![]() |
Tình trạng hàng giả, hàng lậu sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ảnh: I.T. |
Trong những tháng gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tại các điểm nóng về hàng lậu, hàng giả tại Hà Nội như: phố Hàng Ngang, Hàng Điếu, Hàng Bông, Hàng Cân, Hai Bà Trưng, Hàng Cá, Hàng Đường...
Kết quả, trong tháng 6, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 5.479 vụ; xử lý: 4.859 vụ. Khởi tố 9 vụ đối với 8 đối tượng. Trong đó, xử lý 347 vụ hàng cấm, hàng lậu; 49 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gần 4.500 vụ gian lận thương mại. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu: 298 tỷ 710 triệu đồng….
Theo nhận định của ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội), việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như thời trang, hàng dệt may, da giày... vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trái cây... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành thành viên và các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nhằm trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề; theo dõi chặt địa bàn, nhất là đầu mối giao thông, nơi tập kết hàng hóa, hội chợ thương mại. Xây dựng chuyên án đấu tranh với các đường dây sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhãn mác…
Trong bối cảnh Hiệp định EVFTA sắp đi vào thực thi, thực trạng buôn bán hàng giả các thương hiệu của châu Âu vẫn còn nóng, việc đảm sự lành mạnh của thị trường cũng như quyền lợi của người dân và doanh nghiệp là rất quan trọng.
Bởi, xu hướng về tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những quy định về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn của EVFTA có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Gửi bình luận