn không nộp tiền vào ngân sách mới được xem là bỏ cọc. Còn hiện nay, cơ quan thuế chỉ tính tiền chậm nộp.

Về cưỡng chế, theo quy định của Luật quản lý thuế, người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định sẽ thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Xin "trả góp" tiền đấu giá đất Thủ Thiêm không thành, hai doanh nghiệp phải đóng phạt hơn 2 tỷ mỗi ngày - Ảnh 3.

Sau 180 ngày, hai doanh nghiệp trên vẫn không nộp tiền vào ngân sách thì được xem là bỏ cọc. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho hay đến thời điểm này, cơ quan thuế chưa ban hành quyết định cưỡng chế thuế với công ty Cổ phần Dream Republic và công ty Cổ phần Sheen Mega vì nhiều lý do, như đây là khoản đấu giá đất chứ không phải nợ thuế, doanh nghiệp cũng có văn bản xin… nộp dần.

Ngoài ra, trước khi ban hành quyết định liên quan đến các công ty trúng đấu giá này, Cục Thuế TP.HCM cũng phải xin ý kiến các cơ quan liên quan.

Về vấn đề bỏ cọc, Cục Thuế cho biết nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà hai doanh nghiệp trên không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất (đại diện chủ sở hữu) sẽ báo cáo Sở Tài nguyên - môi trường trình UBND TP.HCM hủy kết quả đấu giá. Tiền đặt cọc sẽ thuộc về ngân sách, các lô đất sẽ được Nhà nước đưa ra đấu giá lại hoặc giao đất theo quy định.

Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết thêm nếu hai công ty Dream Republic và Sheen Mega tới đây có văn bản xin thôi thực hiện dự án, chấp nhận bỏ cọc như Ngôi Sao Việt và Bình Minh trước đó, cơ quan thuế sẽ đợi chỉ đạo của UBND TP.HCM, phối hợp với những đơn vị có liên quan để giải quyết.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo Luật Đấu giá tài sản, trước khi tiến hành đấu giá, Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 34.

Xin "trả góp" tiền đấu giá đất Thủ Thiêm không thành, hai doanh nghiệp phải đóng phạt hơn 2 tỷ mỗi ngày - Ảnh 4.

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: NV

Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Trường hợp người tham gia đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 thì họ không được nhận lại tiền đặt trước

Sau khi có kết quả trúng đất giá thì các bên tiến hành ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật về dân sự. 

Theo đó, tiền trúng đấu giá tài sản được nộp vào ngân sách nhà nước (do tài sản đấu giá là tài sản của nhà nước) và Cơ quan Thuế sẽ xác định số tiền phải nộp các khoản bao gồm: Tiền trúng đấu giá, lệ phí trước bạ và các loại thuế (nếu có). Lúc này, người trúng đấu giá được xác định là người phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Việc người có nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách muốn được gia hạn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 62 Luật Quản lý thuế hoặc thuộc trường hợp "bất khả kháng" theo khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế và hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định 126/2020.

Chia sẻ về vấn đề 2 doanh nghiệp vụ đất giá đất Thủ Thiêm chậm nộp tiền đấu giá, luật sư Hoan cho hay theo quy định của pháp luật, nếu quá thời hạn mà người có nghĩa vụ nộp thuế không thực hiện thì bị tính tiền chậm nộp theo quy định tại Điều 59, với mức 0,03%/ ngày. Quá thời hạn 90 ngày thì người có nghĩa vụ có thể bị cưỡng chế theo quy định tại Điều 124.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem