Hà Nội: "Có dám thu hút nhân tài bằng tiền lương cao gấp 8-10 lần lương công chức thông thường?"

Thùy Anh Thứ năm, ngày 25/04/2024 19:00 PM (GMT+7)
Theo TS Trần Thị Quyên, nên xây dựng chế độ tiền lương riêng và cụ thể cho nhân tài, có thể cao gấp 8-10 lần so với mức lương của công chức thông thường.
Bình luận 0

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo: "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" do Báo Kinh tế Đô thị phối hợp cùng Đại học Luật Hà Nội tổ chức chiều ngày 25/4.

Cần quy định cụ thể chế độ tiền lương, đãi ngộ về nhà ở để thu hút nhân tài

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.

Điều 16 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.

Hà Nội: "Có dám thu hút nhân tài bằng tiền lương cao gấp 8-10 lần lương công chức thông thường?"- Ảnh 1.

Hội thảo tìm giải pháp để thu hút, trọng dụng nhân tài cho Thủ đô Hà Nội. Ảnh: KTĐT

Góp ý cho Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng cần quy định rõ, việc thu hút nhân tài vào Thủ đô Hà Nội cần có chế đặc thù về nhà ở, vị trí việc làm phù hợp, đặc biệt là chế độ tiền lương.

ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhất là ở 3 chế độ: Tiền lương (thu nhập - PV), nhà ở và vị trí việc làm phù hợp, theo hướng quy định chế độ, chính sách đặc thù cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương…

Bên cạnh đó, Hà Nội cần đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm… để vừa khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám", vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này.

Xây dựng chế độ tiền lương riêng cho nhân tài

Đồng quan điểm này, TS Trần Thị Quyên - Trường Đại học Luật Hà Nội cũng nêu quan điểm, hiện nay thu hút nhân tài hầu như mới chú ý tới bằng cấp, chưa chú ý nhiều đến kinh nghiệm, sáng chế từ thực tiễn. Các quy định mới về thu hút nhân tài cần chú trọng hơn đến thực tiễn.

Bà Quyên tỏ ra khá tiếc nuối và dẫn lại câu chuyện: Chúng ta có những anh nông dân có những sáng chế tốt; những nghệ nhân giỏi... nhưng lại chưa thể tận dụng được, rất lãng phí.

"Nên xây dựng chế độ tiền lương riêng và cụ thể cho nhân tài, có thể cao gấp 8-10 lần so với mức lương của công chức thông thường" - TS Trần Thị Quyên nhấn mạnh.

tiền lương

TS Trần Thị Quyên - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng một trong những chính sách trọng dụng nhân tài cốt yếu là xây dựng chế độ tiền lương đặc thù, cao hơn các đối tượng khác. Ảnh: KTĐT

Theo bà Quyên, thực tế nhiều nơi trong nước và quốc tế đang làm tốt điều này. Ví dụ như tại Đà Nẵng, thành phố này có chính sách đặc thù để thu hút nhân tài. Theo đó, cơ chế tiền lương của nhóm này có thể cao hơn từ 50 - 200 lần so với các nhóm công chức, viên chức khác.

Bà Quyên cũng chỉ ra rằng, tiền lương thấp, có sự chênh lệch khá rộng giữa khu vực công - tư là nguyên nhân chính khiến những người hiền tài "dạt" về khối tư. Chưa kể một lượng lớn người giỏi đi học tập ở nước ngoài không về nữa.

Bà Quyên cũng đặt ra vấn đề khi thu hút nhân lực chất lượng cao thì không chỉ thu hút nhân lực trong nước mà còn cần thu hút cả nhân lực chất lượng cao là lao động nước ngoài. Hiện nay Việt Nam chưa đặt ra vấn đề này.

"Tùy từng thời gian, thời điểm để xem thời gian nào cần thu hút nhân lực cao ở lĩnh vực nào để có phương pháp, cách thức tiếp cận cho phù hợp", bà Quyên nói.

Về vấn đề này PGS. TS Nguyễn Thành Lợi cũng đồng ý và cho rằng thực tế vấn đề thu hút sử dụng nhân tài của chúng ta đúng còn những bất cập. Ví dụ nhiều người có bằng cấp, nhưng bằng cấp ấy không phù hợp với vị trí việc làm nên dẫn tới hiệu quả, năng suất công việc thấp.

"Chế độ tiền lương rất quan trọng nhưng liệu chúng ta có dám trả lương gấp 8-10 lần so với mức lương chung. Nếu không làm được thì nhân tài sẽ ra đi, tình trạng chảy máu chất xám sẽ xảy ra", ông Lợi nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem